Phải xây dựng nền tư pháp trong sạch

10/12/2013 02:42 GMT+7

Ngày 9.12, tại TP.HCM, với sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang , Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo báo cáo tổng kết việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Phải xây dựng nền tư pháp trong sạch
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với các đại biểu - Ảnh: Vũ Thanh

Đề cập đến đội ngũ cán bộ ngành tư pháp hiện nay, ông Huỳnh Văn Tí, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho rằng “chưa đáp ứng được yêu cầu mới”. “Vì sao án tồn đọng nhiều, án oan sai còn nhiều, thậm chí bị sửa, bị hủy. Vì sao chưa minh bạch trong hoạt động tố tụng khiến một bộ phận nhân dân chưa thực sự tin vào trách nhiệm của ngành tư pháp? Tất cả những bất cập đó là do năng lực, trình độ, trách nhiệm hay do cơ chế?”, ông Tí đặt vấn đề và nói: “Tình trạng tham nhũng và chạy án còn tồn tại không ít và dứt khoát phải đấu tranh chống lại mối nguy hiểm này”.

Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phản ánh thực trạng quyền của luật sư còn bị hạn chế khi tham gia vào quá trình xét xử vụ án. “Trong quá trình điều tra cần cho luật sư tham gia ngay từ đầu. Cơ quan điều tra không được lạm quyền để tránh các trường hợp xảy ra như vụ Nguyễn Thanh Chấn”, ông Thọ đề nghị. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND tối cao cũng cho rằng đã đến lúc cần phải đổi mới hình thức tranh tụng tại tòa. “Đặc biệt, trong các phiên tòa hình sự phải đảm bảo sự tham gia của luật sư, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan tham dự phiên tòa và quy định cụ thể trong trường hợp nào thì mới được tiến hành xét xử”, ông Sơn bày tỏ chính kiến.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch nước thẳng thắn nhìn nhận: “Công tác triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm được tính hệ thống, chưa theo đúng lộ trình và chưa ngang tầm đòi hỏi của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị”. Nguyên nhân của những hạn chế, theo Chủ tịch nước, một mặt là mới, mặt thứ hai là "nó đụng chạm". "Cải cách là đụng chạm, cải cách đổi mới là đụng chạm... Nếu làm thì sẽ tốt đẹp hơn cho đất nước nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng thì chúng ta phải làm”, ông nói thêm.

Về thực hiện chủ trương tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, Chủ tịch nước cho biết: “Vừa rồi chúng tôi họp, thấy rằng kỳ này trình ra Bộ Chính trị xin ý kiến nên chăng bên cạnh hoạt động hiện hành của luật sư thì có một định chế luật sư công xuất hiện nữa”. Lý do, theo Chủ tịch nước “Vì có những trường hợp người ta nghèo quá, không có khả năng thuê mướn luật sư thì về mặt nhà nước phải có xuất hiện luật sư công để đảm bảo yêu cầu tranh tụng dân chủ, minh bạch tại phiên tòa, đúng theo chủ trương kết hợp giữa kết quả điều tra tố tụng và tranh tụng tại tòa”.

Theo Chủ tịch nước, chất lượng công tác điều tra và truy tố xét xử, thi hành án cũng có mặt hạn chế, khiến một bộ phận nhân dân chưa tin tưởng một cách tuyệt đối vào hoạt động tư pháp, do đó “chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề để sửa chữa”. “Phải xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người”, Chủ tịch nước yêu cầu.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.