Chuyện không mới

03/12/2013 02:20 GMT+7

Giống như các loại thực phẩm bẩn, thuốc kích thích tăng trưởng nhập lậu được sử dụng tràn lan không phải là chuyện mới, nhưng chính cách ứng xử của các cơ quan chức năng với vấn đề này mới là điều đáng lo hơn cả. Lấy câu chuyện quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ 80.000 ống thuốc kích thích tăng trưởng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc hồi giữa tháng 11 làm ví dụ.

Giống như các loại thực phẩm bẩn, thuốc kích thích tăng trưởng nhập lậu được sử dụng tràn lan không phải là chuyện mới, nhưng chính cách ứng xử của các cơ quan chức năng với vấn đề này mới là điều đáng lo hơn cả. Lấy câu chuyện quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ 80.000 ống thuốc kích thích tăng trưởng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc hồi giữa tháng 11 làm ví dụ.

Thuốc không nguồn gốc, không có trong danh mục được phép lưu hành, nhưng sau 3 tuần, quản lý thị trường vẫn chưa thể xử lý, vì “chưa thể định danh sản phẩm này để tiến hành tiêu hủy theo quy định”. Trong khi đó, các ngành liên quan như nông nghiệp, y tế thì im lặng. Thậm chí, một quan chức ngành nông nghiệp còn trả lời trên báo chí rằng: không có trong danh mục thì cứ tiêu hủy, việc gì phải trưng cầu giám định tìm độc tố.

Nói thế không sai, nhưng một trong những quyền của người tiêu dùng thực phẩm theo khoản 1, điều 9 luật An toàn thực phẩm (ATTP) là được cung cấp thông tin trung thực về ATTP, hướng dẫn sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, lựa chọn, sử dụng thực phẩm phù hợp; được cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn, cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo đối với thực phẩm. Thế mà, những cảnh báo về việc rau mầm, giá đỗ có sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng độc hại cho đến giờ vẫn chỉ là lời khuyên của “người tiêu dùng thông thái” dành cho nhau. Hoặc Cục ATTP (Bộ Y tế) thừa nhận có hiện tượng sử dụng hóa chất lạ để ủ chín, làm đẹp chuối, đu đủ nhưng điều lạ là cho đến nay, chưa có bất kỳ cơ quan chức năng nào xác định chính xác loại hóa chất này là hóa chất gì, mức độ độc hại ra sao đối với sức khỏe người tiêu dùng. Hàng vạn quả chuối, quả đu đủ được tiêu thụ mỗi ngày tại các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng hoa quả có sử dụng loại hóa chất không rõ nguồn gốc ấy có đáng gọi là vấn đề cần quan tâm của các cơ quan chức năng hay không?

Theo quy định hiện hành, 3 bộ cùng “quản” ATTP là Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công thương. Rất nhiều cơ quan có chức năng cấp phép, thanh tra, kiểm tra, nhưng nếu thực phẩm an toàn thì không sao, trong trường hợp không bảo đảm chất lượng vệ sinh thì rắc rối to. Ví dụ, Bộ Y tế khi đó chỉ được thu mẫu thực phẩm. Còn toàn bộ thực phẩm nhiễm bẩn đã bán ngoài chợ thì không thể thu được do không thuộc thẩm quyền... Nói “cha chung không ai khóc” chính là vậy.

Điều luật về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP cho đến nay vẫn là điều luật treo; chưa có bất kỳ chủ hàng hay người vận chuyển nào bị truy cứu dù kinh doanh thực phẩm bẩn.

Sự chồng chéo về trách nhiệm, thiếu nghiêm túc thi hành luật pháp, sự thờ ơ của cơ quan chức năng đang dung túng các hành vi kinh doanh phạm pháp. Và chuyện không mới là chúng ta đang đầu độc chính chúng ta.

An Nguyên

>> Dùng thuốc kích thích rau quả - Bài 1: Đua nhau “đánh thuốc”
>> Tổng kiểm tra việc buôn bán, sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.