Xóa ngập được 9 điểm, phát sinh 21 điểm

12/12/2013 02:17 GMT+7

HĐND TP.HCM hôm qua đã dành gần một buổi chất vấn về tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố, gây thiệt hại nặng về tài sản người dân thời gian qua.

Xóa ngập được 9 điểm, phát sinh 21 điểm
Nhà dân ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức bị ngập, tài sản hư hại ngày 5.12 - Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo các đại biểu (ĐB), chống ngập nước là 1 trong 6 chương trình đột phá của TP, nhưng hiệu quả thực sự chưa đột phá, không đáp ứng được mong mỏi của cử tri. Mỗi khi trời mưa kết hợp triều cường, nhiều tuyến đường, khu dân cư lập tức bị ngập sâu. Học sinh đi học phải lội bì bõm giữa bốn bề nước ngập đen ngòm, hôi thối. Người dân cũng điêu đứng vì sinh hoạt, buôn bán bị ảnh hưởng nghiêm trọng...

ĐB Võ Văn Sen đề nghị “phải nói thẳng là chống ngập không hiệu quả, chứ không phải là nói thiếu bền vững” và hỏi: Nguyên nhân do đâu mà trong năm 2013 xóa được 9 điểm ngập, nhưng lại có đến 21 điểm ngập mới phát sinh, trong khi TP đã bỏ ra rất nhiều tiền? “Đơn vị thi công quản lý không tốt lắm làm tắc nghẽn luôn dòng chảy”, ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc thường trực Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP (đơn vị tham mưu giúp UBND TP thực hiện các chương trình, dự án thoát nước, chống ngập trên địa bàn), lý giải.

ĐB Phạm Hiếu Nghĩa đặt vấn đề: “TP đào đường đặt cống thoát nước rất nhiều, vậy hiệu quả của nó tới đâu?”. Còn ĐB Nguyễn Thành Nhân hỏi thẳng: “Đến bao giờ thì hết cảnh ngập?”. Ông Công không đi thẳng vào vấn đề, mà cho rằng cách đánh giá nguyên nhân gây ngập trước đây chưa đồng bộ, nếu có tiền đầu tư hệ thống thoát nước mới, thêm cống ngăn triều dọc sông Sài Gòn “thì hy vọng sẽ hết ngập”.

Trước chất vấn của một số ĐB về chất lượng công trình chống ngập, kiểm soát chất lượng thế nào..., ông Công nói: “Chất lượng công trình là trách nhiệm của chủ đầu tư”. Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lập tức ngắt lời: “Đồng chí nói nghe hồi hộp quá. Mình bỏ ra nhiều tiền mà lại nói chủ đầu tư chịu trách nhiệm, vậy nếu họ không đề cao trách nhiệm thì chất lượng công trình ra sao?”. “Vấn đề đó đã quy định trong luật xây dựng cơ bản”, ông Công phân bua. “Cãi như anh thì cãi không lại rồi”, bà Tâm nói, và lưu ý cần có giải pháp để “cho đáng đồng tiền bát gạo đã bỏ ra”.

Trong phần “chia lửa” với ông Công, Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang cũng không nói cụ thể đến khi nào TP sẽ hết ngập. Khi đề cập đến đơn vị thi công ẩu làm tắc dòng chảy và gây phát sinh nhiều điểm ngập, ông Cang cho biết Thanh tra sở có đình chỉ 1 đơn vị thi công. Theo ông Cang, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trong đợt khảo sát mới đây tại TP cũng đã cơ bản nhất trí sẽ ưu tiên bố trí vốn cho TP xây dựng 8 cống ngăn triều với kỳ vọng sẽ hạn chế ngập.

Xe buýt gây lãng phí

Trả lời chất vấn của ĐB về lĩnh vực xe buýt, ông Tất Thành Cang thừa nhận có lãng phí do luồng tuyến không hợp lý (năm 2013 ngân sách TP trợ giá hơn 1.400 tỉ đồng). Ông Cang cũng cho rằng ngành giao thông TP có thiếu sót  và sẽ chấn chỉnh trong việc xe buýt chạy không an toàn, bỏ khách, còn nạn móc túi trên xe, nhân viên thiếu niềm nở...

Đà Nẵng: Sáng 11.12, kỳ họp thứ 8 HĐND TP khai mạc. Theo UBND TP.Đà Nẵng, dù gặp nhiều thách thức nhưng nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nên kinh tế TP vẫn tăng trưởng so với năm 2012. Cụ thể, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn năm 2013 tăng 7,7% so với năm 2012. Tại kỳ họp lần này các đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng cũng xem xét, thông qua một số tờ trình quan trọng của UBND TP.Đà Nẵng. (Hữu Trà)

Quảng Nam: Việc xả lũ của các thủy điện lại “nóng” trên nghị trường kỳ họp HĐND Quảng Nam hôm qua. Nhiều ĐB đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, điều chỉnh lại quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện cho phù hợp tình hình thực tế; sớm ban hành quy trình vận hành đập thủy điện vào mùa khô. Các ĐB cũng cho rằng cần xem xét trách nhiệm của các thủy điện trong việc bồi thường người dân bị thiệt hại do xả lũ; đối với các dự án thủy điện còn trong giai đoạn điều tra, thiết kế, lập dự án thì tạm dừng không cho khởi công... (Hoàng Sơn)  

Khánh Hòa: Ngày 11.12, HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua Nghị quyết về kế hoạch chuyển các cơ quan hành chính tỉnh đến địa điểm mới. Theo đó, khu vực phía đông của khu đất dự kiến xây dựng công viên Tây Lê Hồng Phong (P.Phước Hải, TP.Nha Trang) được chọn để xây dựng trung tâm hành chính với diện tích 126 ha, tổng mức đầu tư 5.534 tỉ đồng, dự kiến năm 2018-2020 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hiện nhiều cơ quan hành chính ở tỉnh đóng ở những khu đất “vàng” của TP.Nha Trang, là nơi có lợi thế phát triển du lịch. Việc chuyển các cơ quan hành chính đến địa điểm mới sẽ giúp khu đất “vàng” được sử dụng hiệu quả hơn. (Nguyễn Chung)

Phú Yên: HĐND tỉnh Phú Yên hôm qua biểu quyết thông qua nghị quyết miễn nhiệm đại biểu HĐND tỉnh đối với ông Đào Tấn Nguyên, nguyên Giám đốc Ngân hàng Chính sách - xã hội chi nhánh Phú Yên. Trước đó, ông Nguyên đã bị cách chức tỉnh ủy viên, cách chức giám đốc và các chức vụ khác tại Ngân hàng Chính sách - xã hội chi nhánh Phú Yên vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; vi phạm quy chế làm việc, thực hiện không đúng quy định về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống của người cán bộ lãnh đạo... (Đức Huy)

Bình Thuận: Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa IX, các ĐB đã bầu bổ sung ông Huỳnh Thanh Cảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT, giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (nhiệm kỳ 2011-2015). (Quế Hà)

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.