Xóm bệnh nhân giữa Sài Gòn - Kỳ 3: Nghĩa tình ‘xóm tim’

04/12/2013 02:44 GMT+7

Nằm cạnh Viện Tim TP.HCM, con hẻm nhỏ số 525 đường Sư Vạn Hạnh, P.12 (Q.10) từ lâu được gọi là xóm tim. Nghĩa tình của những người mưu sinh ở xóm này đã giúp cho nhiều người có thêm điều kiện và tinh thần để chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo.

Xóm bệnh nhân giữa Sài Gòn
Ông Huỳnh Ngọc Hùng mời nước anh Thắng trong một lần anh ghé thăm - Ảnh: Đình Phú

>> Xóm bệnh nhân giữa Sài Gòn - Kỳ 2: Manh chiếu dưới tán phượng già
>> Xóm bệnh nhân giữa Sài Gòn - Kỳ 1: Đêm trắng ở trại 25

“Cứ nghĩ là mình chết rồi”

Một ngày cuối tháng 9, khi đến Viện Tim, tôi đã gặp bệnh nhân Trần Quyết Thắng (33 tuổi, ngụ xã Hòa Vinh, H.Đông Hòa, Phú Yên) và nghe anh kể về những nghĩa tình sâu nặng mà anh nhận được trong quá trình đi tìm sự sống nơi đất khách quê người.

Suốt bao nhiêu năm anh không biết bệnh tật là gì nhưng bỗng một hôm anh cảm thấy choáng váng, gần như ngất xỉu. Trước biểu hiện bất thường, anh đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên khám. “Bác sĩ khẳng định bị tim nhưng mình vẫn cứ không tin. Sau nhiều lần kiểm tra, với lại sức khỏe giảm sút rất nhanh, mình mới tin đó là sự thật. Từ đó mình không còn khả năng cày cuốc như trước, thậm chí xách thùng nước cũng không nổi”, anh Thắng kể.

Điều kiện kinh tế nghèo khó, không đủ khả năng chữa trị, anh Thắng âm thầm “sống chung” với bệnh tật suốt 10 năm. Tháng 4.2012, sức khỏe ngày càng suy kiệt, bà con họ hàng gom góp tiền cho anh vào Viện Tim để thăm khám. Theo lời kể của anh Thắng, bác sĩ của Viện chỉ định cần phải phẫu thuật ngay thì mới có thể bảo toàn tính mạng, với chi phí hơn 90 triệu đồng. Mặc dù Viện Tim đã hỗ trợ 50 triệu, nhưng vì gia cảnh quá nghèo, anh và gia đình không thể nào lo được số tiền còn lại. Vậy là anh phải khăn gói về lại quê nhà. “Hết cách, cứ nghĩ là mình chết rồi nhưng may mắn là có một bác sĩ đứng ra vận động được tiền rồi gọi vào phẫu thuật. Tháng 9.2012, mình được phẫu thuật. Vì bệnh kéo dài lâu quá nên động mạch vành bị giãn cần phải can thiệp, do vậy chi phí phẫu thuật tăng lên hơn 130 triệu”.

Bây giờ cứ khoảng 1 tháng, anh Thắng phải quay trở lại Viện Tim để tái khám và nhận thuốc uống. Mỗi lần như thế, anh đều ghé thăm một gia đình là ân nhân của anh ở “xóm tim”.

 Thuê nhà cưu mang người bệnh

Gia đình mà anh Thắng luôn nhớ đến là vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Hùng (60 tuổi) và bà Lê Kim Phượng (56 tuổi). Ở “xóm tim”, không nhiều người biết tên thật của cặp vợ chồng này mà chỉ quen gọi là chú Ba và cô Ba. Vợ chồng họ có một căn hộ nhỏ thuộc khu tập thể trong hẻm đường Đông Du, Q.1. Giữa năm 2012, chú Ba đến “xóm tim” thuê một căn nhà 2 tầng với giá 13 triệu đồng/tháng. Phía trước nhà chú để một xe bánh phở và một xe nước ngọt bán buôn mưu sinh mỗi ngày. Phía tầng trên được chú tận dụng làm phòng trọ. Giá niêm yết cho thuê mỗi ngày đêm 50.000 đồng/người nhưng không phải với bệnh nhân nào, chú cũng “tận thu” mức giá đó.

Trong khoảng thời gian chữa bệnh ở Viện Tim, anh Thắng có gần 2 tháng được chú Ba cho ăn ở miễn phí tại ngôi nhà chú thuê. Theo lời kể của chú Ba, nhiều trường hợp bệnh nhân và người nhà đến Sài Gòn chữa bệnh thường tiết kiệm lắm, ăn uống qua loa bởi phải dành tiền lo thuốc thang. Anh Thắng một mình đặt chân đến Sài Gòn, trong điều kiện quá túng thiếu như thế nên chú Ba giúp mà không đắn đo gì. Trước anh Thắng có bệnh nhân Thủy (34 tuổi, quê Bình Định) cũng ăn ở miễn phí tại đây suốt mấy tháng. Tuy nhiên, vì bệnh tình quá nặng, chị Thủy đã không giữ được mạng sống của mình, dù các nhà hảo tâm lo phẫu thuật miễn phí.

Hơn một tuần nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Quang (29 tuổi) và chị Trần Thị Quyên (27 tuổi) cũng đang tá túc tại nhà chú Ba. Anh Quang quê Ninh Bình, vào Bình Dương làm công nhân gỗ, sau đó cưới chị Quyên (quê Đắk Lắk). Điều không may là 2 con của anh chị đều bị bệnh, cháu đầu 7 tuổi bị u máu và cháu thứ 2 mới 10 tháng tuổi bị tim bẩm sinh. Lương công nhân ít ỏi nên vợ chồng anh Quang lâu nay sống đời ở trọ.

Chú Ba kể: “Tháng mưa buôn bán ế ẩm, không đủ tiền để trả tiền thuê nhà nên có khi phải nhờ con cái phụ giúp thêm nhưng mà cảm thấy vui lắm”. “Mình còn có sức, có nơi chốn để mưu sinh qua ngày, như thế đã là tốt hơn rất nhiều người rồi. Giúp được chừng nào thì cứ giúp. Đôi khi tiền bạc thì không có nhưng một chút tình nghĩa sẽ phần nào động viên người bệnh yên tâm điều trị”, chú Ba nói về lý do làm việc thiện, mặc dù bản thân ông cũng đi thuê nhà để mưu sinh.

Lan tỏa những tấm lòng

Các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM mỗi năm có đến hàng chục triệu lượt người đến khám chữa bệnh, trong đó một bộ phận không nhỏ đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau trong điều kiện kinh tế khó khăn. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2013, số lượt người khám chữa bệnh ước 22 triệu lượt, số bệnh nhân điều trị nội trú gần 1 triệu lượt. Sự chia sẻ nghĩa tình của người dân thành phố với người bệnh ở xa là việc làm hết sức ý nghĩa và rất đáng trân quý.

Ở “xóm tim” dường như có một sự lan tỏa nghĩa tình từ những người có công lao lớn trong những ngày đầu Viện Tim được thành lập, đó là GS Alain Carpentier và cố GS Dương Quang Trung… Theo bà Trịnh Ngọc Mai - Trưởng phòng Trợ giúp xã hội của Viện, khi thành lập Viện Tim, ý nguyện của 2 vị GS này là có phòng trợ giúp xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhi tim bẩm sinh và các bệnh nhân nghèo. Mỗi năm có khoảng 300 bệnh nhân nghèo được hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim tại Viện Tim, trong đó có nhiều trường hợp được hỗ trợ 100% kinh phí. Nhiều người đi chữa bệnh mà không đủ tiền lo thuốc thang nhưng không ít bệnh nhân trong số đó đã tìm lại được sự sống từ những câu chuyện nghĩa tình.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.