Vụ bạo hành trẻ mầm non ở Thủ Đức: Nguyên nhân sâu xa là thiếu chỗ cho người dân gửi trẻ

19/12/2013 00:30 GMT+7

(TNO) Xung quanh vụ việc trẻ bị bạo hành, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho rằng, để giải quyết tận gốc thực trạng này thì phải đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ mầm non.

>> Bạo hành trẻ mầm non: Khó quản lý nhóm trẻ gia đình tự phát
>> Đóng cửa nhóm lớp mầm non bạo hành trẻ em
>> Bạo hành trẻ mầm non: Hậu quả khôn lường, di chứng kéo dài

Ông Minh cho biết: Chúng tôi thực sự sốc và rất phẫn nộ khi xem hình ảnh do các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về hiện tượng bảo mẫu bạo hành trẻ và phải nói rằng bản thân mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm trong vấn đề này.

Theo ông nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng cứ lâu lâu lại xảy ra một vụ bạo hành nghiêm trọng đối với trẻ mầm non như vậy?

Nếu chúng ta theo dõi một cách có hệ thống thì thấy rõ là tình trạng bạo hành trẻ, ngược đãi trẻ xảy ra trong các cơ sở giáo dục mầm non tư thục chưa được cấp phép, không đảm bảo được các điều kiện về an toàn cho trẻ, về chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. 

Hiện cả nước còn khoảng 29% nhóm lớp mầm non chưa được cấp phép vì không đảm bảo điều kiện.

Công tác giám sát, kiểm tra và xử lý là một trong những nguyên nhân lớn. Trong phân cấp quản lý, việc kiểm tra giám sát và xử lý này thuộc về UBND phường xã.

Bên cạnh đó là sự hiểu biết và ý thức của phụ huynh. Không thể nói là phụ huynh không biết và không có trách nhiệm trong vấn đề lựa chọn những cơ sở mầm non như thế nào để gửi gắm con em mình vào đó cho đảm bảo sự an toàn.

Tuy nhiên trong trường hợp cụ thể này thì ông phải xem thử trên địa bàn đó có trường công lập nào tốt hơn mà có thể tiếp nhận con họ không, nếu không có thì rõ ràng phụ huynh không còn sự lựa chọn nào khác?

Đúng là nguyên nhân sâu xa là ta có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc trẻ hay không.

Ngân sách của nhà nước là có hạn. Trường công lập ở các thành phố lớn chủ yếu dành cho người có hộ khẩu ở đó. Đối tượng phụ huynh là công nhân hoặc lao động ngoại tỉnh thường không có hộ khẩu tạm trú, và như vậy khả năng vào được trường công lập là hạn hữu.

Vậy quy trách nhiệm cho ai ở đây? Khi các khu công nghiệp được quy hoạch, xây dựng, chúng ta thiếu hẳn cái mảng là phải có khu dân cư, trường mầm non cho con em người lao động. Lỗi này là lỗi hệ thống, về lâu dài nhà nước phải có giải pháp giải quyết vấn đề này.

Quy định về chủ nhóm lớp mầm non hiện nay chỉ cần tốt nghiệp THCS, có ý kiến phản ánh có chủ nhóm lớp mầm non từng kinh doanh lô đề, bán thịt lợn… Chất lượng về người quản lý mầm non như vậy theo ông có phải là quá bị coi nhẹ?

Các quy định đều có vấn đề lịch sử. Quy định này có từ năm 2008 ở thông tư 41 và năm 2011 sửa đổi ở thông tư 28. Trong đó quy định chủ nhóm lớp ít nhất có trình độ THCS và sau đó dự bồi dưỡng về kiến thức giáo dục mầm non và quản lý 30 ngày. Trong các thời điểm trên, nếu quy định trình độ cao hơn liệu có huy động được nguồn lực từ nhân dân hay không, vì một phần rất đông các chủ nhóm lớp tuy có trình độ như thế thôi nhưng họ có đủ điều kiện cơ sở vật chất. Hơn nữa chủ nhóm lớp chỉ là những người chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự tồn tại của nhóm lớp đó, còn tác nghiệp nuôi nấng dạy dỗ trẻ là giáo viên. Giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất đều có tiêu chuẩn riêng, thỏa mãn được các điều kiện đó mới cho thành lập nhóm lớp. Những điều kiện quy định tôi cho rằng chặt chẽ chứ không phải không chặt chẽ. Minh chứng là 29% nhóm lớp hiện nay chưa được các địa phương cấp giấy phép, có đề nghị mà chưa cấp, chứng tỏ cái điều kiện đó không phải dễ thực hiện.

Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ có những động thái gì tích cực và quyết liệt hơn nhằm quản lý được việc mở trường, lớp cũng như hoạt động của hệ thống trường ngoài công lập trong thời gian tới?

Giải pháp trước mắt là phải phối hợp tốt với các cấp chính quyền. Lần này phải nêu đích danh phường xã, vai trò trách nhiệm của phường xã phối hợp với phòng Giáo dục - Đào tạo.

Theo chỉ đạo của Bộ và UBND TP.HCM, tuần này sẽ là tuần ra quân của TP.HCM trong việc rà soát các cơ sở mầm non ngoài công lập. Thành phố sẽ làm việc với các chủ tịch quận huyện, rồi giao cho phường xã rà soát kiểm tra, kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm.

Còn biện pháp lâu dài, vấn đề về quy hoạch trường lớp vừa đủ về số lượng, vừa đáp ứng được chất lượng, đảm bảo những điều kiện tối thiểu nhất về an toàn cho trẻ thì sao, thưa ông?

Biện pháp lâu dài của Bộ có 6 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xem có nội dung nào không phù hợp với điều kiện thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung.

Thứ hai, rà soát lại cơ chế chính sách của nhà nước về xã hội hóa giáo dục, việc thực hiện ở địa phương có thực sự tạo điều kiện cho mầm non ngoài công lập phát triển hay không.

Thứ ba, tháng 3.2014, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ tổ chức hội thảo toàn quốc về giáo dục mầm non ngoài công lập, chia sẻ kinh nghiệm quản lý để làm sao loại hình này đi đúng quỹ đạo, đúng quy định.

Thứ tư là chỉ đạo việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, đặc biệt phải làm rõ trách nhiệm của UBND xã phường trong việc quản lý các nhóm lớp tư thục này. Đây là giải pháp cấp bách. Vẫn phân cấp, nhưng ý thức được trách nhiệm của mình là vấn đề khác.

Thứ năm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục. Huy động cộng đồng cùng tham gia giám sát quản lý, ý thức trách nhiệm của mình với con em mình.

Thứ sáu là gắn trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm, có phần quỹ phúc lợi bỏ ra để đầu tư cho an sinh xã hội trong đó có giáo dục mầm non.

   Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.