John Kerry và đối thủ mới tại Việt Nam

16/12/2013 03:05 GMT+7

Sau gần 50 năm, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trở lại chiến trường xưa tại Cà Mau để tham gia một cuộc chiến khác: ứng phó biến đổi khí hậu.

>> Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Đập thủy điện sông Mê Kông đe dọa hàng triệu người dân
>> Chùm ảnh: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm chiến trường xưa
>> Việt Nam trong cuộc đời John Kerry

 John Kerry và đối thủ mới tại Việt Nam 1
Ngoại trưởng Kerry cùng tiến sĩ Đặng Kiều Nhân (trái) và tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia về môi trường tại ĐH Cần Thơ trong cuộc gặp ở Cà Mau - Ảnh: Sơn Duân

Việt Nam và Mỹ hiện đang chung một chiến tuyến trong nỗ lực chống lại những đe dọa về môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Điều này thể hiện qua các cam kết của cựu binh John Kerry khi ông trở lại vùng đất cũ trên cương vị nhà ngoại giao số 1 của Washington.

Trở lại chiến trường xưa

Để đến được với ấp Kiến Vàng, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) vào ngày 15.12, ông Kerry phải thực hiện hành trình bằng cả đường không, đường bộ và đường thủy. Trong đó, chặng đường cuối có ý nghĩa đặc biệt với nhà ngoại giao 70 tuổi. “Tôi từng ở trên dòng sông này nhiều lần”, ông chia sẻ với các nhà báo đi chung chuyến khi chiếc ca nô di chuyển ra sông Cửa Lớn. Giai đoạn 1968 - 1969, John Kerry từng là sĩ quan hải quân trên những chiếc xuồng tuần tra cao tốc ở ĐBSCL, “nơi thật sự kết nối lịch sử và tương lai của quan hệ Việt - Mỹ”, theo lời một quan chức cao cấp tháp tùng chuyến thăm.

Vùng đất mũi ngày nay không còn nhiều dấu tích của chiến tranh như cách đây hơn 4 thập niên. Song những dấu hiệu tàn phá khác đang nổi lên, đe dọa sinh kế của hàng triệu người. Đó là lý do chính cho chuyến “điền dã” của ông Kerry và ông khẳng định mình “đến đây không phải để trở lại quá khứ mà nhìn vào các thách thức chúng ta phải đối mặt trong tương lai”. “Thật ngạc nhiên khi tôi có mặt ở đây ngày hôm nay. Cách đây nhiều thập niên, trên chính vùng sông nước này, tôi là một trong những người từng chứng kiến giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử chung của chúng ta. Hôm nay, trên vùng sông nước này, tôi mang lại bằng chứng cho thấy hai nước chúng ta có thể tiến sát lại với nhau như thế nào”, Ngoại trưởng Mỹ phát biểu trước các sinh viên Trường cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, học sinh Trường THPT huyện Ngọc Hiển và người dân địa phương.

Giáp mặt địch thủ mới

Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Mỹ đã thông báo về việc cung cấp khoản tiền ban đầu 17 triệu USD cho chương trình Rừng và đồng bằng Việt Nam của Cơ quan Viện trợ phát triển Mỹ (USAID). “Số tiền này dùng để giúp đỡ các cộng đồng ở Việt Nam đảo ngược sự thoái hóa môi trường và thích nghi với biến đổi khí hậu”, ông Kerry thông báo.

Theo ông, biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng, là mối đe dọa với tương lai của khu vực và cả toàn cầu. Ông đã tận mắt chứng kiến những tác động của nó trên đường đi ca nô từ bến tàu Năm Căn đến ấp Kiến Vàng.

Mặt khác, việc xây dựng đập thủy điện của một số nước ở thượng nguồn sông Mê Kông như Trung Quốc, Thái Lan… có nguy cơ đe dọa đến sinh kế của những người dân ĐBSCL và hệ sinh thái tại đây. “Không nước nào có quyền tước đoạt của nước khác sinh kế cùng hệ sinh thái và khả năng nuôi sống bản thân” trên dòng sông Mê Kông, “một tài sản của toàn cầu”, Ngoại trưởng Mỹ nói. Ông khẳng định mọi dự án phát triển hạ tầng như xây đập cần phải được thực hiện một cách “cẩn trọng, khôn ngoan và minh bạch”. Cần phải đảm bảo các tài nguyên của sông Mê Kông mang lại lợi ích cho người dân ở mọi đất nước nơi nó chảy qua, chứ không chỉ ở quốc gia nơi dòng sông bắt nguồn. Ngoại trưởng Mỹ cam kết ông sẽ nêu vấn đề này trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới và tại các diễn đàn quốc tế khác.

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc ĐH Cần Thơ nhận xét Ngoại trưởng Mỹ đã hoàn toàn chính xác khi nêu những mối đe dọa liên quan đến việc sử dụng nguồn nước mà người dân ĐBSCL đối mặt.

“Tôi không thể mô tả nổi tôi cảm thấy vui sướng như thế nào khi quay trở lại nơi này để hợp tác cho tương lai và hợp tác với những người bạn Việt Nam nhằm cố gắng cùng nhau xây dựng tương lai”, ông Kerry kết thúc bài phát biểu trước khi chia tay với người dân ở ấp Kiến Vàng. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ đã đến Hà Nội, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm 3 ngày ở Việt Nam.

Ngoại trưởng thân thiện

John Kerry và đối thủ mới tại Việt Nam 2
Ngoại trưởng Mỹ chào hỏi người dân địa phương ở ấp Kiến Vàng - Ảnh: Sơn Duân

Bất chấp việc an ninh được siết chặt theo đúng những nguyên tắc dành cho một quan chức cấp cao, “thân thiện và dễ gần” là nhận xét chung của các sinh viên, học sinh cũng như người dân và trẻ em địa phương nơi Ngoại trưởng Kerry ghé thăm. Thoải mái với quần kaki màu ô liu và áo sơ mi trắng xanh, ông Kerry chủ động hỏi ý các nhân viên an ninh để tiến ra ngoài chào hỏi mọi người trước khi có bài phát biểu. Trên đường đi bằng ca nô, Ngoại trưởng Mỹ cũng ghé thăm ngôi chợ Kiến Vàng bên cạnh sông và mua kẹo tặng trẻ em ở đây. “Ấn tượng của em về Ngoại trưởng Mỹ là sự thân thiện. Cách nói của ông rất dễ nghe và đi vào lòng người. Ban đầu em nghĩ Ngoại trưởng Mỹ thì chắc phải mặc vest song ông thật sự rất là đời thường”, Võ Đặng Mỹ Linh -sinh viên năm 3 Trường cao đẳng Cộng đồng Cà Mau nhận xét. Các nhân viên an ninh tiền trạm cũng tỏ ra rất vui vẻ, đùa giỡn và trò chuyện với trẻ em ở ấp Kiến Vàng trong lúc chờ Ngoại trưởng Kerry đến.

Sơn Duân

>> Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Đập thủy điện sông Mê Kông đe dọa hàng triệu người dân
>> Chùm ảnh: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm chiến trường xưa
>> Việt Nam trong cuộc đời John Kerry
>> Ngoại trưởng Mỹ John Forbes Kerry thong thả dạo phố Sài Gòn
>> Ngoại trưởng Mỹ thăm chiến trường xưa ở Cà Mau 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.