Nelson Mandela, chiến sĩ chống AIDS ở Nam Phi

06/12/2013 14:31 GMT+7

(TNO) Nelson Mandela là một trong những nhân vật nổi tiếng đầu tiên tại Nam Phi công khai thừa nhận về thực trạng AIDS trên quê hương mình, một căn bệnh cướp đi nhiều mạng sống, cũng như lấy đi cả sinh mạng của con trai ông.


Nelson Mandela phát biểu tại buổi hòa nhạc 46664 ở Nam Phi hồi tháng 3.2005 - Ảnh: AFP  

Nelson Mandela, người từ trần hôm 5.12 ở tuổi 95, từng đối mặt với không ít lời chỉ trích vì ông ít đề cập đến đại dịch AIDS trong thời kỳ nắm giữ chức tổng thống Nam Phi từ năm 1994 - 1999. Tuy nhiên, những năm sau đó, ông đã lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này khi căn bệnh AIDS đang hoành hành tại đất nước Nam Phi, theo AFP ngày 6.12.

“Người châu Phi thường rất bảo thủ về các vấn đề quan hệ tình dục. Họ không muốn bạn nói về nó”, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình lý giải về sự im lặng lúc đầu của ông.

“(Khi) Tôi nói với mọi người dịch bệnh này đã xảy ra và sẽ quét sạch đất nước chúng ta nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa, tôi có thể thấy tôi đã xúc phạm khán giả của mình. Họ nhìn nhau đầy kinh hoàng”, ông Mandela kể lại.

Vào thời điểm đó, tại Nam Phi, chính phủ vẫn không nhìn nhận thực trạng tồi tệ của căn bệnh AIDS.

Khi về hưu, Mandela bắt đầu chú ý nhiều hơn đến AIDS khi khoảng 5,5 triệu người, tức là hơn 10% dân số Nam Phi thời điểm đó, sống chung với vi rút HIV.

Trong bài phát biểu kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống AIDS vào tháng 12.2000, ông nói: “HIV/AIDS còn tệ hại hơn cuộc chiến tranh. Hàng ngàn người đã chết vì nó. Nhưng cuộc chiến này có thể bị đánh bại. Đây là một cuộc chiến... mà bạn có thể tạo sự khác biệt”.

Hai năm sau, ông đã chỉ trích kịch liệt người kế nhiệm là Tổng thống Thabo Mbeki, người đã đặt nghi vấn về mối liên hệ giữa HIV và AIDS.

“Cuộc tranh luận về một số vấn đề cơ bản xung quanh HIV vẫn tiếp tục diễn ra theo cách làm giảm đi những gì chúng ta cần quan tâm để chống lại mối đe dọa đối với tương lai của chúng ta”, ông Mandela tuyên bố hồi tháng 2.2002.

Sau đó, ông nói với các phóng viên rằng những người nhiễm HIV nên được cấp phát thuốc kháng vi rút HIV. Đó là một tuyên bố cấp tiến vào thời điểm đó vì lúc này, chính phủ Nam Phi vẫn từ chối phát miễn phí thuốc kháng vi rút HIV tại các bệnh viện nhà nước, nói rằng cần phải kiểm tra độc tính của nó trước.

Cùng năm đó, Mandela đã đến gặp nhà hoạt động phòng chống AIDS hàng đầu là Zackie Achmat để cố thuyết phục anh này từ bỏ “cuộc đình công không dùng thuốc kháng vi rút”.

Achmat bị nhiễm HIV và nhanh chóng chuyển sang giai đoạn AIDS. Anh đã từ chối dùng thuốc cho đến khi nào chính phủ đồng ý cấp miễn phí thuốc cho người mắc nhiễm bệnh này.

Tòa án Hiến pháp của Nam Phi không lâu sau đã ra lệnh yêu cầu chính phủ cấp phát thuốc điều trị AIDS cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Đối mặt với áp lực trong nước lẫn quốc tế ngày càng tăng, nội các của Tổng thống Mbeki đã thay đổi thái độ hoàn toàn về AIDS vào năm 2003, công bố một kế hoạch phân phát miễn phí thuốc trị AIDS cho các bệnh viện nhà nước.

“Ông Mandela và quỹ (từ thiện) của ông đã rất vui mừng khi biết được thông báo này của chính phủ”, theo AFP dẫn nguồn từ Quỹ Nelson Mandela.

Cùng năm đó, Mandela đã phát động chiến dịch âm nhạc trên toàn thế giới mang tên 46664 - là tên mã số tù trước đây của ông khi bị giam giữ trên đảo Robben - để nâng cao nhận thức về AIDS cũng như để quyên tiền trong cuộc chiến chống đại dịch thế kỷ này.

Chiến dịch kêu gọi tất cả các chính phủ trên thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp AIDS toàn cầu, bao gồm một buổi hòa nhạc quy tụ những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng trên thế giới tham gia và toàn bộ số tiền có được từ bán vé được sung vào quỹ hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS của châu Phi.

“AIDS không chỉ là một căn bệnh mà còn là vấn đề nhân quyền... Chúng ta phải hành động ngay để gây quỹ giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi AIDS và nâng cao nhận thức để giúp ngăn chặn HIV lây lan”, Mandela phát biểu tại buổi hòa nhạc trên hồi tháng 11.2003.

Vào tháng 1.2005, Mandela đã đau buồn tiết lộ con trai ông là Makgatho đã qua đời vì AIDS ở tuổi 54.

Những gì Mandela làm trong cuộc chiến phòng chống AIDS đã tạo ra cả một bước ngoặt ở Nam Phi - nơi mà trong nhiều năm liền, chính phủ không chịu nhìn nhận thực trạng tồi tệ của căn bệnh thế kỷ này.

Huỳnh Thiềm

>> Nhà Trắng treo cờ rũ tưởng niệm Nelson Mandela
>> Mỹ từng xem ông Nelson Mandela là phần tử khủng bố
>> Nam Phi chuẩn bị lễ quốc tang ông Nelson Mandela
>> Ngày buồn của những người đóng vai Nelson Mandela
>> Bảy điều Nelson Mandela để lại cho chúng ta
>> Nelson Mandela và 3 người vợ
>> Cuộc đời ông Nelson Mandela qua ảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.