Đừng để tái diễn

19/12/2013 03:15 GMT+7

Sau khi lắng lại tất cả cảm xúc, điều mong mỏi của người dân trước vụ bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non là làm thế nào những vụ việc như thế không tái diễn nữa. Chứ không phải hôm nay các cơ quan chức năng ồ ạt nhảy vào kiên quyết xử lý, hứa hẹn kiểm tra, đồng loạt chấn chỉnh để rồi theo thời gian, dư luận nguôi ngoai, mọi thứ trở lại như cũ.

Mà đôi khi có thể dẫn đến tình trạng cực đoan, đi từ trạng thái này sang trạng thái khác khiến dân càng thêm khổ.

Lần giở các thông tin trước đây, thấy rằng từ tháng 3.2008, TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 03 chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non  tại TP.HCM. Chỉ thị này nêu rõ đến tháng 4.2008 giải quyết dứt điểm những cơ sở không thể điều chỉnh nâng cấp để triển khai xây trường lớp mới. Tháng  8 chấm dứt tình trạng cô nuôi dạy trẻ không có nghiệp vụ. Tháng 9 bảo đảm 100% cơ sở mầm non đều có phép hoạt động khi bước vào năm học mới. Chỉ thị này cũng có nội dung khuyến khích các khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng trường mầm non. Hơn 5 năm trôi qua, mọi thứ vẫn như hôm nay. 

Vấn đề là chưa tìm đúng căn nguyên để giải quyết.

Nói gì thì nói, nhà nước phải đóng vai trò quan trọng trong giáo dục và y tế. Vì thế, trước tiên nhà nước phải cố gắng hết sức đảm bảo cho con em người lao động nghèo, công nhân có chỗ học. Cần ban hành quy định bắt buộc (chứ không dừng lại ở việc đề nghị, khuyến khích) các khu công nghiệp, khu chế xuất, chung cư phải xây dựng trường học cho con công nhân, dân cư. Chính quyền địa phương phải tích cực hơn trong việc xây thêm trường học để làm sao trường công lập trước hết dành cho con em người lao động. Tránh trường hợp như hiện nay, tìm một suất vào mầm non công lập, trong nhiều trường hợp, là điều hết sức khó khăn với người dân bình thường. 

Xem lại chủ trương phổ cập 100% trẻ 5 tuổi vào công lập có tính khả thi không? Dù Bộ GD-ĐT không thừa nhận nhưng trên thực tế, do chạy theo tỷ lệ này nên các trường công lập ngày càng hẹp cửa cho trẻ dưới 5 tuổi. Lãnh đạo nhiều trường mầm non thậm chí khẳng định phải “làm ngơ” trẻ 2 - 4 tuổi mới may ra đạt tỷ lệ theo yêu cầu trẻ 5 tuổi.    

Khó có một nhà nước nào đủ sức để đảm bảo chỗ học cho tất cả trẻ em từ 6 tháng (giai đoạn người mẹ chấm dứt thời kỳ nghỉ thai sản) nên việc xã hội hóa giáo dục là điều tất yếu. Các trường mầm non tư thục ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu, giải quyết “thị phần” mà nhà nước không thể kham nổi. Nhưng xã hội hóa không có nghĩa mạnh ai nấy làm, làm thế nào cũng được.

Có thể phân cấp thành nhiều loại ngoài công lập nhưng dù sang hay bình dân đều phải tuân thủ những điều kiện, quy định tối thiểu để trẻ được an toàn. Không thể chấp nhận tình trạng một cơ sở hoạt động không phép trên địa bàn mà chính quyền địa phương không hề hay biết. Việc nuôi dạy trẻ càng nhỏ thì càng quan trọng nên quy định phải hết sức gắt gao, nghiêm túc để từ một trường vài trăm trẻ đến nhóm lớp mầm non vài bé đều phải đảm bảo an toàn để phụ huynh an tâm gửi con. Vì thế thật khó lòng chấp nhận quy định chủ nhóm lớp mầm non ngoài công lập chỉ cần tốt nghiệp THCS, học nghiệp vụ quản lý 30 ngày.

Từ câu chuyện này cũng cần đặt lại vấn đề đào tạo trong các trường sư phạm. Nên nhớ nhiều năm gần đây điểm chuẩn ngành mầm non ở các trường sư phạm thuộc vào loại khá cao, tỷ lệ “chọi” rất lớn. Nhưng chương trình đào tạo thế nào mà để cử nhân tốt nghiệp từ các trường sư phạm lại mắc quá nhiều sai sót về nghiệp vụ? 

Đừng để vài năm nữa, mọi người tiếp tục xới lại câu chuyện tương  tự và nghĩ rằng nếu quyết tâm thì chính quyền các địa phương, lãnh đạo giáo dục các cấp không để người dân mất niềm tin đến như vậy. 

Thùy Ngân

>> Tạm giam bảo mẫu và quản lý hành hạ dã man trẻ mầm non
>> Lập hồ sơ xử lý hình sự bảo mẫu hành hạ dã man trẻ mầm non
>> Vụ bảo mẫu hành hạ bé 18 tháng tuổi chết thảm: Những câu hỏi 'mẹ đâu?' cứ vang vọng
>> Cháu bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu hành hạ chết thảm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.