Vỉa hè với hàng rong trong một bài toán lớn

09/12/2013 11:55 GMT+7

Hàng rong, cà phê cóc không chỉ làm cho đường phố vỉa hè trở nên nhếch nhác lôi thôi, lấy mất lối đi của người đi bộ, làm tăng nguy cơ hỏa hạn, tai nạn giao thông mà còn nguồn cung các loại thức ăn kém vệ sinh.

Hàng rong, cà phê cóc không chỉ làm cho đường phố vỉa hè trở nên nhếch nhác lôi thôi, lấy mất lối đi của người đi bộ, làm tăng nguy cơ hỏa hạn, tai nạn giao thông mà còn nguồn cung các loại thức ăn kém vệ sinh.

 
Xem thêm:

Lề đường là của người giàu?
> Ai tháo chạy trong cuộc rượt bắt làm đẹp vỉa hè?
> Còn đâu vỉa hè ?
> Vỉa hè bị “xẻ thịt”

Vỉa hè của ai và để làm gì?
 
Tôi từng sống ở quận Bình Thạnh nhiều năm. Trường mầm non nơi con tôi học thuộc phường 14, trong một con hẻm đối diện hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.

Con hẻm bề ngang vốn khoảng 6 đến 7 m, nhưng không bao giờ bạn có đủ 6 - 7 m đó để ra vào con hẻm. Khi đưa đón con bao giờ tôi cũng phải luồn lách qua những người ăn kẻ uống; những xe cơm bình dân, xe hủ tiếu, xe bánh cuốn nóng, xe nước ngọt, xe tạp hóa và cả xe máy của khách của những xe kia.

Vỉa hè với hàng rong trong một bài toán lớn - ảnh 1 
Không chỉ chiếm dụng vỉa hè, các quầy hàng còn tấn công lòng đường, bít lối người đi bộ và các phương tiện giao thông - Ảnh: Diệp Đức Minh

Lối đi, thực sự chỉ còn lại khoảng chừng 1m rưỡi trên một con hẻm vốn rộng 7m. Lối đi nhọc nhằn khó khăn qua những nước rửa chén, nước nóng, nước sôi, nước đá và nước ngọt tràn lan. Lối đi qua những ồn ào và náo nhiệt của bán mua, trả giá và cãi cọ. Và, trái ngang thay, lối đi mở đầu bằng một cái bảng “khu phố văn hóa”, kết thúc bằng “cổng trường em sạch đẹp an toàn”.
 
Trải qua nhiều cuộc thu tém dọn dẹp của các lực lượng chức năng, dưới nền đường hẻm có một vạch trắng quy định các xe cũng như bàn ghế phải nằm vào bên trong vạch. Tuy nhiên, chả bao giờ và chả có ai chấp hành điều đó.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu trong trường con tôi, hoặc trong con hẻm ngoằn ngoèo dài phía bên trong xảy ra hỏa hoạn, không biết lực lượng cứu hỏa sẽ phải làm gì với những vật cản bên ngoài kia để mà cứu hỏa?
 
Con hẻm đã vậy, vỉa hè bên ngoài đường lớn cũng nhếch nhác ồn ào không kém. Thảo nào người ta nói bệnh viện ở Việt Nam là nơi nhiều vi trùng nhất. Là con đường có 2 bệnh viện lớn nhưng Nơ Trang Long có vỉa hè xứng đáng gọi là con đường đau khổ.

Đó là nơi dựng xe của bác xe ôm, xe của khách vào nhà thuốc, vào hàng ăn uống, là điểm buôn bán chị xe bắp luộc (xe đạp), anh bánh tét, cô trái cây gọt (gánh hoặc xe 3 bánh đẩy). Vỉa hè cũng đầy bụi và rác, chắc hẳn có công phần lớn của các anh chị hàng rong và các bác xe ôm.
 
Các bạn theo trường phái thẩm mỹ nào đó hẳn là thấy quang cảnh đó rất đẹp.

Đa dạng về hình dáng, phong phú về tốc độ, sinh động về màu sắc, nhấp nhô nhịp điệu đến thế cơ mà.

Riêng tôi, tôi thấy vỉa hè sạch sẽ, thông thoáng có thể đi bộ được mới là văn minh xinh đẹp.

Cà phê với tôi phải có ghế ngồi lịch sự, không bụi bặm và có nhà vệ sinh mới gọi là chỗ uống cà phê.
 
Hàng rong, quán cóc không chỉ làm cho đường phố vỉa hè trở nên nhếch nhác lôi thôi, lấy mất lối đi của người đi bộ, làm tăng nguy cơ hỏa hoạn, tai nạn giao thông mà còn là nguồn cung các loại thức ăn kém vệ sinh. Vì không phải là cửa hàng cố định để mà có nguồn nước sạch dồi dào, một xe bán cà phê nước ngọt có một hai xô nước dùng cả ngày, các chị bắp với trái cây thì đẩy xe ngoài đường bụi bặm là không tránh khỏi mà tay các chị cũng hẳn không được rửa thường xuyên lắm.

Tôi không hiểu các bạn trẻ thấy sự thi vị nào, vẻ lãng mạn gì khi ngồi ở những cái quán xo xúi chật hẹp loay hoay trên những cái ghế đẩu nhỏ xíu, bàn cũng là những mặt ghế mà trước đó người khác đã ngồi? Hoặc lót mông bằng mấy tờ giấy báo, bưng ly cà phê bằng ni lông, ngồi ở công viên quận 1 là các bạn thấy mình trẻ với sành điệu? Tôi đã một lần ngồi ở đó, và tôi biết sẽ không bao giờ tôi ngồi như thế lần thứ 2.

Tôi cũng không hiểu vị ngon nào của cái gánh trái cây kia khiến các bạn quên đi sự kém vệ sinh của nó.
Tôi đồ rằng, tất cả chỉ vì rẻ và tiện. Vì nó đáp ứng cái nhu cầu lười nhác của các bạn. Có cầu tất có cung, có bạn lười thì người ta phục vụ tận nơi, có bạn ham rẻ thì người ta hạ chất lượng, chi phí xuống cho vừa lòng bạn.
 
Chợ cóc với anh hàng rong
 
Bình Thạnh còn đặc biệt với những con đường kiêm luôn chợ, chợ Vạn Kiếp, chợ Cây Quéo - Hoàng Hoa Thám. Ngày trước hai con đường này bé hẹp, ngập nước và đầy ổ gà ổ chó, làm chợ cóc thì cũng dễ hiểu, nhưng ngay cả khi đã thành những con đường rộng, đẹp nó vẫn không thoát kiếp chợ cóc.

Chợ thì cũng không sao, nhưng tiểu thương vẫn quen thói tham lam cũ, phải bày hàng xuống tận lòng đường mới chịu, dù vỉa hè không hề nhỏ, ít nhất cũng phải 4m. Ủy ban phường thì phải (?) cũng kẻ vạch trắng cho giới hạn bày hàng, dành một nửa vỉa hè cho người mua đậu xe gắn máy.

Vỉa hè với hàng rong trong một bài toán lớn - ảnh 2 
Một bên là xe đẩy hàng rong, một bên là sạp hàng…, đường phố nhỏ gần như bị bịt kín - Ảnh: Độc Lập

Ấy thế mà vẫn có người ngại dẫn cái xe lên, đứng ngay lòng đường vẫy gọi hỏi han,… và các chị tiểu thương đáng thương lại nhô ra nhô nữa nhô mãi.
 
Nhưng các chị tiểu thương cùng lắm là lấn chiếm vỉa hè, hết vỉa hè là cùng. Tôi ngại nhất là các anh chị bán rong. Nghĩa là họ không thuê mặt bằng nhà người khác mà họ chiếm dụng lòng đường luôn. Với một cái sọt hàng to to trên xe, họ là cục tức của các chị bán trên vỉa hè - tức người có mặt bằng đàng hoàng.
 
Họ đứng bán, người mua không còn lối để vào chỗ của tiểu thương. Không thuê mặt bằng, không thuế nên họ có thể bán rẻ hơn các chị kia. Và ở đây, sự lười nhác của con người lại được yêu chiều hơn nữa khi có thể mua ngay trên lòng đường.

Trật tự đô thị đến thì họ lên xe dông thẳng. Chẳng thuế má mặt bằng gì hết, chợ này đuổi thì họ sang chợ khác. Họ nhảy như cóc, không ai bắt được, họ như kẻ trọc đầu, không ai quản được họ.

Rõ ràng là khi bênh vực cho các anh chị hàng rong, các bạn đã gây thiệt hại cho một tầng lớp khác, đó là tiểu thương, cụ thể ở đây là những người bỏ chi phí ra để có mặt bằng buôn bán đàng hoàng, có chỗ dừng xe, có đóng thuế và phí vệ sinh.

Các bạn sẽ hỏi, chối bỏ những người bán hàng rong thì họ đi đâu làm gì? Họ hãy thử làm như những người khác, thuê mặt bằng và cạnh tranh lành mạnh. Hoặc hãy hỏi họ trước khi bàn hàng rong, họ ở đâu? Làm gì?
 
Vả lại, giải quyết vấn đề này không hề đơn giản, đòi hỏi sự hiểu biết, hoạch định phức tạp mà ở góc độ người bình thường tôi không làm được.

Hàng rong, vỉa hè, chỉ là một phần nhỏ trong bài toán lớn mà chính quyền và toàn xã hội đang phải đương đầu và bàn cãi để tiến tới một đô thị văn minh đẹp và đáng sống cho mọi người.

Và, cần nhớ rằng, dân như nước, còn luật, chính sách, chủ trương, nghị định… chỉ như bàn tay hốt nước, ít nhiều nước sẽ chịu cảnh rơi vãi, không người này thì người khác sẽ phải chịu thiệt thòi. Vì chắc chắn không có luật nào, chính sách nào có thể hài lòng tất cả mọi người.

Phạm Quy

* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, là thợ thủ công, blogger sống và làm việc tại TP.HCM

>> Ai tháo chạy trong cuộc rượt bắt làm đẹp vỉa hè?
>> Thu dọn đống ống nhựa choán vỉa hè
>> Vỉa hè sạt lở
>> Vỉa hè đã thông thoáng

, Phạm Quy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.