Nhà dân sống dưới ‘phễu bay’ bị tốc mái do hiện tượng xoáy khí?

11/12/2013 15:40 GMT+7

(TNO) Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, lý giải sự cố tốc mái của hai ngôi nhà nằm dưới đường hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất mới đây là do hiện tượng xoáy khí (vortex).

>> ‘Nghi án’ máy bay tốc mái nhà: Cảng vụ Hàng không ghi nhận hiện trường
>> Thêm một ‘nghi án’ máy bay làm tốc mái nhà dân


Máy bay đang hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Độc Lập

Vị chuyên gia này khẳng định hiện tượng xoáy khí được sinh ra từ lực đẩy của máy bay rồi gặp điều kiện thời tiết êm gió, độ ẩm cao tạo ra khối khí tác động lên mái ngói. Hiện tượng này càng rõ nét ở thời điểm máy bay hạ cánh với tốc độ chậm.

Nhiều nước xảy ra hiện tượng này

Ông Phạm Sanh nói: Ở cả hai vụ tốc mái, cần phải khẳng định máy bay bay đúng quỹ đạo, đúng độ cao và nhà dân vẫn xây đúng cự li. Không ai sai cả. Nhưng chịu khó quan sát thì thấy sự cố tốc mái nhà dân một phần do máy bay gây ra. Khi bay trên cao, khối khí tự tan ra nhưng khi bay thấp và bắt đầu hạ cánh thì khối khí phát huy tác dụng.


Sự cố nhà dân bị tốc ngói vào ngày 9.12 - Ảnh: Đình Quân

Vị chuyên gia này cho biết thêm với những máy bay lớn, bay cự li xa, chở nhiều khách thì nguy cơ xảy ra sự cố tương tự càng nhiều. Tuy nhiên, ở đây cũng cần phải lưu ý điều kiện sinh ra sự cố là khí hậu lúc đó phải trùng hợp, nghĩa là trời lạnh, không có gió, khí hậu ẩm ướt. Điều đó cho thấy không phải lúc nào cũng có sự cố. Thế giới họ tính xác suất xảy ra hiện tượng này khoảng 2/1.000. Nếu máy bay lớn hạ cánh xuống nhưng không có điều kiện khí hậu phù hợp sẽ không xảy ra hiện tượng trên.

Trên thế giới, hiện tượng này xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây. Xảy ra nhiều nhất ở các nước Anh, Mỹ, Pháp...

"Thường việc tốc mái sẽ xảy ra đối với những ngôi nhà nằm ở phễu bay, đặc biệt là nằm ở đường hạ cánh của máy bay. Vì khi hạ cánh máy bay bay với vận tốc khác lại gặp điều kiện khí hậu trùng hợp như tôi nói ở trên mới sinh ra hiện tượng nhiễu động do xoáy khí. Việc tốc ngói chỉ xảy ra đối với nhà dân có mái ngói, mái tôn không được giằng móc kỹ. Hiện tượng này không làm sập nhà dân. Nhưng cơ quan chức năng cũng có nghiên cứu thật kỹ để từ đó khuyến cáo người dân sống ở dưới phễu bay", ông Sanh nói.

Đáng chú ý là hiện tượng này cũng không làm tốc hết toàn bộ mái ngói mà chỉ làm lủng hoặc bóc ở giữa mái ngói với diện tích không lớn.


Chiều 10.12, sân bay Tân Sơn Nhất đã cho người đưa thiết bị xuống đo độ gió ở nhà ông Thuận - Ảnh: V.T

Tránh để người dân lo lắng

* Theo ông hiện tượng này có nguy hiểm không?

- Tiến sĩ Phạm Sanh: Nếu máy bay bay đúng quỹ đạo, đảm bảo an toàn thì chỉ làm tốc mái chứ không làm sập nhà dân. Tuy nhiên cái nguy hiểm là việc tốc mái này sẽ khiến người dân lo lắng và ngói bị tốc có thể rơi trúng người dân sống ở đó.

Như tôi đã nói, khi lực đẩy thoát ra từ máy bay gặp điều khiện khí hậu trùng hợp thì mới sinh ra hiện tượng tốc mái. Lực tác động của khối khí này cũng không lớn mà chỉ tương đương 120 kg/m2.

 

Ông Trần Văn Thuận, chủ ngôi nhà số 56/13, đường số 20, phường 5, quận Gò Vấp (TP.HCM), bị tốc mái ngày 9.12, cho hay khi xảy ra sự cố ông không ở trên lầu thượng chứ có mặt trên đó không biết điều gì sẽ xảy ra. Ông Thuận đề nghị cần làm rõ nguyên nhân của vụ việc này.

Bà Nguyễn Thanh Hương, chủ nhân căn nhà 173/30/5 đường số 19, phường 5, quận Gò Vấp (TP.HCM), bị tốc ngói ngày 29.11, cho biết sau sự cố, gia đình bà phải bỏ tiền ra để thay toàn bộ mái ngói bằng tôn cho đảm bảo an toàn.

* Sân bay Tân Sơn Nhất đã có từ rất lâu rồi, đường hạ cánh của sân bay này bao lâu nay vẫn vậy nhưng tại sao mới đây mới có sự cố tốc mái?

- Máy bay hồi xưa thường nhỏ, nhẹ chứ không phải là máy bay có trọng tải lớn, bay đường dài và chở nhiều khách (điển hình như Boeing 747) như giờ. Và như tôi đã nói máy bay hạng nặng chưa phải là nguyên nhân tốc mái mà phải kết hợp với điều kiện khí hậu trùng hợp là lạnh, loãng, không có gió và ẩm ướt mới sinh ra hiện tượng xoáy khí. Hiện TP.HCM có rất nhiều nhà cao tầng cũng là nguyên nhân gây ra khuất gió. Tôi để ý thấy những ngày xảy ra sự cố tốc ngói thời tiết khá ẩm ướt.

Sau sự cố vừa qua, hàng không cần phải nghiên cứu kỹ về đường bay dành cho máy bay lớn, nghiên cứu điều kiện thời tiết thay đổi để có lời khuyên cho người dân sống dưới phễu bay trong việc thiết kế, xây dựng công trình ra sao, rồi chằng mái ngói, tôn thế nào cho đảm bảo an toàn. Cần phải nghiên cứu bài bản chứ không thể làm chơi chơi được. Cũng không thể lấy nghiên cứu của nước ngoài áp dụng cho mình được vì điều kiện khí hậu mỗi nơi mỗi khác.

Tôi muốn nhấn mạnh đây là hiện tượng bình thường. Mình cần phải nhận ra điều đó, công khai và tìm cách khắc phục để người dân không hoang mang.

* Cảm ơn ông! 

Bay đúng độ cao

Trong vụ tốc mái ngày 29.11, Cục Hàng không khẳng định qua kiểm tra tất cả các chuyến bay qua khu vực nhà bà Nguyễn Thanh Hương (chủ nhân căn nhà 173/30/5 đường số 19, phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM), trong khoảng thời gian diễn ra sự cố đều bay đúng quỹ đạo, đúng độ cao và tốc độ bay.

Trong vụ tốc mái ngày 9.12, chiều 10.12, sân bay Tân Sơn Nhất đã cử người xuống tìm hiểu nguyên nhân, đo độ gió… nhưng chưa đưa ra nguyên nhân.

Trung Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.