Theo dấu văn thơ - Kỳ 13: Trở lại Mốp Giăng

03/12/2013 03:20 GMT+7

Mốp Giăng bây giờ không còn "khỉ kêu, vượn hú" và cũng không còn bóng cây mốp giăng ngang dọc bên cánh rừng xưa.

Mốp Giăng bây giờ không còn "khỉ kêu, vượn hú" và cũng không còn bóng cây mốp giăng ngang dọc bên cánh rừng xưa.

Từ trên núi Ba Thê nhìn xuống thấy xóm làng, thôn dân vùng Mốp Giăng nay đông đúc - Ảnh: T.D
Từ trên núi Ba Thê nhìn xuống thấy xóm làng, thôn dân vùng Mốp Giăng nay đông đúc
- Ảnh: T.D
 

Mất mùa trăn hội

“Cái vùng Mốp Giăng nằm dưới chân núi Ba Thê, cạnh kho tàng Óc Eo, lâu lâu vượn hú, khỉ kêu nghe thảm thiết bên rặng cây bần. Mưa lạnh lâu ngày, vin mãi trên cành, khỉ vượn vừa sợ đói, vừa sợ té, rốt cuộc vẫn té vì đói, vì lạnh; rơi xuống bãi bùn trầy trụa xong lại trở lên cành mà vin mãi, có con té làm mồi cho cọp”. (Trích  truyện ngắn Hình bóng cũ - Sơn Nam).

Núi Ba Thê nay thuộc thị trấn Óc Eo, H.Thoại Sơn (An Giang). Núi Ba Thê nổi tiếng vì gần chân núi, người dân từng lũ lượt tới đào bới tìm cổ vật Phù Nam. Nhưng cái tên Mốp Giăng giờ khá lạ; hỏi thì nhiều người nói nhà văn đã viết lộn. Phải gọi là Mướp Văn vì vùng đất này ngày xưa cây mướp bò mọc hoang văn khắp nơi. Họ nói ngay cả cây cầu thuộc thị trấn Óc Eo nằm trên tỉnh lộ 943 cũng mang tên là cầu Mướp Văn.

Nhưng ông Trần Hữu Phước, 83 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND H.Thoại Sơn, cho biết Sơn Nam không nhầm lẫn. Cái tên Mốp Giăng mới đúng với hiện thực lúc xưa. Ông Phước nhớ lại: “Gọi là Mốp Giăng vì ngày xưa cây mốp mọc giăng đầy. Cây mốp là cây trầm thủy, có thân mềm xốp nên có thể dùng tay không tách bỏ lớp vỏ bên ngoài của nó. Hồi đó, người ta hay dùng lớp xốp mềm của cây mốp để chêm lót bên trong nón, kết đội cho êm đầu. Cây mốp thảy trên nước nổi lều phều nên con nít hay ôm làm phao lội”. Sau này do chiến tranh, rồi chuyển đổi cây trồng nên cây mốp bị phá bỏ, từ từ mất hết, do đó nói tên cây mốp rất ít người biết.

Quay ngược về xa xưa thì vùng Mốp Giăng tiếp giáp với rừng cây mọc hoang vu, buồn còn hơn Sơn Nam tả. Thời đó, cánh đàn ông, trai tráng hay rủ nhau thành nhóm đi vào bìa rừng săn bắt chim vạc. Chim đậu nhiều quá oằn cả nhánh cây, nên chỉ đứng ở dưới rung mạnh cây là rớt xuống lịch bịch, người ta lựa chim to bắt, buộc chân chúng xỏ qua đòn gánh gánh đi. Nhưng gánh một đoạn nặng quá không đi nổi phải tháo dây thả bớt chim. Ông Phước kể tiếp, lúc đó cọp nhiều lắm nhưng nhát người, thấy người đi lẻ loi chúng mới tấn công còn đi thành nhóm thì chúng rình rập phía sau. Thấy bóng cọp, đoàn người đi rừng bèn lấy khúc cây chọi, cọp hoảng chạy mất. Vùng Mốp Giăng vào mùa nước nổi chuột đồng lội bầy bầy tìm nơi ẩn núp, do hang ổ bị ngập nước. Chuột nhiều quá, lúa thóc lúc đó lại ít nên người dân săn bắt chuột ăn thay cơm.

Nhưng theo ông Phước, sôi động nhất là mùa trăn hội, thường rơi vào ngày rằm từ tháng 10 âm lịch đến tháng giêng. Nhất là những đêm rằm trăng sáng vằng vặc, trăn từ các nơi lúc nhúc kéo về gần núi Ba Thê giao hoan. Nhiều người rình, lựa bắt những con trăn to. Tuy vào mùa động dục nhưng chúng lại hiền lành, không ngổ ngáo. Trăn tuy có sức mạnh nhưng nếu biết cách bắt như chọt hai ngón tay vào lỗ mũi trăn hoặc dùng miệng cắn vào đuôi là chúng nằm ngay đơ như bị điểm huyệt.

Ông Phước nói: “Chúng bò vào các hang hóc của đá núi, con nào bò chậm bị nắm đuôi lôi ra. Lúc đó, trong xóm có chú Tám, chọn con trăn quá lớn, chú nắm đuôi kéo nhưng da trăn trơn tuột nên vuột tay, tức quá chú há miệng ngậm đuôi trăn cắn ghì lại, lôi nó ra. Bị đau, trăn vùng vẫy mạnh làm hàm răng chú Tám bị gẫy hết mấy cái”. Ông Phước cho biết, ngày xưa mùa trăn hội vui lắm nhưng nay chỉ kể lại trong lúc trà dư tửu hậu.

Mốp Giăng bây giờ

Mốp Giăng nay thuộc địa phận thị trấn Óc Eo, xã Vọng Đông, Vọng Thê  (H.Thoại Sơn)  và  xã Mỹ Lâm, Mỹ Hiệp Sơn của H.Hòn Đất (Kiên Giang). Từ trên đỉnh núi Ba Thê nhìn xuống, bốn bề là màu vàng của lúa, màu xanh của rau màu trải dài như cái bàn cờ đồng quê rực rỡ sắc màu. Gió núi mát rượi, giữa rừng cây, lũ tu hú chuyền cành gọi bầy kêu lanh lảnh, gà rừng gáy te te. Đỉnh núi Ba Thê cao hơn 230 m, nhìn xuống thấy mồn một những chuyển động bên dưới đồng bằng nên thời Pháp thuộc đã dựng đồn trên đỉnh núi và xây con đường cho xe cơ giới chạy lên đỉnh. Pháp còn cho đào các tuyến kênh Ba Thê, Tri Tôn, Tám Ngàn xuyên qua Mốp Giăng với ý đồ khai thác điền địa, thu nông sản. Từ năm 1932, theo tuyến kênh Mốp Giăng, dân cư mỗi ngày một đông hơn.

Trong truyện ngắn Hình bóng cũ, lão Tư Hiếm, cô Ba Thừa ở Mốp Giăng không chịu nổi cường hào ác bá, chế độ thực dân Pháp, nên chống lại. Cô Thừa dám cởi hết áo quần trước mặt quan kinh lý, che ngang ống kính đạc điền và cãi lý vì quyền lợi chung: “Làm cái gì vậy? Trần truồng như nhộng giữa đám đông chẳng biết mắc cỡ à?”, quan lớn hét.

Cô gái đáp: “Mắc cỡ gì? Hễ cái miệng đói thì cái… mông cũng chết! Xưa nay, chưa có người nào chết đói mà cái mông còn sống được!”. Sau câu nói đó, số phận cô Thừa kể như đã được định đoạt.

Nhưng Mốp Giăng lại chuyển mình. Núi Ba Thê với những trận đánh ác liệt tiêu diệt đồn Pháp vẫn còn lưu dấu với thế nhân. Ông Tư Thanh (56 tuổi), sống ở núi Ba Thê kể, hồi đó trên đỉnh núi cây cổ thụ um tùm nên khí hậu mát lạnh; có ngôi chùa cổ Sơn Tiên được dựng năm 1933, kế bên chùa là khối đá cao lớn vuông vức, trên đỉnh có dấu chân rất to mà dân gian gọi là bàn chân tiên. Ông Thanh nói: “Giặc pháo kích, thả bom quá nên cây cổ thụ bị ngã hết, chùa cổ cũng bị đổ sập, sau xây chùa lại, khối đá có lưu bàn chân khổng lồ bị bom làm nứt ra”. Ông Thanh nói sau đó đường lên đỉnh núi không chạy xe lên được do đá tảng lăn, cây rừng ngã, bom mìn còn sót lại. Khi chiến tranh đi qua, người dân, chính quyền địa phương mới dọn dẹp, phá bỏ bom mìn, mở lại con đường lên núi.

Mốp Giăng ngày xưa là xứ khỉ ho cò gáy, còn Mốp Giăng ngày nay là đồng lúa bao la, thôn xóm an bình. Bây giờ, về Mốp Giăng hay núi Ba Thê sẽ nghe kể bao chuyện lạ như thanh thạch đại đao trên núi, kho tàng Óc Eo, ngày mùa thu hoạch...

Thanh Dũng

>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 12: Về chốn thi ca
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 11: Cô Ba Trà Vinh
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 10: Về nơi núi Mộng gương Hồ
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 9: Gặp lại Huyền Trang
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 8: Anh bán chiếu Cà Mau trên dòng kinh Ngã Bảy
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 7: Nàng Chăng Cà Mum của Nguyễn Chánh Sắt
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 6: Mẫn của chúng ta
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 5: Lư Khê nhạt dấu
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 4: Trái tim đá núi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.