Đại gia bất động sản làm nông dân

16/12/2013 03:00 GMT+7

Bằng những kỹ thuật nông nghiệp tối ưu, đại gia Đoàn Nguyên Đức đang hái quả ngọt từ trồng cây cao su, cây mía trên đất Lào.

Đại gia bất động sản làm nông dân

Ông Đức đang chỉ cho các nhà đầu tư xem hệ thống đường ống tưới nước ngầm dưới đất - Ảnh: Nguyên Hằng

Một đại gia bất động sản Đoàn Nguyên Đức "đóng đô" tại khách sạn sang trọng bậc nhất TP.HCM mỗi khi có việc về thành phố này. Một bầu Đức nhiệt huyết với những phát ngôn thẳng đến sốc trong làng thể thao VN. Một "nông dân" Đoàn Nguyên Đức giày vớ lấm lem bùn đất say sưa nói về kỹ thuật trồng mía, cao su trên mảnh đất Attapeu (Lào) nắng cháy. Đó là 3 hình ảnh không liên quan gì, thậm chí đối nghịch nhau nhưng có một điểm chung là đều rất chân thật trong ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Nông nghiệp không... đất

 

Tôi không phải dân trồng mía nên nghe đi trồng mía thì không ai tin. Trồng với giá thành thấp càng khó tin. Nên tôi mời qua đây cho đỡ bàn cãi 

Ông Đoàn Nguyên Đức

Bầu Đức nói việc cung cấp những con số mang tính định lượng về diện tích đất trồng mía, cao su, cọ dừa, về kỹ thuật tưới tiêu mà ông học từ Israel để áp dụng cho cây cao su, cây mía tại Lào thì quá đơn giản. Tuy nhiên, điều ông muốn là những nhà đầu tư, giới truyền thông và những người thực sự quan tâm đến hoạt động của HAGL tận mắt nhìn thấy "cao su trồng tính bằng núi", “mía trồng tính bằng km” và hàng trăm ngàn đường ống dẫn nước để khuất phục sự khô cằn của đất đai nơi đây. Đó là lý do mà ông mời chúng tôi qua Attapeu. "Xây một tòa nhà to đùng giữa TP.HCM hay Hà Nội thì nổi tiếng liền nhưng đổ hàng trăm triệu USD để xây nhà máy mía đường ở đây thì không ai biết. Mà không biết thì nghi kỵ, đồn thổi dẫn đến những phức tạp không đáng có. Tôi muốn người thật chứng kiến việc thật", ông Đức nói. Trong đoàn hơn 100 khách qua Lào lần này, 2/3 là những nhà đầu tư của HAGL.

Nhưng "cao su tính bằng núi" và "mía đường tính bằng km" và cọ dừa đã cho trái, sau hơn 1 năm HAGL trồng tổng cộng hơn 35.000 ha ở Lào, không khiến tôi kinh ngạc bằng hình ảnh một "kỹ sư nông nghiệp" Đoàn Nguyên Đức trong việc áp dụng "nông nghiệp không đất" với mía, cao su tại Attapeu. Ông Đức bảo cái này ông học từ Israel. "Israel một năm không có giọt mưa, đất thì toàn cát và sỏi đá nhưng họ vẫn trồng bắp với sản lượng 18 tấn/ha trong khi chúng ta chỉ 7 tấn/ha. Điều đó chứng tỏ, đất không quan trọng. Mấu chốt vấn đề là dinh dưỡng. Cây cần chất gì, cần bao nhiêu ta cung cấp bấy nhiêu chất đó".  Với góc nhìn như thế, phân tích đất là khâu đặc biệt quan trọng của HAGL. Mỗi nông trường lấy 20 mẫu đất, trộn lẫn rồi thực hiện phân tích đất. Sau đó, phần mềm "công thức đất" (cũng mua bản quyền của Israel) sẽ cho đáp số về từng loại lượng dinh dưỡng cần cung cấp cho đất.

Héc ta cao su đầu tiên được thí điểm tưới nước, tưới phân ngay sau đó và phát triển rất nhanh. Ngay lập tức, hệ thống tưới có chiều dài "bằng 4 vòng trái đất" như ví von của ông Đức đã được vận chuyển từ Israel về Attapeu với khoảng 160.000 km đường ống đi ngầm dưới đất. Từ hồ chứa tổng, nước tỏa đi khắp nơi với định lượng mỗi giờ một lít để luôn giữ độ ẩm cần thiết cho cây. Khi cần dinh dưỡng, phân được "hòa" từ bể tổng và cũng theo mạng lưới đường ống này tưới thẳng vào gốc. Kết quả là thời gian cho mủ rút ngắn xuống còn 4 năm rưỡi thay vì trung bình 6 năm như cách trồng truyền thống. Nhưng quan trọng hơn là nhờ tưới nước, lá cao su không rụng nên có thể khai thác quanh năm trong khi ở VN từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm không khai thác được mủ vì rụng lá. "Chỉ tính như vậy, chúng tôi đã lời trắng một quý. Tăng 30% sản lượng", bầu Đức hào hứng nói.

Tưới nước, tưới phân cũng được tập đoàn này áp dụng với cây mía, nâng thời gian sinh trưởng của mía lên 12 tháng thay vì 8 tháng như ở VN (VN thường trồng mía vào tháng 4, khi có mưa ẩm). Nhờ hệ thống tự làm ẩm này, cây mía phát triển dài hơn, năng suất cao hơn. "Sau mỗi mùa vụ chúng tôi lại lấy đất lên đưa về phòng phân tích tại Gia Lai để "khám bệnh" xem thiếu chất gì để bổ sung. "Tôi không phải dân trồng mía nên nghe đi trồng mía thì không ai tin. Trồng với giá thành thấp càng khó tin. Nên tôi mời qua đây cho đỡ bàn cãi" - ông Đức ngắn gọn.

Giá thành rẻ, lợi nhuận lớn 

 

Tại Campuchia, HAGL đã trồng 5.000 ha cao su, cọ dầu 5.000 ha. Ông Đức cho biết, sẽ tiếp tục trồng thêm 5.000 ha cao su, toàn bộ diện tích còn lại trong tổng diện tích 50.000 ha tập đoàn thuê tại Campuchia sẽ được đầu tư trồng cọ dầu.

Hào hứng với kết quả của cơ giới hóa nông nghiệp nhưng ông Đức thừa nhận rằng một yếu tố cực kỳ quan trọng để thực hiện việc này là diện tích lớn. "Ở VN và rất nhiều nước đứng đầu về đường trên thế giới rất khó để có cánh đồng lớn tới hàng chục ngàn héc ta như chúng tôi ở đây", ông Đức nói. Nhưng cũng chỉ khi chứng kiến tận mắt nhà máy đường, nhà máy cao su mà Tập đoàn HAGL xây dựng ngay trong vùng nguyên liệu của chính họ, tôi mới hiểu vì sao giá đường của tập đoàn này lại làm ngành mía đường trong nước mất ăn mất ngủ. Theo ông Đức, nhà máy đường ở đâu cũng giống nhau. Cái khác biệt giữa sản xuất đường của HAGL với ngành mía đường VN là tập đoàn sở hữu diện tích lớn, thứ hai là cơ giới hóa nên năng suất cao, chữ đường cao và đặc biệt, tận dụng được tất cả các sản phẩm phụ sau đường. Bã mía chạy điện, sử dụng không hết bán cho Lào (nhà máy đường của HAGL chỉ sử dụng hết 20% sản lượng điện từ bã mía); tro làm phân và ethanol. Chỉ tính 3 sản phẩm phụ này đã gần triệt tiêu giá nguyên liệu. Đó là lý do,  giá đường của HAGL chỉ khoảng 4.500 đồng/kg trong khi tại VN, giá thành 1 kg đường lên tới 12.000 - 13.000 đồng. "Cao su cũng vậy, ở VN bình quân là 1,7 - 1,8 tấn/ha nhưng ở đây sẽ là 3 tấn/ha”, ông Đức cho biết. Không nói suông, ngay tại vườn cao su, người của HAGL  đã cho lấy ngẫu nhiên 10 chén mủ mang cân tại chỗ. Lần đầu tiên cho kết quả là 3 kg, trừ "bì" 8 lạng còn 2,2 kg. Lần thứ hai là 2,9 kg, trừ bì còn 2,1 kg. "Với 550 cây, mỗi cây lấy mủ 100 lần/năm, được khoảng 10 tấn mủ ướt, tương đương với 3,5 tấn mủ khô. Đây là năm lấy mủ đầu tiên trong khi năm thứ 10 mới là năm "đỉnh" của việc cho mủ đối với cây cao su", người này tính toán.

Nhà máy, trường học, bệnh viện, điện được kéo vào tận những ngôi làng khang trang xen giữa những cánh rừng cao su xanh  ngát. Attapeu đã thay đổi từng ngày từ khi HAGL đầu tư vào đây. Tháng 4 năm sau, sân bay do HAGL xây dựng tại đây cũng sẽ được khánh thành. Năm 2018, toàn bộ 25.000 ha cao su, 5.000 ha cọ dừa và 10.000 ha  mía đã và sẽ thu hoạch. Đó là lý do vì sao, cách đây vài ngày, nhóm cổ đông Deutsche Bank AG đã nhanh chóng mua vào cổ phiếu để quay trở lại làm cổ đông lớn của HAGL chỉ sau ít ngày mất quyền.

Nguyên Hằng

>> Vì sao ngành mía đường ‘dậy sóng’ trước HAGL ?
>> HAGL chuyển đường thô về nước tinh chế để xuất khẩu: Bất lợi hay có lợi?
>> HAGL tập trung đầu tư vào cao su, mía đường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.