Rối bời theo đề án ngoại ngữ quốc gia

11/12/2013 09:00 GMT+7

Chương trình dạy tiếng Anh lớp 3 theo đề án 'Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020' của Bộ GD-ĐT khi triển khai thí điểm đến các địa phương đã phát sinh nhiều vấn đề khiến cần phải đặt câu hỏi về hiệu quả và chất lượng của đề án.

Chương trình dạy tiếng Anh lớp 3 theo đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” của Bộ GD-ĐT khi triển khai thí điểm đến các địa phương đã phát sinh nhiều vấn đề khiến cần phải đặt câu hỏi về hiệu quả và chất lượng của đề án.

  Học ngoại ngữ
Học sinh lớp 5 Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM) trong một giờ học tiếng Anh theo đề án - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Kể từ năm học 2010 - 2011, TP.HCM là một trong 18 địa phương thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 3 theo đề án này với 9 trường tiểu học tham gia, gồm: Đuốc Sống, Hòa Bình (Q.1); Phan Đình Phùng, Trương Quyền (Q.3); Phong Phú, Nguyễn Minh Quang (Q.9); Hồ Văn Cường, u Cơ (Q.Tân Phú); Nguyễn Thượng Hiền (Q.Gò Vấp).

Ít học sinh, thiếu giáo viên

Sau 3 năm thí điểm, ở nhiều trường tiểu học, số lớp thí điểm giảm hoặc buộc phải tạm dừng. Chẳng hạn Trường tiểu học Hòa Bình giảm quy mô từ 2 lớp trong năm đầu tiên xuống còn 1 lớp trong các năm tiếp theo. Còn Trường tiểu học Đuốc Sống chỉ thực hiện được một năm vì giáo viên đạt chuẩn B2 (là một loại chứng chỉ nằm trong khung năng lực chung của Hiệp hội Các nhà khảo thí ngoại ngữ châu u) theo quy định chuyển công tác sang đơn vị khác. Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền chỉ mở được một lớp với gần 40 học sinh trong năm đầu.

 

Năm 2020, thanh thiếu niên tự tin sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30.9.2008. Mục tiêu của đề án là thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đảm bảo đến năm 2015 nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên. Đồng thời triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới đối với các cấp học và trình độ đào tạo, tạo điều kiện để đến năm 2020 tăng đáng kể tỷ lệ thanh thiếu niên có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập và tự tin trong giao tiếp...

Mục tiêu đến năm học 2018 - 2019 có 100% học sinh lớp 3, 90% học sinh lớp 6 và 50% học sinh lớp 10 vào năm 2020 - 2021 tham gia đề án.

Có nhiều nguyên nhân khiến chương trình gặp khó khăn khi triển khai ở các trường tiểu học tại TP.HCM dù chỉ mới giai đoạn thí điểm.

Thứ nhất, do các trường tiểu học ở TP.HCM tồn tại nhiều chương trình tiếng Anh từ tăng cường đến tự chọn. Nay lại thêm chương trình của Bộ nên không có giáo viên đủ chuẩn giảng dạy. Thứ hai, do không đủ giáo viên đạt trình độ theo yêu cầu. Toàn Q.Gò Vấp có 65 giáo viên tiếng Anh tiểu học nhưng chỉ có 5 người đạt chuẩn B2. Q.3 chỉ có khoảng 21/110 giáo viên tiếng Anh (tiểu học, THCS) đạt chuẩn B2.

Ngoài ra, theo lãnh đạo nhiều trường, một số giáo viên không mặn mà vì không nhận được kinh phí. “Khi dạy các lớp tiếng Anh tăng cường, giáo viên sẽ có thêm thu nhập vì nhà trường thu học phí của các lớp này để chi phụ cấp cho giáo viên. Nhưng khi dạy các lớp tiếng Anh theo chương trình của Bộ, giáo viên sẽ không có khoản thu nào thêm nên giáo viên không mặn mà”, một giáo viên tiếng Anh cho biết. Tương tự, hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM có dạy chương trình này cho rằng để đảm bảo các lớp có giáo viên dạy, nhà trường phải phân cho mỗi giáo viên đều phải đảm nhiệm dạy cả lớp thường và tăng cường, để ai cũng có thêm thu nhập.

Học lại từ đầu khi vào lớp 6!

Theo lộ trình thực hiện đề án ở TP.HCM, đến năm học 2013 - 2014, chương trình này sẽ tiếp nối thí điểm ở các trường: THCS Hai Bà Trưng (Q.3), Minh Đức (Q.1), Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), Trung học Thực hành Sài Gòn (Q.5).

Theo đó, trên nguyên tắc, các học sinh tiểu học tham gia chương trình này sẽ theo học chương trình tiếng Anh tương ứng ở bậc THCS. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều học sinh tham gia chương trình tiếng Anh theo đề án đến hết bậc tiểu học, nhưng khi vào THCS phải học lại từ đầu những kiến thức này ở lớp 6!

Theo kế hoạch của Phòng Giáo dục Q.3, hơn 300 học sinh tham gia chương trình tiếng Anh này sau khi kết thúc bậc tiểu học sẽ chuyển tiếp qua Trường THCS Hai Bà Trưng. Nhưng không nhiều học sinh được chuyển tiếp đúng chương trình. Giải thích về thực tế này, một chuyên viên của Phòng Giáo dục Q.3 cho biết có nhiều nguyên nhân trong đó do việc phân tuyến tuyển sinh đầu cấp khiến không phải học sinh nào theo học chương trình này cũng vào được trường THCS có chương trình tiếp nối tương ứng. Ngoài ra, có trường hợp học sinh không muốn học tiếp, chuyển sang học một buổi/ngày, chuyển hộ khẩu nên chuyển trường khác…

Một nghịch lý nữa là, ngoài Q.1 và Q.3, các quận còn lại có trường tiểu học tham gia thí điểm đề án lại không tiếp tục thí điểm ở bậc THCS mà lại triển khai ở các quận khác (?!).

Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục Q.Gò Vấp cho biết hiện quận chưa có trường THCS nào thí điểm tiếp nối chương trình này. Vì thế 40 học sinh đã học chương trình này ở Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền nếu đủ điều kiện thì vào chương trình tăng cường tiếng Anh, ngược lại phải học lại tiếng Anh bắt đầu từ lớp 6.

Tương tự như vậy ở Q.Tân Phú, ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục cho hay: “Dù đã thực hiện thí điểm chương trình ở bậc tiểu học nhưng ở bậc THCS thì quận lại không có trường nào được chọn tiếp tục thí điểm. Vì vậy, để tránh lãng phí cũng như muốn học sinh tiếp tục theo học chương trình khép kín nên quận xin ý kiến để 2 trường THCS Thoại Ngọc Hầu và Hùng Vương triển khai. Khi Bộ tổ chức tập huấn cho giáo viên, sách giáo khoa thì phòng đưa giáo viên đi… học ké”.

Điều này rõ ràng hết sức lãng phí và vô lý. Học sinh sau khi học tiếng Anh 3 năm ở bậc tiểu học lại phải học lại những kiến thức ban đầu ở lớp 6.

Dạy tiếng Anh kiểu…  Việt Nam

Theo đề án, giáo trình áp dụng cho chương trình là sách Tiếng Anh lớp 3, 4, 5, Tổng chủ biên Hoàng Văn Vân - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Về bộ sách này, một chuyên viên của Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: “Mục đích của học tiếng Anh là giúp học sinh giao tiếp với bạn bè trên thế giới, học ngôn ngữ ít nhiều cũng ảnh hưởng đến văn hóa nhưng tôi thấy có lẽ sợ “bị hòa tan” nên bộ sách biên soạn theo văn hóa người Việt sử dụng tiếng Anh”.

Nhiều giáo viên tiếng Anh cũng cho rằng giáo trình của Bộ đưa ra là dành cho người Việt học tiếng Anh, sử dụng tư duy ngôn ngữ Việt Nam nên không có tính chuẩn mực trong tiếng Anh. Điều này thể hiện qua một số mẫu câu mà khi nói ra thì người Việt với người Việt hiểu nhưng người nước ngoài nghe qua họ sẽ phải suy nghĩ... mới hiểu được. Một chuyên viên khác thì cho rằng CD dành cho giáo trình cũng chưa đạt chất lượng. 

Bích Thanh - Minh Luân

>> Chuẩn ngoại ngữ quốc tế kiểu... Việt Nam
>> Dạy ngoại ngữ thứ hai trong chương trình chính khóa
>> Ban hành 6 bậc năng lực ngoại ngữ
>> Học ngoại ngữ để làm du lịch
>> Hát để học ngoại ngữ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.