Đổi mới tuyển sinh đại học

03/12/2013 09:00 GMT+7

Chuẩn bị cho những thay đổi căn bản trong kỳ thi tuyển sinh đại học , cao đẳng diễn ra vào năm 2015, nhiều trường đại học đã lên phương án tuyển sinh riêng. Điểm nổi bật trong các đề án này là việc tuyển chọn người học tập trung vào năng lực thay vì kiến thức như trước đây.

 Tuyển sinh đại học
Thí sinh thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) nghe phổ  biến quy chế tuyển sinh năm 2013. ĐHQG TP.HCM có phương án tuyển sinh riêng dự kiến bắt đầu thí điểm vào năm 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thanh Niên sẽ lần lượt giới thiệu đề án đổi mới tuyển sinh của các trường, đồng thời lấy ý kiến phân tích của các chuyên gia về những cải tiến này.

Thi 2 môn bắt buộc, một tự chọn  

Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) gần như hoàn tất đề án cải tiến tuyển sinh ĐH để trình lên Bộ GD-ĐT vào cuối năm nay. PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH này, cho biết đề án đã được triển khai xây dựng từ nhiều năm nay, với mục tiêu đánh giá năng lực học ĐH thay vì kiểm tra kiến thức đã học đơn thuần như kỳ thi tuyển sinh hiện nay.

 

Phương án tuyển sinh này nếu được triển khai sẽ thay đổi toàn bộ quy trình tổ chức thi và xét tuyển, trong đó quan trọng nhất là xây dựng ngân hàng đề thi

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa (Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM)

Theo đề án, kỳ thi kiểm tra năng lực sẽ gồm 5 môn: toán và logic, tiếng Việt, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và tiếng Anh. “Kỳ thi tuyển sinh hiện nay chúng ta đang thực hiện chỉ dựa vào kết quả thi của 3 môn nên rất hẹp. Việc xây dựng đề án thi 5 môn này sẽ kiểm tra rộng và sát hơn kiến thức người học, thông qua đó có thể đánh giá được cả kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học”, tiến sĩ Nghĩa lý giải. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, mỗi thí sinh chỉ phải tham gia dự thi 3 môn, trong đó 2 môn bắt buộc (toán và logic, tiếng Việt) thời gian làm bài 120 phút. Ngoài ra, thí sinh phải thi thêm một môn bổ sung (một trong 3 môn còn lại) tùy theo đặc thù riêng của từng trường và ngành dự thi, với thời gian làm bài 90 phút. Trong đó, môn khoa học tự nhiên sẽ kiểm tra kiến thức về sinh, hóa và lý. Môn khoa học xã hội kiểm tra kiến thức văn, sử và địa. Các bài thi chủ yếu theo phương thức trắc nghiệm, chỉ một phần bài thi môn tiếng Việt yêu cầu thí sinh viết bài luận.

Để thực hiện mục tiêu này, ĐHQG TP.HCM cho rằng cần có một đơn vị chuyên nghiệp xây dựng ngân hàng đề thi và tổ chức thi. Theo tiến sĩ Nghĩa, trước mắt ở phạm vi ĐHQG TP.HCM, đơn vị này sẽ là Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nếu kỳ thi này được triển khai trên quy mô toàn quốc, phải có một đơn vị chuyên trách có đủ năng lực để tổ chức kỳ thi chung cho tất cả các trường.

Hoạt động ngoại khóa là một tiêu chí đánh giá

Ngoài kỳ thi kiểm tra năng lực, ĐHQG TP.HCM còn kết hợp nhiều tiêu chí xét tuyển bổ sung tùy vào điều kiện từng trường. Đó có thể là các tiêu chí đánh giá dựa trên kết quả học và thi tốt nghiệp THPT nhưng theo tiến sĩ Nghĩa, tiêu chí rất quan trọng ĐH này sẽ tiến hành đánh giá là các kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa của thí sinh. Khi nộp hồ sơ, thí sinh cũng phải viết một bài luận trình bày lý do lựa chọn ngành nghề và động cơ học tập. Cũng theo ông Nghĩa, có thể sẽ xét thêm tiêu chí thư giới thiệu của giáo viên. “Việc tổ chức kỳ thi và xét tuyển theo đề án này sẽ khiến trường mất nhiều thời gian và công sức hơn kỳ thi hiện nay. Tuy nhiên, đó là việc cần làm để có được chất lượng đầu vào sinh viên tốt nhất”, tiến sĩ Nghĩa nói thêm.

Nói về tiến độ thực hiện, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, cho hay năm 2014 ĐH này vẫn tiến hành kỳ thi tuyển sinh “3 chung” quốc gia. Nếu được bộ thông qua đề án, năm 2015 trường sẽ tiến hành thí điểm một số ngành đào tạo trước khi triển khai rộng rãi toàn hệ thống vào năm 2016. “Tuy nhiên, đề án này sẽ được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, có kế hoạch và theo lộ trình để không ảnh hưởng đến rất đông thí sinh”, tiến sĩ Chính nhấn mạnh. Còn tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa thì cho rằng: “Phương án tuyển sinh này nếu được triển khai sẽ thay đổi toàn bộ quy trình tổ chức thi và xét tuyển, trong đó quan trọng nhất là xây dựng ngân hàng đề thi. Tuy nhiên, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong những việc này nên hoàn toàn có thể thực hiện được”. 

Đề thi là khâu quan trọng nhất

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 2.12, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết đến thời điểm này bộ đã nhận được 17 đề án tuyển sinh riêng và các đề án này đều thuộc các trường ngoài công lập. Bộ đang chỉnh sửa, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh, trong đó có xây dựng những tiêu chí để các trường tuyển sinh riêng. Dựa theo quy chế này, nếu phương án nào đáp ứng đủ điều kiện Bộ sẽ cho phép triển khai ngay trong năm 2014. Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2015 Bộ vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh chung cho các trường chưa có phương án tuyển sinh riêng.

Theo ông Ga, căn bản nhất của phương án tuyển sinh riêng là công tác ra đề thi. Việc này phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra tiêu cực, đặc biệt không để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan gây bức xúc xã hội như trong quá khứ.

Hà Ánh

 >> Ưu tiên cũng khó tuyển sinh
>> Kết thúc tuyển sinh năm 2013: Có ngành học chỉ tuyển được 1 sinh viên
>> Các trường vẫn còn nhiều chỉ tiêu tuyển sinh
>> Trường ngoài công lập chật vật tuyển sinh
>> ‘Sách Trắng’ báo động đỏ về nhân lực VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.