8.178 tỉ đồng chống ngập 'chưa hiệu quả'

13/12/2013 02:40 GMT+7

Hôm qua 12.12, tại phiên bế mạc kỳ họp lần thứ 12 HĐND TP.HCM khóa 8, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã có gần 3 giờ đồng hồ giải trình thêm một số vấn đề kinh tế - xã hội mà các đại biểu (ĐB) đã đặt ra.

 Đường Kha Vạn Cân
Đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức) thường xuyên hứng chịu cảnh ngập nặng  - Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo ông Lê Hoàng Quân, từ năm 2011 - 2013, TP đã đầu tư 8.178 tỉ đồng chống ngập nước; 24.778 tỉ đồng cho hạ tầng giao thông các loại. Tuy nhiên, trong lĩnh vực chống ngập và trợ giá xe buýt, ông Quân đánh giá “chưa thật sự hiệu quả”.

Trước ý kiến của ĐB liên quan đến vấn đề ngân sách khó khăn nhưng trợ giá xe buýt đến hơn 1.400 tỉ đồng, như vậy TP có “sang” quá không? “Sử dụng ngân sách đầu tư thì mục tiêu là phải mang lại hiệu quả, và trước nhất là trách nhiệm sử dụng những đồng tiền từ nỗ lực công sức của nhân dân, của cả hệ thống chính trị, chứ không thể nói là xài sang được; còn sử dụng những đồng tiền đó ở lĩnh vực nào, đơn vị sử dụng hiệu quả hay không, là trách nhiệm của đơn vị”, ông Quân nói.

Về vấn đề tại sao xử lý ngập ở chỗ này, thì lại xuất hiện ngập ở chỗ khác khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, ông Quân nhắc đến thực trạng biến đổi khí hậu, và cho biết sẽ tiếp tục sửa chữa, khắc phục. “Trong một đô thị đông dân như TP.HCM thì phải kiên quyết làm tốt hơn; khắc phục trì trệ, yếu kém nhưng cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối”, ông Quân nói. Theo ông Quân, “chúng ta còn nhiều việc để xử lý lắm”, và trong quý 1/2014, UBND TP sẽ báo cáo chuyên đề 6 chương trình đột phá trước Ban Chấp hành Đảng bộ TP.

Kỳ họp đã thông qua nghị quyết về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 với 28 chỉ tiêu, trong đó tai nạn giao thông kéo giảm 5 - 10% trên cả ba mặt (số vụ, số người chết và số người bị thương), tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 100%, xóa 6/11 điểm ngập nước do mưa...

Thanh Hóa: Cử tri đòi cách chức giám đốc Sở TN-MT. Ngày 12.12, trả lời chất vấn của nhiều ĐB xung quanh vụ chôn hóa chất độc hại của Công ty CP Nicotex Thanh Thái, tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Sở TN-MT Vũ Đình Xinh nói: “Sở TN-MT xin nhận khuyết điểm là đã có thiếu sót, không phát hiện hành vi chôn lấp hóa chất độc hại, để mãi đến khi người dân tố cáo thì mới biết”. Ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng: “Vụ việc đã khiến thanh danh của Thanh Hóa bị ảnh hưởng rất nhiều. Có cử tri bức xúc yêu cầu cách chức Giám đốc Sở TN-MT, cũng như tỏ ý nghi ngờ công an có bao che cho công ty này. Vì vậy chúng ta phải làm nghiêm, kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn để lấy lại lòng tin của người dân”.

Ngọc Minh

Đề nghị công nhận Thừa Thiên-Huế là đô thị loại 1. Hôm qua, HĐND tỉnh đã bế mạc kỳ họp thứ 7 và thông qua nghị quyết đề nghị công nhận Thừa Thiên-Huế là đô thị loại 1 trực thuộc T.Ư. UBND tỉnh sẽ có tờ trình đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định trình Chính phủ công nhận Thừa Thiên-Huế là đô thị loại 1 trực thuộc T.Ư.

Bùi Ngọc Long

Đà Nẵng: Diện tích nhà ở bình quân là 20 m2/người. Ngày 12.12, HĐND TP.Đà Nẵng đã quyết định chọn đoạn đường ven biển giữa Hoàng Sa và Trường Sa (đoạn từ Nguyễn Huy Chương đến Minh Mạng) dài hơn 8 km, đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp; thống nhất từ 1.1.2014 áp dụng quy định về “diện tích nhà ở bình quân khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ”. Theo đó, các phường thuộc hai quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê diện tích nhà ở bình quân là 20 m2 sàn/người. Các phường, xã thuộc các quận, huyện còn lại như Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Hòa Vang... diện tích nhà ở được quy định là 15 m2 sàn/người.

Hữu Trà

Khánh Hòa: Di dời dân khỏi vùng ô nhiễm. Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Khánh Hòa sáng 12.12, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng phản ánh của người dân về việc nhà máy tách cọng thuốc lá của Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco) gây ô nhiễm trong thời gian qua là đúng. Cái sai của tỉnh là không xây dựng vành đai an toàn, không di dời dân trước khi nhà máy thuốc lá đi vào hoạt động. Trả lời câu hỏi của ĐB về việc phải di dời dân là phương án tối ưu? Ông Thắng nói: “Trước mắt, sẽ khắc phục ô nhiễm, sau đó là di dời dân để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Phải đặt vấn đề di dời dân tốt hay nhà máy tốt hơn, vì không nhà máy này gây ô nhiễm thì nhà máy khác cũng gây ô nhiễm”, ông Thắng nói.

Hiền Lương

Đình Phú

 

>> Thiếu vốn cho chống ngập
>> Chống ngập phải đồng bộ
>> Vất vả chống ngập
>> Đừng để dân bệnh tật vì ô nhiễm
>> Không xử lý được nhà máy gây ô nhiễm thì di dời... dân!  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.