Dân nghèo hiến đất

03/12/2013 13:55 GMT+7

Dù cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau nhưng 5 hộ dân ở thôn Làng Mâm, xã Ba Bích, H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã tự nguyện hiến đất làm khu tái định cư, giúp những hộ dân vùng sạt lở núi có nơi ở ổn định.


Các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở núi ở tổ Làng Dều, thôn Làng Mâm, xã Ba Bích đã có nơi ở an toàn - Ảnh: Hiển Cừ

Vừa qua, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút nước xuống núi rừng vùng cao Ba Bích cũng là thời điểm chính quyền H.Ba Tơ huy động hàng trăm đoàn viên, thanh niên cùng các lực lượng chức năng giúp 41 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở núi ở tổ Làng Dều, thôn Làng Mâm, xã Ba Bích, di dời nhà cửa đến nơi ở mới an toàn.

Anh Phạm Văn Sự (26 tuổi) cho biết, năm 2009, khi đi làm rẫy người dân tổ Làng Dều phát hiện trên núi Gò Pót xuất hiện vết nứt. Sau mỗi mùa mưa lũ, vết nứt núi này ngày một dài ra, sâu hun hút, trong khi đó hàng chục hộ dân tổ Làng Dều lại sống dưới chân núi. “Những năm qua, khi trời mưa to liên tục, dân làng chả ai dám ngủ, tâm trạng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ đất đá từ trên núi Gò Pót đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Nguy hiểm lắm!”, anh Sự rùng mình nhớ lại.

Theo ông Huỳnh Thương, Phó chủ tịch UBND H.Ba Tơ, trước nguy cơ sạt lở núi đe dọa đến tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân tổ Làng Dều, UBND H.Ba Tơ xác định việc xây dựng khu tái định cư là công trình cấp bách. Ngặt nỗi, ở vùng núi cao này tìm ra mặt bằng là vấn đề hết sức nan giải.

Điều đáng quý là sau khi nghe thông tin chính quyền địa phương tìm mặt bằng xây khu tái định cư cho dân vùng sạt lở núi, 5 hộ dân ở thôn Làng Mâm, gồm: Phạm Văn Mao (78 tuổi), Phạm Văn Ghi (84 tuổi), Phạm Văn Hoạt (44 tuổi), Phạm Văn Mâu (33 tuổi) và Phạm Văn Đách (27 tuổi), dù gia đình phải lo chạy vạy từng bữa ăn nhưng họ không hề so đo, tính toán thiệt hơn, tự nguyện hiến hơn 3,6 héc ta đất ở và sản xuất, đồng thời tháo dỡ nhà cửa đến nơi ở tạm để địa phương nhanh chóng xây dựng khu tái định cư mới.

Suốt hơn 1 năm qua, dù sống trong ngôi nhà tạm bợ, nhưng 5 hộ dân nghèo hiến đất đều rất vui, luôn mong chờ khu tái định cư mới xây dựng xong để cùng với các hộ dân vùng thiên tai dựng lại nhà cửa, an cư lạc nghiệp. Cụ Phạm Văn Mao, người hiến đất nhiều nhất với hơn 1,4 héc ta, nở nụ cười đôn hậu: “Chừng ấy đất, nếu tui bán đi sẽ có số tiền kha khá, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt trong gia đình, cuộc sống vật chất, tinh thần đỡ vất vả hơn, nhưng làm vậy dân làng sẽ cười chê cái bụng mình không tốt. Từ bao đời nay, dân làng cùng uống nước chung một con suối, chén rượu cũng chia sẻ nhau. Vì thế, mình hiến đất để các hộ ở vùng nứt núi có chỗ ở an toàn là vui lắm rồi, có cực khổ cũng chẳng sá gì”.

Dân nghèo hiến đất
Vợ chồng anh Phạm Văn Đách, một trong 5 hộ dân hiến đất làm khu tái định cư rất vui vì đã làm một việc có ý nghĩa cho cộng đồng - Ảnh: Hiển Cừ

Trong số 5 hộ hiến đất xây khu tái định cư, gia đình anh Đách có hoàn cảnh éo le. Mồ côi cha từ thuở nhỏ, 4 anh em cùng mẹ ngày ngày phát rẫy, làm nương kiếm sống. Làm lụng vất vả nhưng cuộc sống vẫn khốn khó trăm bề. Khi lập gia đình, Đách được mẹ chia ít đất rừng, đất rẫy làm kế sinh nhai. Bám nương rẫy vẫn không đủ ăn, hàng ngày Đách còn đi làm thuê kiếm thêm vài chục ngàn để nuôi vợ, con, trang trải cuộc sống gia đình. Dù vậy, khi thấy bà con cùng hiến đất, Đách cũng xung phong hiến hơn 1.350 m2 đất làm khu tái định cư.

“Hiến gần một nửa số đất gia đình hiện có, vợ chồng tui tiếc lắm. Thời buổi này tấc đất, tấc vàng mà, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy thương cho bà con vùng nứt núi ăn không ngon, ngủ không yên. Thế thì mình hy sinh một chút đất cũng chẳng sao. Bây giờ khu tái định cư đã làm xong, bà con về đây ở, tình làng nghĩa xóm càng gắn bó nhau hơn, ai cũng cảm ơn việc làm của mình, trong lòng vui lắm”, Đách thổ lộ.

Đứng bên ngôi nhà sàn vừa mới dựng lên trên khu tái định cư mới có mặt bằng cao ráo, thoáng đãng, anh Phạm Văn Đền bộc bạch: “Giờ thì yên tâm lo làm ăn, không còn cái cảnh ngày đêm lo sợ núi “đè” như trước nữa. Tất cả các hộ dân vùng thiên tai di dời đến khu tái định cư mới này vô cùng biết ơn những người đã hiến đất dù nghèo khó nhưng họ có nghĩa cử thật cao đẹp”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ, nhấn mạnh: “Huyện ủy Ba Tơ đánh giá cao tinh thần vì cộng đồng của 5 hộ dân nghèo ở thôn Làng Mâm, xã Ba Bích đã hiến đất để xây dựng khu tái định cư mới, giúp dân vùng sạt lở núi có chỗ ở ổn định. Việc làm của họ khiến nhiều người khâm phục và quý trọng. Đây là những tấm gương điển hình của huyện trong việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Huyện ủy Ba Tơ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra nhiều xã khác để mọi người cùng góp sức chung tay vì cuộc sống cộng đồng”.

Hiến đất xây trạm y tế

Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ba Tơ, thông qua phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trên địa bàn H.Ba Tơ xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Trong đó, nhiều hộ dân ở các xã Ba Chùa, Ba Điền, Ba Bích, Ba Xa, Ba Vinh, Ba Khâm, Ba Động… hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế. Điển hình như ông Phạm Văn Bút, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ba Điền tự nguyện hiến 150 m2 đất của gia đình, trị giá hàng trăm triệu đồng để xây dựng Trạm Y tế xã Ba Điền, giúp người dân mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (bệnh lạ) trên địa bàn xã đến khám, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.