Nhà điêu khắc tài hoa

08/12/2013 03:00 GMT+7

Theo ông Bernard Dorival, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Pháp, Điềm Phùng Thị là một trong những nhà tạc tượng tài hoa nhất của thời đại ông đang sống.

Nhà điêu khắc tài hoa

Bà Điềm Phùng Thị đang sáng tác - Ảnh: ông Phan Đình Hối cung cấp

Người con đất Việt luôn hướng về Tổ quốc

Ngày trẻ, Phùng Thị Cúc đẹp nổi tiếng, là hoa khôi của Trường Đồng Khánh (Huế). Bà đẹp đến mức thi sĩ Lưu Trọng Lư phải ra ngẩn vào ngơ, và hàng đêm viết thơ tặng. Những câu nổi tiếng của ông “Ai bảo em là giai nhân/Cho đời anh đau khổ/Ai bảo em ngồi bên cửa sổ/Cho vương víu nợ thi nhân”, chính là để tặng bà.

Năm 1946, bà tốt nghiệp khóa nha khoa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trường ĐH Y Hà Nội. Bà cùng hôn phu là ông Hoàng Xuân Hà, em ruột GS Hoàng Xuân Hãn, tham gia kháng chiến. Ông Hoàng Xuân Hà hy sinh còn bà thì lâm bệnh nặng và được đưa sang Pháp chữa trị. Sau khi hồi phục sức khỏe, bà tiếp tục học và tốt nghiệp tiến sĩ nha khoa của Pháp.

Năm 1953, bà kết hôn với ông Bửu Điềm, người bạn thuở ấu thơ, cũng là nha sĩ và định cư tại Paris. Cái tên Điềm Phùng Thị bắt nguồn từ đấy.

Chiến tranh và hoa cúc

Nhà điêu khắc tài hoa1

Bà Điềm Phùng Thị khi còn trẻ

Đầu những năm 1960, chiến tranh ở Việt Nam vô cùng khốc liệt. Bà ngày ngày xem truyền hình, theo dõi tình hình tin tức ở Việt Nam và quyết định không thể suốt đời “chỉ sống trong 36 cái răng trong miệng”. Khao khát muốn làm điều gì đó để cất lên tiếng nói phản đối chiến tranh Việt Nam, bà chuyển sang lĩnh vực nghệ thuật.

Trong mười năm kể từ đó, chiến tranh là một đề tài lớn trong các tác phẩm của bà. Nổi bật nhất có thể kể đến như tác phẩm Người không trở về (1960) làm bằng thạch cao quyện sợi xơ trên nền gỗ, thể hiện trên hai chiều hình ảnh của một thân xác bị phân hủy, hao mòn, tượng trưng cho những gì bi thảm đang diễn ra ở Việt Nam. Những tác phẩm lấy đề tài chiến tranh đáng chú ý khác như: Một cuộc đời, Người lính giải phóng, Nhà tôi trong chiến tranh, Bom bi và Người mẹ... đều thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của một người con đất Việt luôn hướng về Tổ quốc.

Suốt thời gian diễn ra Hội nghị Paris về Việt Nam, gia đình bà Điềm Phùng Thị cũng giúp đỡ đoàn đại biểu nước ta về chỗ ăn, chỗ ở cũng như phiên dịch hộ. Ông Phan Đình Hối, người trợ lý riêng của bà, vẫn còn giữ lá thư cảm ơn của ông Xuân Thủy, khi đó là Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gửi gia đình bà Điềm Phùng Thị vì những đóng góp của gia đình trong sự thành công của Hội nghị Paris.

Sau này, Điềm Phùng Thị cũng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên trở về Tổ quốc góp phần xây dựng đất nước. Theo nhà văn Tô Nhuận Vỹ, sự trở về của bà, cũng như của các nghệ sĩ như Lê Bá Đảng, có sức mạnh gấp 10 lần việc tuyên truyền bằng lời nói.

7 nốt nhạc trong điêu khắc

Ông cụ thân sinh ra bà Điềm Phùng Thị quê gốc ở Hà Tĩnh. Bà từng có thời gian sống tại Tây nguyên, Hà Nội sau đó lại định cư hơn 50 năm ở Pháp, nhưng trong sâu thẳm bà vẫn là một người con xứ Huế. Năm 1981, ông Amadou Mahtar M'Bow, Tổng giám đốc UNESCO, đã ra lời kêu gọi bảo tồn và tôn tạo Huế. Chính bà là người đã thiết kế huy hiệu UNESCO để vận động cho TP.Huế trở thành di sản thế giới.

Ông Phan Đình Hối nhớ lại, lần đầu tiên gặp bà vào năm 1992, ông đã ngỡ ngàng thế nào khi sau bao nhiêu năm xa Tổ quốc, bà vẫn nói một thứ tiếng Huế rất chuẩn, thứ tiếng của phụ nữ quý tộc Huế thời xưa. Bà đã chọn Huế là nơi dừng chân cuối cùng của cuộc đời mình và trao tặng Huế món quà vô giá là 386 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc.

Những tác phẩm của bà rất đặc biệt. Nó được ghép từ những modul mà bà dùng lặp đi lặp lại. Người ta vẫn gọi đó là 7 mẫu tự của bà Điềm Phùng Thị. Theo nhà nghiên cứu Lê Thị Mỹ Ý, những modul đó vừa giản lược vừa mang dáng dấp kỷ hà, song cũng có tính biểu tượng. Nhờ đó, nó chuyển tải những khái niệm rất phù hợp với không gian kiến trúc châu u hiện đại. Đồng thời nó cũng mang tinh thần duy lý phương Tây. Tuy nhiên, cũng theo bà Mỹ Ý, tác phẩm của Điềm Phùng Thị vẫn không xa lạ với tư duy cảm tính phương Đông. Nhờ dạng thức hướng nội, nó thậm chí còn "Việt Nam" hơn tất thảy những gì thuần Việt.

Cũng theo bà Mỹ Ý, bà Điềm Phùng Thị cũng khai thác rất triệt để khối rỗng (khối âm) vốn là phát hiện độc đáo của nhà điêu khắc nổi tiếng H.Moore. Bà Điềm còn lồng ghép những khoảng tối sáng, thổi vào các khối rỗng đó nhiều yếu tố trừu tượng hiện đại và lối cảm nhận gián tiếp của người Việt Nam. “Từ cách sắp đặt các mẫu tự trong không gian như những đường cắt hình học với cấu trúc lô gic đậm tính vi biến, các mẫu tự alphabet của chị thực sự đã tạo dựng một trò chơi giữa không gian hài hòa hai khối âm dương, sáng tối”, bà Mỹ Ý đánh giá.

Giám đốc Viện Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Pháp, ông Bernard Dorival, vinh danh Điềm Phùng Thị là “một trong những nhà tạc tượng tài ba nhất của thời đại chúng ta”. Nhà thơ Tố Hữu gọi bà là “một tạo hóa trong điêu khắc”. Nhà phê bình nổi tiếng người Pháp, Georges Boudaille, lý giải hiện tượng Điềm Phùng Thị như “một thành quả của sự hỗn hợp các nền văn minh và các thời đại vốn xa lạ nhau”.

Năm 1991, bà trở thành nữ nghệ sĩ gốc Á đầu tiên được ghi danh trong từ điển Larousse: Nghệ thuật thế kỷ 20. Theo nhà văn Tô Nhuận Vỹ, bà là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất có tổ chức nước ngoài lấy tên. Đó là tổ chức “Hội bạn Điềm Phùng Thị” do những người Pháp ái mộ tài năng của bà thành lập.

Những năm cuối đời, dường như ý thức được thời gian sắp hết, bà càng say mê làm việc hơn. Mỗi khi sáng tác, bà thường đóng kín cửa phòng, ai đến thì cho trả lời là đi vắng. Nhiều đêm đã quá 12 giờ đêm bà vẫn cặm cụi trong phòng làm việc.

Người phụ nữ ấy đã vắt kiệt sức lực đến những phút giây cuối cùng để cống hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị. 

Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc (1920 - 2002) sinh tại Huế. Bà là con ông Phùng Duy Cẩn, từng làm quan triều Nguyễn, có thời tham gia chỉ huy việc xây lăng Khải Định.

Năm 1950, bà đến với điêu khắc. Sau đó 16 năm, bà có triển lãm đầu tiên tại Pháp. Những triển lãm quy mô của bà liên tục được tổ chức tại Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Thụy Sĩ. Bà có 36 tượng đài được đặt khắp lãnh thổ nước Pháp.

Điểm độc đáo riêng biệt của Điềm Phùng Thị là việc các tác phẩm điêu khắc của bà đều được thực hiện trên cơ sở lắp ghép và biến tấu 7 modul hình học. Nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi là mẫu tự. Còn GS Trần Văn Khê thì gọi là 7 nốt nhạc.

Năm 1991, bà được đưa tên vào từ điển Larousse (Pháp). Năm 1992, bà được bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học, văn học và nghệ thuật châu u.

Những năm cuối đời, bà về nước nhiều lần và tổ chức các cuộc triển lãm tại nhiều TP lớn. Năm 1994, nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị (với 175 tác phẩm) đã khánh thành tại Huế.

Anh Trâm - Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.