Tôi đi làm thủ tục hải quan ở sân bay Tân Sơn Nhất

04/12/2013 19:19 GMT+7

(TNO) Sau vụ việc hải quan sân bay Tân Sơn Nhất để lọt lô hàng chứa 600 bánh heroin, PV Thanh Niên Online đã thử đi làm thủ tục hải quan, nhận một lô hàng nhập khẩu ở sân bay Tân Sơn Nhất.

>> Vụ để ‘lọt lưới’ 600 bánh heroin: Ai chịu trách nhiệm?
>> Vụ ‘lọt lưới’ 600 bánh heroin: Tại sao Cục Hải quan TP.HCM chưa kỷ luật ai?
>> Vụ ‘lọt lưới’ 600 bánh heroin: Hải quan TP.HCM nói 'làm đúng quy trình


Máy soi chiếu, kiểm tra hàng trước khi xuất khẩu - Ảnh: Ngọc Thọ

An ninh nghiêm ngặt

Được sự đồng ý của ông Hùng, nhân viên công ty chuyên làm dịch vụ thủ tục hải quan về xuất nhập khẩu trụ sở ở quận Tân Bình (TP.HCM), chúng tôi đã “tháp tùng” ông này đi làm thủ tục hải quan để nhận lô hàng nhập khẩu ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Địa chỉ mà ông Hùng làm thủ tục và nhận hàng là tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP.HCM) nằm ở số 6 Thăng Long, phường 2 (Q.Tân Bình).

Trước khi vào cổng, ông Hùng dặn: “Vào trong này, ông đừng hỏi linh tinh nhé. Hải quan biết tôi dẫn nhà báo vào coi như hết cửa làm ăn”.

Khâu kiểm soát khách ra vào của hải quan ở đây khá chặt và những ai không có trách nhiệm liên quan khó có thể vào được khu vực bên trong.

Trước tiên, khách phải trình chứng minh nhân dân để nhân viên an ninh phát thẻ ra vào. Sau đó, khách phải trải qua khâu kiểm tra của nhân viên an ninh hàng không. Mọi túi xách, ba lô đều được mở ra để nhân viên kiểm tra.

Khuôn viên của Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh khá rộng. Ngoài tòa nhà trung tâm là trụ sở làm việc của chi cục, bên trong còn có dãy nhà để chứa hàng và khu vực kiểm tra hàng. Một phần của khu vực này được một số hãng vận chuyển lớn thuê lại để làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa.

Các dãy nhà đều được gắn camera và bố trí lực lượng hải quan, an ninh hàng không theo dõi quy trình.

Ông Hùng cho hay hiện mọi thủ tục đều được thực hiện bằng hải quan điện tử. Doanh nghiệp khai báo trên mạng và được hệ thống máy móc phân luồng luôn.

Nếu rơi vào “luồng xanh”, doanh nghiệp chỉ cần in tờ khai đưa qua hải quan rồi hàng sẽ được thông quan luôn. Lô hàng lúc này chỉ phải trải qua máy soi chiếu của lực lượng an ninh hàng không trước khi đưa lên máy bay.

Với “luồng vàng”, doanh nghiệp sẽ phải trình cả tờ khai và hồ sơ liên quan đến lô hàng cho hải quan. Hải quan sẽ kiểm tra hồ sơ, nếu thấy đạt sẽ đóng dấu cho thông quan.

Với “luồng đỏ”, ngoài việc trình tờ khai, hồ sơ lô hàng, doanh nghiệp còn phải đem lô hàng đến để hải quan kiểm tra bằng máy soi chiếu lẫn kiểm tra thủ công.

“Ngoài ba luồng trên, còn có quy định luồng xanh có điều kiện nhưng luồng này quy trình kiểm tra tương tự luồng vàng mà thôi”, ông Hùng nói.

Ưu tiên hàng xuất khẩu

Đang đợi nhận hàng ở khu vực của hãng DHL, ông Thắng, nhân viên một công ty may mặc gia công sản phẩm cho nước ngoài, cho hay đối với hàng nhập khẩu, khi hàng về đến sân bay, doanh nghiệp cầm giấy báo ra hải quan làm thủ tục, ra kho bạc đóng thuế, sau đó mới được nhận hàng sau khi đã được kiểm tra từ phía hải quan.

“Việc phân luồng đối với hàng nhập khẩu máy cũng làm tương tự hàng xuất khẩu. Tuy nhiên nếu nghi ngờ lô hàng nào đó có vấn đề, nhân viên hải quan có thể đưa lô hàng đó vào diện nghi vấn để áp luồng đỏ, tức là kiểm tra gắt gao hơn”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cho hay ngoài khâu kiểm tra kỹ lô hàng thì việc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng được coi là tiêu chí để hải quan đánh giá lô hàng khi phân luồng.

“Có lô hàng mọi tiêu chí đều đạt để phân vào luồng xanh nhưng nếu máy phát hiện doanh nghiệp nợ thuế, dù chỉ một ngàn đồng, thì lô hàng đó sẽ được phân vào luồng đỏ”, ông Thắng nói.

Ông Hùng cho biết ngoài tiêu chí nộp thuế, có một số đặc điểm để hải quan phân luồng lô hàng như tính chất hàng hóa, mã HS được ghi trên lô hàng…

Hiện nay một số mặt hàng thuộc nhóm trọng điểm kiểm tra kỹ cả khi xuất lẫn nhập là mỹ phẩm, hóa chất…, còn những mặt hàng rơi vào “luồng xanh” là những nhóm hàng được nhà nước khuyến khích xuất khẩu như gạo, cà phê, điều, tiêu, nhóm hàng may mặc…

Hơn 25 năm làm thủ tục hải quan, ông Hòa, nhân viên làm thủ tục hải quan của một công ty may mặc ở quận 3, cho biết so với trước đây, thì thời gian làm thủ tục hiện tại đã rút ngắn đi rất nhiều. Nếu rành thủ tục thì trong một ngày nhân viên sẽ hoàn thành xong hồ sơ.

“Khó đoán trước sự phân luồng của máy lắm. Cũng là một lô hàng cùng chủng loại, số lượng, tháng trước máy phân luồng xanh nhưng qua tháng này lại phân luồng vàng. Hơn 20 năm làm thủ tục hải quan, tôi thấy buổi sáng làm thủ tục suôn sẻ hơn buổi chiều”, ông Hòa chia sẻ.

Sẽ siết quy trình kiểm tra hàng hóa

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho hay trung bình mỗi năm hải quan TP.HCM làm thủ tục cho 56.000 lượt máy bay, 9.000 lượt tàu biển, 8 triệu lượt hành khách, với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 60 tỉ USD.

Năm 2012, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện 16 vụ vận chuyển ma túy trái phép với khối lượng 60 kg ma túy; 10 tháng của năm 2013 phát hiện 20 vụ vận chuyển ma túy trái phép với khối lượng hơn 82 kg.

Sau vụ 600 bánh heroin “lọt lưới”, Cục Hải quan TP.HCM cho hay sẽ tăng cường quy trình kiểm soát thủ tục hải quan, đặc biệt là ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, đại diện một số doanh nghiệp làm thủ tục hải quan cho hay quy trình làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất hiện chưa gặp khó khăn gì trong vấn đề làm thủ tục. Nhưng các doanh nghiệp này đều nhận định chắc chắn thủ tục hải quan sẽ siết chặt hơn trong thời gian tới.

Đình Quân

>> Vụ ‘lọt lưới’ 600 bánh heroin: Tại sao Cục Hải quan TP.HCM chưa kỷ luật ai?
>> Vụ ‘lọt lưới’ 600 bánh heroin: Hải quan TP.HCM nói 'làm đúng quy trình
>> ‘Lọt lưới’ gần 230 kg ma túy: Khâu kiểm soát của Hải quan Tân Sơn Nhất có vấn đề?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.