Nghĩa cử đẹp của người trẻ

09/12/2013 03:20 GMT+7

Đam mê tình nguyện, Bùi Văn Lâm và Nguyễn Thị Ngát là tác giả của nhiều chương trình giúp đỡ học sinh nghèo, những mảnh đời bất hạnh.

 Phạm Thị Ngát - Ảnh: P.H
Phạm Thị Ngát - Ảnh: P.H

Đây là những cá nhân tiêu biểu nằm trong 20 thanh niên được đề cử nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2013 do T.Ư Đoàn và Chương trình tình nguyện Liên Hiệp Quốc trao tặng, tri ân và tôn vinh nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng thiện nguyện vì cộng đồng.

Chắp cánh cho những ước mơ

Tối 7.12, giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2013 được trao cho 10 cá nhân và 10 tổ chức tình nguyện xuất sắc toàn quốc thì có đến 2 giải thuộc về Bùi Văn Lâm và Hội Sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội.

Lâm chính là người xây dựng chương trình Em tôi đi thi được khởi động lần đầu vào mùa thi 2010 với mục đích vận động nhà hảo tâm, doanh nghiệp tài trợ phương tiện chuyên chở miễn phí cho học sinh từ Bắc Giang về các thành phố lớn thi ĐH, CĐ.

 Bùi Văn Lâm
Bùi Văn Lâm

Chương trình có sức lan tỏa rộng khắp đến nhiều trường học tại Bắc Giang, giáo dục học sinh về tinh thần nhân ái. Trước mỗi mùa thi, học sinh tại các trường học tình nguyện nuôi lợn tiết kiệm, cùng nhau quyên góp từng đồng bạc lẻ ủng hộ. Các đội sinh viên tình nguyện Bắc Giang học tại các thành phố lớn vận động chủ nhà trọ cho thí sinh, phụ huynh ở miễn phí. Trong những ngày thi ĐH, tình nguyện viên thay nhau đưa đón thí sinh từ nhà trọ đến các điểm thi.

Với Bùi Văn Lâm, tình nguyện là cầu nối chia sẻ yêu thương đến mọi người, nếu có tâm thực sự, trên cương vị nào, ở mọi lúc, mọi nơi, mỗi cá nhân đều có thể góp sức cho công tác tình nguyện.

Trên cương vị thủ lĩnh, Bùi Văn Lâm sáng tạo nhiều chương trình tình nguyện hướng đến trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật và trẻ bị nhiễm HIV/AIDS tại các trung tâm bảo trợ xã hội ở Hà Nội, Bắc Giang; khuyến khích bạn trẻ chia sẻ, lan tỏa tình yêu thương, ý thức trách nhiệm cộng đồng. “Yêu thương là sẻ chia và sẻ chia để nhận lại yêu thương. Tôi mong muốn làm chiếc cầu nối tình cảm, nối yêu thương từ khắp mọi nơi trên mọi miền Tổ quốc để ngọn lửa tình nguyện sẽ không bao giờ tắt trong tôi”, Lâm chia sẻ.

Tình nguyện trên xe lăn

Ngồi trên xe lăn, Phạm Thị Ngát nở nụ cười rạng rỡ đón nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia khiến khán phòng xúc động. Phạm Thị Ngát bị khuyết tật bẩm sinh, mọi sinh hoạt hằng ngày diễn ra trên chiếc xe lăn. Vượt qua hoàn cảnh, nữ thủ lĩnh CLB Vòng tay nhân ái tỉnh Thái Bình là người kiến tạo nhiều mô hình tình nguyện ấn tượng.

Ngát tham gia tình nguyện từ tháng 10.2008, khi có dịp đến thăm Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn và thấu hiểu sự cô đơn, thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần của những người mắc căn bệnh từ lâu bị người đời kỳ thị. Chuyến đi ấy để lại trong tâm trí Ngát nhiều trăn trở, khó khăn của bản thân chẳng thấm gì so với những người bệnh đang sống phần đời bị bạn bè, người thân, thậm chí là gia đình xa lánh; những bạn trẻ khuyết tật, em nhỏ khát khao được đến trường, học giỏi nhưng đứng trước nguy cơ bỏ học chỉ vì nhà quá nghèo khó.

Có nhiều ý tưởng mới, táo bạo trong tổ chức các hoạt động tình nguyện, chỉ sau hơn một năm gia nhập CLB Vòng tay nhân ái Thái Bình, Phạm Thị Ngát phối hợp cùng hàng chục đội nhóm tình nguyện ở các tỉnh, thành phố như: Ước mơ xanh Hà Nội, Ước mơ xanh Nam Định, Tuổi trẻ xanh, C4E Thái Bình… tổ chức các chương trình tặng quà hỗ trợ, giao lưu văn hóa văn nghệ, mang tiếng cười đến với bệnh nhân tại Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn; định kỳ hằng tháng diệt muỗi, dọn dẹp phòng ở, trò chuyện với bệnh nhân.

Ngay tại TP.Thái Bình, Ngát đứng ra mở lớp dạy học văn hóa cho trẻ em trong Hội Người mù tỉnh Thái Bình. Lớp học duy trì đều đặn 3 buổi mỗi tuần giúp hàng chục trẻ em khuyết tật củng cố kiến thức, kỹ năng hòa nhập cuộc sống.

Có dịp đi thực tế ở nhiều vùng nông thôn, Ngát trăn trở khi nhiều trẻ em rất thích đọc sách nhưng gia đình khó khăn không thể đáp ứng. Sau nhiều năm ấp ủ, tháng 6.2013, dự án Thư viện miễn phí đầu tiên ra đời tại thôn Nội, xã Minh Khai, H.Vũ Thư, Thái Bình. Sau một thời gian ngắn, thư viện đã có 150 đầu sách về giáo dục, 55 đầu sách truyện tranh… mở cửa các ngày trong tuần phục vụ nhu cầu mượn, đọc của độc giả trong toàn xã.

Phạm Thị Ngát cho rằng cuộc sống của người khuyết tật luôn thiếu vắng tiếng cười bởi nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Họ là những mảnh ghép không lành lặn của cuộc sống và rất cần sự hỗ trợ của thanh niên thông qua các hoạt động tình nguyện để giúp họ vững tin vào cuộc sống. Ngát trải lòng: “Công việc tình nguyện giúp chúng tôi truyền niềm tin cho những người không may mắn. Khi tình yêu thương được lan tỏa và kết nối trong cộng đồng thì cuộc sống mới tốt đẹp”.

Phan Hậu

>> Biểu dương nghĩa cử cao đẹp
>> Nghĩa cử cao đẹp của "ông bà Smith
>> Nghĩa cử cao đẹp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.