Cần đẩy nhanh đầu tư nguồn điện cho miền Nam

14/12/2013 09:00 GMT+7

Tại hội thảo vốn cho các dự án điện do Hiệp hội Năng lượng tổ chức sáng 13.12, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương), cho hay tiến độ các dự án điện đi vào vận hành của miền Bắc, miền Trung phù hợp với quy hoạch điện 7, nhưng tiến độ các dự án khu vực miền Nam lại bị chậm.

* EVN là “con nợ” lớn nhất của các ngân hàng thương mại

Tại hội thảo vốn cho các dự án điện do Hiệp hội Năng lượng tổ chức sáng 13.12, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương), cho hay tiến độ các dự án điện đi vào vận hành của miền Bắc, miền Trung phù hợp với quy hoạch điện 7, nhưng tiến độ các dự án khu vực miền Nam lại bị chậm.

Cần đẩy nhanh đầu tư nguồn điện cho miền Nam
Tăng cường khả năng truyền tải trên hệ thống điện 500 KV để đảm bảo đủ điện cho miền Nam - Ảnh: D.Đ.M

Dù cân bằng công suất toàn hệ thống điện có dự phòng khá lớn, nhưng có sự mất cân bằng giữa các miền. Trong khi miền Bắc, miền Trung có dự trữ công suất từ 50 - 80% thì hệ thống điện miền Nam không có dự trữ công suất giai đoạn 2013 - 2016, năm 2017 tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiếu điện. Theo ông Tuấn, bên cạnh việc định hướng phát triển nền kinh tế hướng tới các ngành ít sử dụng năng lượng, thì giải pháp cho miền Nam từ nay đến năm 2018 là phải đẩy nhanh tiến độ nguồn khu vực này, giãn tiến độ các nguồn miền Bắc và miền Trung. Ngoài ra, tăng cường khả năng truyền tải trên hệ thống điện 500 kV, 220 kV nhằm đảm bảo truyền tải đủ điện cho miền Nam giai đoạn 2013 - 2019.

Theo Viện Năng lượng, vốn đầu tư cho điện theo quy hoạch điện 7 giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 29,3 tỉ USD, bình quân khoảng 5,8 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, vốn cho nguồn điện giai đoạn này có thể giãn bớt khoảng 5,7 tỉ USD do nhiều dự án công suất nguồn chậm so với tiến độ trong quy hoạch điện 7. Dù nhu cầu vốn đã giảm, nhưng việc thu xếp vốn cho các dự án điện vẫn rất khó khăn.

Theo ông Cáp Quang Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước VN, Tập đoàn điện lực VN (EVN) hiện là “con nợ” lớn nhất của các ngân hàng thương mại trong nước với tổng dư nợ tín dụng đã lên tới 144.000 tỉ đồng. Nhiều ngân hàng đã cho EVN vay vượt hạn mức tín dụng đối với một đơn vị. Con số trên là dư nợ tính đến 30.9.2013. Đây là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty nhà nước. So với cập nhật hồi tháng 7, dư nợ của EVN đã tăng thêm 26.000 tỉ đồng. Cũng theo ông Dương, với đặc thù vốn đầu tư cho các dự án điện rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài, tỷ suất lợi nhuận của EVN thấp (1,4%) nên khả năng trả nợ gốc và lãi của tập đoàn này không cao, trong khi nhu cầu của EVN luôn luôn là vay với thời gian quá dài.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng giá điện thấp khiến ngành điện không thu hút được các nhà đầu tư, ngân hàng cũng không mặn mà cho vay. Tuy nhiên, theo Phó giáo sư Nguyễn Minh Duệ, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng, tăng giá điện sẽ tăng lợi nhuận của nhà đầu tư nhưng cũng là gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất và người dân sử dụng điện.

Theo ông Duệ, ngành điện cần tiết giảm tối đa chi phí sản xuất điện. Các nhà máy điện giá thành cao vì suất tiêu hao nhiên liệu cho 1 kWh cao, truyền tải và phân phối tổn thất lớn vào loại cao trên thế giới, hệ số biên chế lớn, hệ thống quản lý của ngành điện còn cồng kềnh…

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.