Thành Hội - Phải mài gươm cho bén

08/12/2013 03:00 GMT+7

NSƯT Thành Hội không phải kiểu diễn viên ăn khách ào ào, nhưng tên tuổi anh khiến người ta phải nể. Nể vì tay nghề diễn xuất, dàn dựng, vì sự nghiêm túc trong lao động, ứng xử. Anh trầm trầm lắng đọng trong trái tim khán giả như một tình yêu bền bỉ…


NSƯT Thành Hội và Thanh Thủy trong vở Hãy khóc đi em - Ảnh: H.K 

Nhìn lại cuộc đời nghệ thuật của Thành Hội cũng biết bao vất vả. Tốt nghiệp Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM năm 1980 đạt loại giỏi, nhưng về đoàn Cửu Long Giang gần 10 năm chỉ đóng vai quần chúng. Anh kể có những mùa tết người ta xôn xao tập kịch, vậy mà anh thì nằm nhà. Đến khi có được những vai diễn lớn thì anh quyết định bước lên giảng đường học đạo diễn. Hành trang ấy đủ để anh về Nhà hát Sân khấu nhỏ và IDECAF làm nên những vở tử tế. Và khi cánh chim ấy muốn bay cho thỏa chí thì đứng ra thành lập một sân khấu cho riêng mình, chống chọi với xu hướng chạy theo thị hiếu khán giả một cách dễ dãi. Và thương hiệu Hoàng Thái Thanh luôn có uy tín bởi chưa bao giờ thấy sự tầm phào.

Trong gần 10 năm lận đận đầu đời ấy, có lúc nào anh nản chí muốn bỏ cuộc? Và anh đã học được bài học gì cho riêng mình?

Tôi học được chữ nhẫn. Đôi khi có nản nhưng chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc. Tôi tâm niệm rằng khi người tướng không biết sử dụng mình thì mình vẫn phải mài gươm cho bén, để khi có biến người ta hỏi ai đủ sức chiến đấu thì mình lao ra ngay, từ đó thay đổi số phận. Hồi đó tôi bị “ngồi chơi xơi nước” thì tôi lo đọc sách và nghiên cứu. Tôi nằm võng, cạnh bên là một chồng sách, đọc rồi ôm sách mà ngủ, thức dậy đọc tiếp. Vừa đọc vừa tưởng tượng mình sẽ diễn nhân vật này ra sao, nhân vật kia ra sao… Lạ lùng, sau này khi tôi diễn và dựng, thì những ý tưởng, những nhân vật ấy xuất hiện rất nhanh, bước ra từ tiềm thức để trở thành cụ thể trên sân khấu. Cho nên tôi khuyên các em trẻ rằng luôn phải mài gươm cho bén, đừng bỏ phí thời giờ.

Nhắc đến lớp trẻ, sực nhớ cách đây mấy năm có một bài báo viết rằng Thành Hội đi dạy học mà đối xử tệ bạc với học trò, chắc anh đau lòng lắm? Dù gì anh cũng dạy ở Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM suốt 10 năm, đâu phải đơn giản để nhận chữ thầy…

Tôi không đau, mà lặng đi, vì người trong nghề không hiểu được nhau. Thật sự, cái cơ chế này nó tạo ra những nghịch cảnh đó. Tôi làm trưởng khoa sân khấu, được giao chỉ tiêu phải nhận đủ 20 em cho lớp diễn viên và 20 em cho lớp đạo diễn, thì ngân sách mới không bị cắt giảm đi. Như vậy, phải lẫn vào đó những em hơi yếu. Khi dạy, tôi đã cố gắng bồi dưỡng hết sức rồi mà cả năm trời các em ấy vẫn không thấy chút năng khiếu nào nên tôi khuyên em nên đổi nghề, chứ học tốn tiền tốn thời gian, sau này không làm nghề được lại trách thầy sao không nói sớm. Khi đi dạy, đừng nói là lấy của học trò một đồng nào, ngược lại còn cho tụi nó, và nhiều đêm tập đến 1, 2 giờ, bỏ nhà bỏ cửa chỉ vì học trò. Tôi chẳng hối hận khi làm nghề dạy học. Và đến bây giờ dù nghỉ dạy ở trường, tôi vẫn dạy ngay trên sàn tập đó thôi. Những em trẻ chưa có kinh nghiệm thì mình phải dạy thêm, rèn nghề trực tiếp. Tôi chỉ xin các em nhớ cho rằng, đừng thấy nghệ sĩ lấp lánh hào quang rồi vội vã chạy theo, nên biết phía sau hào quang đó là bao nhiêu mồ hôi và nước mắt đã đổ xuống sàn tập.

Hình như anh và nghệ sĩ Ái Như thành lập sân khấu mới cũng vì muốn học trò mình có đất diễn? Xem ra cái nghiệp làm bầu quá vất vả. Gần 4 năm làm bầu anh chẳng còn thời gian để viết lách nữa…

Một phần là muốn lo cho học trò, một phần là muốn chủ động trong nghề. Đi làm cho người ta dĩ nhiên phải theo ý người ta, thôi thì làm chủ để tha hồ bay bổng. Và khi làm, tôi cũng tự học với chính mình, được làm mới mình. Nhưng cái gì cũng có cái giá phải trả. Mỗi năm 6 vở, trung bình một tháng suy nghĩ, một tháng dựng, quăng tiền vào rồi hồi hộp bán vé, tôi gọi đó là cuộc chơi chí mạng chứ không hề làm giàu như người ta tưởng. Muốn kiếm tiền thì kinh doanh thứ khác.

Anh có nghe người ta nói sân khấu của anh đậm chất bi kịch?

Có sao đâu. Mỗi sân khấu làm ra món riêng để khán giả dễ lựa chọn hơn chứ. Tôi làm cái tôi thích và đi tới tận cùng.

Anh có muốn thay đổi gì cho sân khấu?

Thay đổi gì? Rạp thì thuê. Nhân sự thì chạy sô phim. Xin thưa, làm ra vở “coi được” đã mừng thấy bà!

Anh và nghệ sĩ Ái Như ai có sức chống đỡ giỏi hơn?

Ái Như. Tôi làm biếng hơn bả. Tôi chỉ khoái diễn. Cho nên tôi để bả dựng nhiều hơn, ngoại giao nhiều hơn. Bả nhỏ con mà cứ sùng sục lên.

***

Thành Hội bắt đầu trở về với chất hài hước của mình. Anh ngồi thoải mái co hai chân lên ghế, chung quanh là mấy chú chó cưng lượn lờ vẫy đuôi. Lại cười ha ha, nói sang sảng. Đằng sau khuôn mặt tưởng khó đăm đăm ấy lại nhìn thấy nhân vật Năm Biền dân dã trong Chuyện bây giờ mới kể, thấy anh tài xế tên Khang tinh nghịch trong 6 tháng anh và em, thấy cái nồng nàn mạnh mẽ của Hướng trong Hãy khóc đi em... Chính những tố chất đó đã giúp anh có sức hấp dẫn trên sân khấu.

Anh đang nói chuyện thì bật dậy:

- Thôi, trễ rồi, tui đi thăm má tui nghen. Bà già bữa nay nhớ tui, kêu qua chơi.

Mẹ anh hơn 80 tuổi, sống ở gần Đầm Sen. Bà được gần gũi con cháu, rất hạnh phúc. Nhất là cô con gái của Thành Hội vừa du học ở Anh mới về thăm nhà, náo nức qua chơi với bà nội. Một gia đình thực sự là hậu phương vững chắc cho anh yên tâm làm nghệ thuật.  

Những vở viết chung với Ái Như: Đèn không hắt bóng, Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu, Cảm ơn mình đã yêu em...

Những vở đã dàn dựng: Nửa đời ngơ ngác, Người điên trong ngôi nhà cổ, Chuyện bây giờ mới kể, 29 anh về, Mua bảo hiểm tình...

Hoàng Kim - Anh Vũ

>> NSƯT Thành Hội: "Sinh ra đã lọt vô hũ mắm
>> Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh... trở thành hội viên Hội m nhạc TPHCM
>> Nông dân thành hội viên Hội Nhà văn
>> Thành Hội “phơi bày” sự thật về mình
>> Hữu Châu thưởng cho học trò của Thành Hội - Ái Như
>> Thành Hội, Ái Như chia tay với sân khấu kịch IDECAF 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.