Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier: Sẵn sàng giúp Đà Lạt gìn giữ và bảo tồn kiến trúc Pháp

11/12/2013 02:45 GMT+7

Nhân Tuần lễ Pháp đang diễn ra tại TP.Đà Lạt (từ 9 - 15.12), PV Thanh Niên đã phỏng vấn ông Jean-Noel Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam (ảnh) xung quanh việc bảo tồn kiến trúc Pháp ở Đà Lạt.

 
Thưa ông Jean-Noel Poirier, ông biết đến Đà Lạt từ lúc nào? Ông cảm nhận như thế nào về thành phố cao nguyên này?

Cách đây khoảng 10 năm, khi còn dạy học ở TP.HCM tôi có dịp đến Đà Lạt lần đầu và tôi mê Đà Lạt từ đó. TP này rất hấp dẫn tôi vì khí hậu, cảnh quan tương tự như ở Pháp. Đà Lạt còn mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp qua nhiều công trình kiến trúc, những tòa biệt thự... Có thời người ta ví von Đà Lạt là “tiểu Paris ” kia mà. Tôi rất yêu TP này.

Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, Đà Lạt còn có vẻ đẹp mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp với hàng trăm dinh thự, biệt thự, ông đánh giá thế nào về việc gìn giữ và bảo tồn kiến trúc Pháp ở Đà Lạt?


Biệt thự kiến trúc Pháp trong dinh I - Ảnh: L.V 

Theo tôi, chính quyền TP.Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực trong việc gìn giữ và bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp, các khu biệt thự. Tôi xin đơn cử khu biệt thự An Mandara Villas Dalat (đường Lê Lai, TP.Đà Lạt) với 17 biệt thự sau khi được tôn tạo rất đẹp, đầy đủ tiện nghi hiện đại, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp của kiến trúc Pháp cổ.

 

Với TP.Đà Lạt, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ để gìn giữ và bảo tồn kiến trúc Pháp nhưng chưa hề nhận được đề nghị nào

Thực tế nhiều công trình kiến trúc Pháp như Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt, một số dinh thự, các khu biệt thự đang xuống cấp, nhưng TP.Đà Lạt không đủ kinh phí để sửa chữa, vậy nước Pháp có thể giúp Đà Lạt trong việc gìn giữ và bảo tồn khối di sản này không?

Tôi nghĩ vấn đề gìn giữ và bảo tồn các di sản kiến trúc trước hết là trách nhiệm của chính quyền TP.Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng, tiếp đó là ý thức của mỗi người dân TP. Trong nhiều năm qua, nước Pháp đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án bảo tồn kiến trúc như di sản Huế, các khu phố cổ... Gần đây TP.Cần Thơ có đề nghị Pháp hỗ trợ để sửa chữa Trường Châu Văn Liêm, một trường học còn lưu giữ khá tốt kiến trúc Pháp. Chúng tôi hỗ trợ cả kinh nghiệm bảo tồn di tích lẫn kinh phí để sửa chữa.

Với TP.Đà Lạt, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ để gìn giữ và bảo tồn kiến trúc Pháp nhưng chưa hề nhận được đề nghị nào. Nếu chính quyền TP.Đà Lạt có đề nghị, chúng tôi sẽ xem xét trong khả năng tài chính và kinh nghiệm, cố gắng hết sức để giúp Đà Lạt bảo tồn và gìn giữ di sản kiến trúc Pháp vì như đã nói, cá nhân tôi rất yêu TP này. Xin nhắc lại, đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được lời đề nghị nào từ phía chính quyền TP.Đà Lạt.

Nhiều công trình ở đà lạt xuống cấp

Như Báo Thanh Niên đã phản ánh (số báo ngày 15.10.2013), di tích kiến trúc quốc gia - Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt (trước kia là Trường Grand Lycée Yersin), do kiến trúc sư người Pháp Moncet thiết kế, được xây dựng từ năm 1928 đến 1933 với vật liệu chính được đưa từ Pháp sang. Công trình này được Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20, được Bộ VH-TT xếp hạng di tích kiến trúc quốc gia từ năm 2001, đang xuống cấp từ nhiều năm qua nhưng việc tu bổ, tôn tạo dường như giậm chân tại chỗ.

Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã thuê đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, lập phương án tu bổ, tôn tạo di tích này với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng, nhưng do thiếu tiền nên chưa thể thực hiện. Tại Đà Lạt còn có dinh I, dinh Tỉnh trưởng Tuyên Đức (cũ) bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có hàng trăm biệt thự khác biến thành “chung cư” bị cơi nới biến dạng và xuống cấp. Chưa kể dãy biệt thự trên đường Nguyễn Du (P.9, Đà Lạt) do buông lỏng quản lý nên bị kẻ xấu đập phá để lấy hết cửa, đà gỗ, cầu thang...

Lâm Viên 
(thực hiện)

>> Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt 2013
>> Kiểm dịch thực vật 'làm khó' hoa Đà Lạt xuất khẩu?
>> Ngôi làng nghệ sĩ ở Đà Lạt
>> Cấp chứng nhận nhãn hiệu 'Hoa Đà Lạt
>> Hoạt động chào mừng Đà Lạt 120 năm
>> Bột ngọt giả nhãn hiệu tại Đà Lạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.