Vẫn khẳng định không có bằng chứng vắc xin Quinvaxem gây tử vong

30/11/2013 03:00 GMT+7

Ngày 29.11, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo về Truyền thông trong công tác tiêm chủng mở rộng do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức.

Vẫn khẳng định không có bằng chứng vắc xin Quinvaxem gây tử vong
 Trước dư luận về yếu tố thiếu đảm bảo an toàn của vắc xin Quinvaxem, nhiều bậc cha mẹ ở Đà Nẵng đã chọn giải pháp tiêm vắc xin dịch vụ - Ảnh: Diệu Hiền

Theo Cục Y tế dự phòng, sau 28 năm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là điểm sáng về tiêm chủng, sớm đạt mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe trẻ em. Đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm miễn phí 11 loại vắc xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tác động của thông tin về phản ứng sau tiêm chủng đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng và lòng tin của cộng đồng đối với công tác tiêm chủng, cán bộ y tế lo ngại trong quá trình triển khai công tác tiêm chủng mở rộng.  

Trả lời PV về tỷ lệ tử vong của trẻ sau khi tiêm vắc xin, GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cho hay, tính từ năm 2005 đến nay, bình quân trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin mỗi năm từ 10-15 trường hợp. Tuy nhiên, theo ông Hiển, tỷ lệ trẻ tử vong trước khi triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem và sau khi triển khai chương trình này là không thay đổi.

Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ cũng cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy trẻ tử vong do tiêm vắc xin Quinvaxem. “Ngành y tế trong thời gian qua cũng đã rất nỗ lực trong việc tìm ra được nguyên nhân của trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin có liên quan đến vắc xin hay không, thậm chí mời chuyên gia Ủy ban Tiêm chủng toàn cầu để phối hợp tìm nguyên nhân nhưng vẫn chưa có bằng chứng gì khẳng định”, ông Hiển nói thêm.

Theo con số mà Viện Vệ sinh dịch tễ đưa ra: từ tháng 7.2010 đến tháng 4.2013 có 43 trường hợp sốc phản vệ và 27 tử vong sau tiêm (nhưng được kết luận nguyên nhân tử vong là không phải do vắc xin). Có 9 trường hợp liên quan đến vắc xin nhưng đều được cứu, và nguyên nhân cho thấy do cơ địa trẻ không thích ứng với vắc xin. Theo Viện này thì 9 trường hợp bị sốc vắc xin/12 triệu trường hợp được tiêm trong gần 3 năm là tỷ lệ không quá lớn.

Khi PV đặt câu hỏi về việc liệu ngành y tế có thay đổi vắc xin thế hệ mới trước tình hình có những mối nghi ngờ về vắc xin Quinvaxem, ông Hiển cho rằng: “Chúng tôi rất muốn mang đến cho trẻ em Việt Nam vắc xin thế hệ mới nhất, nhưng cũng cần phải đánh giá vấn đề về tài chính. Bên cạnh đó, chưa hề tìm được nguyên nhân nào nói tử vong là do tiêm vắc xin Quinvaxem nên chúng tôi không thể ngưng và thay đổi vắc xin mà không có lý do nào chính đáng. Chúng tôi sẽ cải tiến nâng cao hơn nữa chất lượng điều tra, giám sát sau khi tiêm, để sớm tìm ra kết luận, công bố cho cộng đồng những bằng chứng khoa học xác thực!”.

Diệu Hiền

 >> Thêm một bé gái tử vong sau tiêm ngừa vắc xin Quinvaxem
>> Phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem
>> Tăng cường giám sát phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem
>> Lo ngay ngáy khi tiêm lại vắc xin Quinvaxem

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.