Cá mập, voi hay hoàng tử?

04/12/2013 04:44 GMT+7

Những trí thức am tường văn hóa Việt, lặng lẽ, bền bỉ, như thể làm cho riêng họ nhưng lại làm được rất nhiều điều cho xứ sở này, từ văn hóa, xã hội cho đến kinh tế…

Những trí thức am tường văn hóa Việt, lặng lẽ, bền bỉ, như thể làm cho riêng họ nhưng lại làm được rất nhiều điều cho xứ sở này, từ văn hóa, xã hội cho đến kinh tế…

Những trí thức am tường văn hóa Việt, lặng lẽ, bền bỉ, như thể làm cho riêng họ nhưng lại làm được rất nhiều điều cho xứ sở này, trên mọi phương diện, từ văn hóa, xã hội cho đến kinh tế, phát hiện, gìn giữ những giá trị, mở cho sinh viên và các nhà khoa học một hướng tư duy, lặn lội, đem đến cho vùng sâu vùng xa những cơ hội rất thiết thực khi chúng ta bỏ mặc dân nghèo vất vưởng bên lề công nghiệp hóa hiện đại hóa…

Không phải “chốn về”

Bà chủ nhà hàng L’en tête cứ tưởng Phương[1] là dân Nam Mỹ, đi bộ dọc khu Bùi Viện, các cô em xinh tươi vén váy cao cao, duỗi cặp chân trắng nõn mời chào anh bằng tiếng Nhật, ngồi với sinh viên, anh cool kiểu Đức. Tôi chọc: Rõ ràng anh không có bản sắc!

Anh hỏi lại: Bản sắc là gì?

Bản sắc là gì nhỉ, khi anh, một cành cây bị cắt khỏi gốc, gần 40 năm?

Năm 1972, bố anh, một nhà ngoại giao đưa cả gia đình từ Sài Gòn sang CHLB Đức, rồi sau 30.4.1975, họ rời tòa đại sứ, bất đắc dĩ trở thành người Đức.

Tôi xa Hà Nội 16 năm, vẫn nói "về Hà Nội" dù thủ đô của tôi ngày càng ít đẹp, thì Phương (cũng như Nam Phạm[2], một người Mỹ "giấy" mà tôi quen biết đang làm việc trong ngành tài chính ngân hàng ở Boston, MA) lại dùng đại từ chỉ hướng vận động khá trung lập: "trở lại Sài Gòn", "sang Việt Nam", chữ "về" được dùng để chỉ hướng ngược lại, nghĩa là nơi họ mang quốc tịch, như những người ngoại quốc.

Phương, Nam và hàng triệu người khác, họ thật sự lạnh lẽo hay chỉ là sự từ khước, trước những vướng mắc của lịch sử?

Không gọi Việt Nam là chốn về, sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, nhưng Nam dành hầu hết thời gian rảnh cho việc từ thiện, tìm nguồn đầu tư xây trường học cho trẻ em vùng sâu vùng xa, nhà ở cho người thu nhập thấp, cùng bè bạn cấp cả nghìn suất học bổng giúp học sinh nghèo những nơi địa đầu dải đất hình chữ S.

Phương sáng tác bằng ba thứ tiếng, nhưng tiếng Đức – ngôn ngữ mà anh hóm hỉnh gọi là “tiếng mẹ kế” có lẽ là hoàn hảo nhất. Anh nghiên cứu - giảng dạy ngôn ngữ và Đông phương học trường Bonn, chuyên viên các vấn đề kinh tế - xã hội Đông Nam Á cho một trung tâm, rảnh thì dịch thuật, giới thiệu văn học – văn hóa Việt Nam với công chúng Đức. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh đứng ra tập hợp cả những tay viết bên bờ Đông, làm một tờ văn chương vượt lên những cách biệt, chắp nối phần nào tấm bản đồ văn học Việt từng rách nát vì chiến cuộc.

Phương tự thấy mình chẳng thuộc về nền văn hóa nào và vì vậy, anh nhìn Việt Nam an nhiên, thoải mái như mọi quốc gia ở châu Á, không ấm ức, không mắc nợ, không áp lực.

Tâm thức của họ giống như những người bạn ngoại quốc đã đến và trụ lại đây từ ngày “mở cửa”: TS Philippe Papin[3], TS Andrew Hardy[4],  GS. TS Peter Zinoman[5], Veronika Radulovic [6], William Smith[7], TS Thaveeporn Vasavakul[8] …

Những trí thức am tường văn hóa Việt, lặng lẽ, bền bỉ, như thể làm cho riêng họ nhưng lại làm được rất nhiều điều cho xứ sở này, trên mọi phương diện, từ văn hóa, xã hội cho đến kinh tế, phát hiện, gìn giữ những giá trị, mở cho sinh viên và các nhà khoa học một hướng tư duy, lặn lội, đem đến cho vùng sâu vùng xa những cơ hội rất thiết thực khi chúng ta bỏ mặc dân nghèo vất vưởng bên lề công nghiệp hóa hiện đại hóa...

Cá mập, voi hay hoàng tử?

Dù thế, P.D., một vị khoa bảng có hạng ở Hà Nội vẫn phủ nhận: "Tôi chẳng tin vào những người ngoài, họ ngây thơ hoặc thực dụng!". Còn P.D, sau mấy công trình khoa học hoành tráng cấp nhà nước, ông về vườn uống rượu, trước những vấn đề hệ trọng, ông luôn im lặng.

P.D. không phải không có lý. Không ít công ty trong nước vài năm sau cái “bắt tay hợp tác” với các đại gia nước ngoài cay đắng giao toàn quyền kiểm soát cho đối tác sau cuộc đua không cân sức. Trong khi đó thì các Lục Vân Tiên ngây thơ của P.D luôn mang dáng dấp Don Quijote. Họ bị cuốn hút kiểu exotic, yêu và ảo tưởng vào sự “thuộc về”.

Suki Alan, một phụ nữ nhân ái mà tôi đã gặp cách đây 12 năm, có chồng là giáo sư Việt Nam học nổi tiếng của Đại học Quốc gia Úc. Năm 1995, chị rời nước Úc, mang theo 2 đứa con nhỏ, sang Việt Nam phụ trách dự án hỗ trợ y tế cho bà mẹ và trẻ em vùng sâu vùng xa. Đồng nghiệp không ai quên được hình ảnh Suki địu đứa con 14 tháng tuổi trên lưng, đi bộ hơn 15 km đến những vùng hẻo lánh huyện Mèo Vạc, dưới cái nắng tháng 6. Suki kiên quyết chi tiền viện trợ mua xe cấp cứu, thiết bị cứu thương tại tuyến xã, thay vì tổ chức những hội thảo hay những chuyến tham quan xa xỉ cho cán bộ ngành y tế. Ba năm sau, tôi lại chứng kiến những giọt nước mắt cay đắng của Suki khi buộc phải chia tay Việt Nam vì “không hợp cơ chế”, còn nặng nề hơn một cuộc tình tan vỡ.

Quên đi những con cá mập, bỏ qua một bên những người ngoài "ngây thơ" như con voi trong cửa hàng gốm sứ, tuýp anh hùng hành động vì nôn nóng và áp đặt, những nhà quan sát ưa phán xét, những “người ngoài trầm lặng” mà tôi đề cập đến ở đây, càng ở đây lâu thì càng giống nhau một điểm: họ chỉ làm tất cả để mọi thứ trở nên "đỡ tệ hơn", chứ không ảo tưởng vào sự thay đổi tắp lự, thậm chí đó là nhận thức hạn hẹp hay thái độ kỳ thị của người trong cuộc. Họ không có "quyền lợi sát sườn", nên an nhiên trước một tiến trình vận động, dù là rất chậm.

Từ “người ngoài”, họ đã vượt qua cái tình yêu kiểu exotic, để nhập cuộc. Họ, những công dân toàn cầu, chẳng cam kết thề bồi "anh sẽ yêu em dài lâu, anh sẽ yêu em đậm sâu"..., họ làm nhiều hơn những gì mà công việc và đồng lương đòi hỏi, nhưng nếu nhiệm sở dời sang một quốc gia khác, họ sẽ yêu lại từ đầu, hội nhập một nền văn hóa mới, vừa tỉnh táo, vừa nồng nhiệt, y như với mảnh đất này.

Vậy thì đón nhận thay vì nghi kỵ, khi họ ở ngay đây, là cách ứng xử vừa văn minh, vừa thực tiễn. Vài thứ cực kỳ quan trọng trong đời sống của người Việt hôm nay chẳng phải do những công dân toàn cầu như Alexandre de Rhodes[9], Alexandre Yersin[10]... đem lại hay sao?

Câu chuyện của chàng hoàng tử thứ 5 và bài học của tôi

Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui
Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất
Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi

(Thơ Lưu Quang Vũ)

Tôi không nồng nhiệt như Suki, cũng không an nhiên như Phương hay Nam.

Tôi thuộc về nơi này nên tôi có tâm cảm của người trong cuộc. Một thực tế phải đối diện là tôi làm được quá ít so với họ. Tôi đau đớn vì một em bé ngưng thở vì bị cô giáo dán băng keo vào miệng, bé gái bị cậu ruột chặt tay trên thớt, một bé trai bị cha ném vào đống lửa, tôi nổi điên trước những người lớn ác tâm và ngu xuẩn, nhưng tôi chẳng hành động gì ngoài việc bày tỏ thái độ. Nhưng những người ngoài mà tôi vừa kể, chẳng đời nào dừng lại ở đó, ít nhất là họ nghĩ ngay đến việc tìm một tổ chức tài trợ việc nối ngón tay và bác sĩ tâm lý để hàn gắn vết thương tâm trí cho các bé.

Suki, và một số người ngoài đến đây khi vừa “mở cửa”, họ đã tình nguyện “thuộc về” nhưng không thể trụ lại. Dù ngắn ngủi nhưng Việt Nam với họ mãi là nỗi ám ảnh, giống như đôi khi ta không thể nào hiểu nổi vì sao một tha nhân bé nhỏ và bình thường nhất lại khiến ta tổn thương nhiều đến thế. Đơn giản là ta đã dành tất cả cho họ, ta hiến tặng trọn vẹn trái tim mình, rồi đau lòng vì không được như ý.

Tình yêu, nếu dành trọn vẹn cuộc sống của chúng ta cho nó, hình như đều đem về ít nhiều cay đắng. Sự cay đắng ấy là phép thử, nếu bạn vượt qua, bạn sẽ ở một level khác và tạo ra một giá trị mới.

Chợt nhớ câu chuyện cổ tích tôi đọc từ hồi bé tí, kể về 5 hoàng tử muốn cứu cả vương quốc đang bị mụ phù thủy hóa phép biến thành đá, các chàng phải đi lên một ngọn núi để giải phóng con chim quý bị nhốt trong chiếc lồng vàng.

Năm chàng đi mãi thật xa tận cuối chân trời, họ dư thừa lòng dũng cảm nhưng bà tiên vẫn dặn họ rằng: “dù bất kỳ giá nào, cũng không được quay đầu lại”.

Chàng thứ nhất nghe một tiếng gầm của con mãnh thú, nhưng không nhìn thấy nó, chính điều đó khiến anh sợ hãi.

Chàng thứ hai vượt qua mãnh thú, nhưng bị lâu đài tráng lệ và tiếng hát ngọt ngào của bầy tiên nữ, nơi chàng được mời mọc làm quốc vương níu chân.

Chàng thứ ba không sợ hãi, không tham lam, nhưng lại nổi xung vì những tiếng chửi tục tĩu đằng sau lưng.

Chàng thứ tư thì chẳng dễ lung lay vì bất cứ điều gì, trừ tiếng kêu cứu thảm thiết của một em bé.

Cả bốn chàng đều hóa đá.

Chàng thứ năm vượt qua tất cả những điều trên, thả chim quý, giải lời nguyền cho cả vương quốc, nhưng chàng bỏ lại cả công chúa lẫn vương quốc cho bốn người anh của mình.

Dù bất kỳ giá nào, cũng không được quay đầu lại”, câu nói ấy đang vang lên, nhắc tôi đừng để mình hóa đá, dù cuối cùng chẳng phải để thuộc về hay giữ lại bất cứ điều gì.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.