Rối bời theo đề án ngoại ngữ quốc gia - Kỳ 2: Khó đạt được mục tiêu

12/12/2013 09:00 GMT+7

Theo các chuyên gia, với điều kiện hiện nay, VN khó đạt được mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ cho thanh thiếu niên vào năm 2020.

Theo các chuyên gia, với điều kiện hiện nay, VN khó đạt được mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ cho thanh thiếu niên vào năm 2020.

Rối bời theo đề án ngoại ngữ quốc gia
Trong tình hình hiện tại, với năng lực giáo viên hiện có, thời gian chỉ còn 7 năm nên theo nhiều chuyên gia, rất khó đạt được mục tiêu của Đề án 2020 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

>> Rối bời theo đề án ngoại ngữ quốc gia - Kỳ 1

Tính bằng thập niên

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 (Đề án 2020) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30.9.2008, có tổng chi phí dự toán khoảng 9.400 tỉ đồng, nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu của đề án nhằm đảm bảo đến năm 2015 nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên; tạo điều kiện đến năm 2020 tăng đáng kể tỷ lệ thanh thiếu niên có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập và tự tin trong giao tiếp. Thế nhưng, đến năm học 2010 - 2011 mới có 18 địa phương bắt đầu thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 3 theo đề án này. Đến năm 2012, các tỉnh thành khác mới bắt đầu rục rịch công bố kế hoạch triển khai. Tức là nếu so với mục tiêu 2020, VN chỉ còn khoảng 7 năm nữa để hoàn thành dự án.

 

Chỉ cần nhìn sang các nước trong khu vực, tôi phải nói ngay những mục tiêu VN đặt ra đối với Đề án 2020 là không thể đạt được. Đúng ra phải gọi nó là Đề án 2030 thì còn may ra

Tiến sĩ DENNIS BERG
(người hơn 20 năm làm cố vấn giáo dục tại VN)

Các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước đều có chung nhận định: Đây là một mục tiêu quá sức.

Tiến sĩ Dennis Berg, người đã có hơn 20 năm làm cố vấn giáo dục tại VN, nói với Thanh Niên: “7 năm như một cái chớp mắt. Chỉ cần nhìn sang các nước trong khu vực, tôi phải nói ngay những mục tiêu VN đặt ra đối với Đề án 2020 là không thể đạt được. Đúng ra phải gọi nó là Đề án 2030 thì còn may ra”. Thực vậy, trong khối ASEAN, hai nước có tiềm lực kinh tế và trình độ tiếng Anh hơn hẳn VN là Singapore và Malaysia khi thực hiện mục tiêu nâng cao trình độ tiếng Anh cho người dân đã phải mất hàng chục năm mới làm được. Từ năm 1987, Singapore bắt đầu đưa tiếng Anh vào giảng dạy trong các trường như ngôn ngữ chính thức. Chính phủ đảo quốc này còn đẩy mạnh việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức trong toàn bộ các cơ quan chính phủ. Chính nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ này, tỷ lệ các gia đình Singapore sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức từ 8% trong năm 1980 tăng lên 48% vào năm 2010. Rõ ràng, để đạt được thành công trên, Singapore đã mất tròm trèm 30 năm.

Tiến sĩ Berg nhận định: “Để phát triển năng lực trong bất cứ lĩnh vực gì cho cả dân số, thời gian phải tính bằng thập niên, không thể bằng năm. Đó là tôi chưa nói đến mặt bằng tiếng Anh chưa cao lắm của người học VN so với các nước trong khu vực. Rồi còn rất nhiều yếu tố quan trọng khác: chất lượng giảng dạy tiếng Anh, đặc biệt là chế độ đãi ngộ và đào tạo giáo viên”.

Trình độ giáo viên chưa theo kịp

Tiến sĩ Berg nhớ lại cách đây vài năm khi ông đứng lớp cao học của giáo viên tiếng Anh tại VN, có một nhóm giáo viên ngồi học cùng những phiên dịch để có thể theo kịp bài giảng. Ông Berg kể: “Khi tôi hỏi nhóm học viên đó có muốn trở thành giáo viên tiếng Anh hay không, câu trả lời ngay lập tức là không, vì đây là chuyên ngành họ lỡ theo học nên bằng giá nào cũng phải có bằng cao học”.

Ông kết luận: “Chừng nào hệ thống giáo dục VN còn theo đuổi những điều vô lý như chỉ tiêu cào bằng như thế này thì chừng đó những mục tiêu như Đề án 2020 sẽ không bao giờ đạt được. Mục tiêu của đề án không thể nào chỉ đạt được bằng mệnh lệnh hành chính hay một quyết định, mà cần phải đi đôi với việc thay đổi phương pháp giảng dạy, nâng chất lượng đào tạo giáo viên. Đồng thời, không thể không nhắc đến việc nâng chế độ lương bổng, đãi ngộ và giảm tải cho giáo viên”. Ông Berg cho rằng nhìn chung trình độ tiếng Anh của người học VN đã nâng lên đáng kể nếu tính từ thập niên 1990 - bây giờ vấn đề không phải là tìm ra được người nào biết nói tiếng Anh, mà là một người biết nói tiếng Anh đủ tốt để có thể theo kịp việc chuyển giao tri thức từ chuyên gia nước ngoài trong một công ty. “Tuy vậy, trình độ tiếng Anh của đội ngũ giáo viên ở các thành phố lớn có vẻ vẫn chưa theo kịp thời đại để đáp ứng nhu cầu đào tạo”, ông Berg thừa nhận.

Quá lớn so với khả năng

Các chuyên gia cùng chỉ ra cái cốt lõi khiến Đề án 2020 không thể đạt được mục tiêu chính là những tham vọng không phù hợp. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập), nói với Thanh Niên: “Đề án đặt ra một mục tiêu quá lớn so với khả năng chúng ta có thể làm được. Nếu xét về những thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội thì tiếng Anh có thể biến thành “thế mạnh” vào năm 2020. Nhưng đằng này, chúng ta muốn làm đại trà ở tất cả mọi tỉnh thành các nơi để “đảm bảo công bằng”. Làm sao công bằng được khi mà trên thực tế điều kiện sống đã không công bằng?”.

Một nhà ngoại giao châu Á, đề nghị không nêu tên, nhận định: “Không ai phủ nhận tầm quan trọng của việc trang bị tiếng Anh thành thế mạnh cho lực lượng lao động. Nhưng đó là một con đường rất dài, đòi hỏi cam kết và quyết tâm rất cao. Cái quan trọng nhất là VN, với điều kiện hiện có của mình, cần biết rõ mình đang ở đâu và cần phải làm gì. Sẽ rất khó nếu đi một hành trình mà không biết mình sẽ đi đâu”.

Từ 75 - 90% giáo viên chưa đạt chuẩn

Theo Ban Quản lý Đề án 2020, sau 3 năm triển khai đề án (2011 - 2013), tính đến 30.9.2013, theo báo cáo của 42 tỉnh thành tham gia đề án, tỷ lệ giáo viên tiếng Anh phổ thông chưa đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo quy định vẫn rất cao. Cụ thể là gần 75% giáo viên tiếng Anh tiểu học và gần 90% giáo viên tiếng Anh THPT chưa đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ.

Cũng theo Ban Quản lý Đề án 2020, có không ít những vướng mắc trong vấn đề thực hiện sách giáo khoa, giáo trình giảng dạy. Do đề án được triển khai trong hoàn cảnh khẩn trương và khó khăn: vừa viết sách giáo khoa, triển khai thí điểm vừa thẩm định, tuyển dụng, rà soát, bồi dưỡng... nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai. Cụ thể như tiến độ soạn sách giáo khoa tiếng Anh phổ thông thí điểm theo chương trình 10 năm chậm, công tác triển khai sách giáo khoa chưa đảm bảo tính hệ thống nên xảy ra tình trạng nhiều học sinh chương trình thí điểm ở bậc tiểu học học lại chương trình cũ ở bậc THCS. Báo Thanh Niên đã phản ảnh thực tế này trên số báo ra ngày hôm qua 11.12. 

D.Hiền

Khó khăn trong bồi dưỡng giáo viên

Ngày 11.12, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị giao ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tại Đà Nẵng. Nhiều đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, việc bồi dưỡng cho giáo viên dạy ngoại ngữ hiện nay vẫn còn quá nhiều bất cập.

Theo tiến sĩ Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, do ban đầu tỷ lệ giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học đạt chuẩn còn quá thấp nên việc bồi dưỡng gặp không ít khó khăn. “Qua khảo sát, rất nhiều giáo viên đã 20 - 30 năm nay chưa hề được bồi dưỡng, nay rà soát đột xuất thấy chưa đạt chuẩn, cần được bồi dưỡng. Nhưng chính giáo viên đó chưa được chuẩn bị tâm thế nên hết sức khó khăn. Ngoài ra, giáo viên gặp phải áp lực nhiều đơn vị dọa không đạt chuẩn là buộc thôi việc nên rất lo lắng và phân tâm trong quá trình theo học để nâng bậc”, ông Hòa cho biết.

Đại diện lãnh đạo các sở GD-ĐT như: Hà Nội, Cần Thơ, Thái Nguyên, Hải Phòng... thừa nhận còn lúng túng trong việc bồi dưỡng cho giảng viên, giáo viên tiếng Anh ra nước ngoài học tập. Nhiều địa phương thiếu thông tin, năng lực hợp tác quốc tế dẫn đến phụ thuộc vào nhiều công ty, tổ chức giáo dục ngoài công lập... gây lãng phí và không đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, theo nhiều đại biểu, chế độ đãi ngộ giáo viên tiếng Anh còn thấp cũng là nguyên nhân khó kiếm được người giỏi tham gia giảng dạy. Bà Đoàn Thị Minh Công, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương, chia sẻ: “Hiện nay định biên giáo viên bậc tiểu học còn thấp (1,5 giáo viên/lớp), nên ở bậc học này không có định biên giáo viên tiếng Anh. Vì vậy, chi phí để chi trả giáo viên tiếng Anh tiểu học là vô cùng khó khăn, phải vận dụng theo cách xã hội hóa”. Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng mức chi trả cho công tác xây dựng chương trình biên soạn giáo khoa, tài liệu giảng dạy, lương hợp đồng của giáo viên quá thấp, không phù hợp thực tiễn.

Về vấn đề sách giáo khoa, tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề xuất nên lấy tài liệu tham khảo của một quốc gia không sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nhưng giảng dạy tiếng Anh có hiệu quả để thống nhất tài liệu, tránh tình trạng trăm hoa đua nở. Bộ trưởng Luận cũng cho rằng, việc triển khai đề án cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện của trường học và mỗi giáo viên. “Rất nhiều người dân, cán bộ có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng lại không sử dụng được ngoại ngữ, như vậy rõ ràng là dối trá”, ông Luận khẳng định.

Diệu Hiền

An Điền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.