Sông Sài Gòn bị giết

27/11/2013 09:00 GMT+7

Nếu không có giải pháp kịp thời, ô nhiễm có thể sẽ giết chết dòng sông này. Đó là nội dung hội thảo do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM tổ chức hôm qua (26.11) tại TP.HCM với sự tham dự của nhiều nhà khoa học.

Sông Sài Gòn  bị giết

Không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm mà cảnh quan sông Sài Gòn cũng bị xấu đi do có quá nhiều rác thải trên sông. Ảnh chụp đoạn sông đi qua trung tâm thành phố - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Sông Sài Gòn  bị giết

Nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra sông Sài Gòn - Ảnh chụp trên địa bàn P.An Phú Đông, Q.12 

Tại hội thảo, GS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết kết quả phân tích các mẫu nước trong hai đợt khảo sát mùa mưa năm 2011 và mùa khô năm 2012 dọc tuyến sông Sài Gòn, từ cầu Bến Súc đến cầu Phú Mỹ (tổng cộng 10 vị trí) cho thấy chất lượng nước không đạt quy chuẩn Việt Nam. Hiện nay, để có thể cấp nước ổn định trong mùa khô, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) phải phối hợp thường xuyên với đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn trong 3 tháng mùa khô.

Mọi chất thải đều ra... sông 

 

Nước thải từ các bệnh viện thường được đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của thành phố và sau đó thải ra sông rạch. Điều này góp phần làm cho nước thải đô thị của thành phố có mức độ ô nhiễm cao hơn, đặc biệt là các thông số vi sinh và vi trùng gây bệnh

Theo phân tích của GS Phước, càng lùi về phía hạ nguồn, chất lượng nước sông Sài Gòn càng suy giảm do bị ảnh hưởng mạnh bởi nước thải sinh hoạt và công nghiệp từ TP.HCM và tỉnh Bình Dương đổ ra. Trong đó, nước thải sinh hoạt là nguồn gây ô nhiễm đáng kể nhất, chiếm đến 62,2% tổng lưu lượng thải ra sông Sài Gòn. Các kênh rạch mang chất thải đổ thẳng ra sông cũng khiến cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước con sông lớn nhất đi qua TP.HCM trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, trên lưu vực sông Sài Gòn còn có gần 50 khu công nghiệp và cụm công nghiệp đang hoạt động, với tổng lượng nước thải khoảng hơn 100.000 m3/ngày đêm. Mặc dù hầu hết các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đấu nối mà xả nước thải trực tiếp ra bên ngoài. Tiếp theo là các cơ sở công nghiệp phân tán nhỏ nằm lẫn trong khu dân cư đô thị cũng thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch. Đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương, khu vực Lái Thiêu, tình trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng vì phải tiếp nhận nước thải từ một số nhà máy sản xuất gốm sứ, gạch và các quán nhậu ven sông. Hầu như các điểm sản xuất kinh doanh này đều xả tất cả những gì dư thừa ra sông Sài Gòn.

Một nguồn nước thải khác, dù tổng lượng không nhiều, khoảng 10.142 m3/ngày đêm, nhưng cực kỳ nguy hiểm, phát sinh từ các bệnh viện, cơ sở y tế. Hiện nay, trong số 139 cơ sở y tế đang hoạt động có 48 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, còn lại 91 bệnh viện, cơ sở y tế chưa có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu. Nước thải từ các bệnh viện thường được đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của thành phố và sau đó thải ra sông rạch. Điều này góp phần làm cho nước thải đô thị của thành phố có mức độ ô nhiễm cao hơn, đặc biệt là các thông số vi sinh và vi trùng gây bệnh.

Cũng chứa nhiều vi khuẩn, vi trùng gây bệnh là nước thải chăn nuôi, thường có mức độ ô nhiễm hữu cơ cao. Trong số các đàn vật nuôi trên địa bàn thành phố, đáng quan tâm hơn cả là nước thải chăn nuôi heo vì đây là nguồn thải tương đối lớn và tập trung. Uớc tính tổng lượng nước thải chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố khoảng 950.059 m3/năm, tương ứng với khoảng 2.604 m3/ngày đêm.

“Cứu lấy sông Sài Gòn”

 

Về giải pháp căn cơ, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, đề xuất kiến nghị với Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (sông Sài Gòn nằm trong lưu vực này) để tạo điều kiện pháp lý cho các bộ ngành và các địa phương trong lưu vực thực hiện, bởi quy hoạch này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững không chỉ cho toàn lưu vực mà cho từng địa phương trên lưu vực. 

Đề cập đến chuyện xây dựng quá nhiều đập thủy điện trên thượng nguồn, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, đặt vấn đề: "Có phải có quá nhiều thủy điện so với sức chịu đựng của dòng sông hay không?". Ông phân tích: "Rõ ràng thủy điện làm mất đi một diện tích rừng không nhỏ, chính vì thế đã tác động làm thay đổi đa dạng sinh học, hệ sinh thái và gây nên lũ lụt như hiện nay. Theo nghiên cứu của chúng tôi, lượng nước giữa mùa mưa và mùa khô hiện nay chênh lệch nhau rất nhiều, 80% vào mùa mưa và 20% vào mùa khô. Những năm mùa mưa đến muộn hoặc lượng mưa ít, các hồ đập thủy điện, thủy lợi không tích đủ nước cho mùa khô, thì làm sao có dư nước để xả xuống đẩy ô nhiễm".

Ông Nguyễn Ngọc Anh (Hội Thủy lợi TP.HCM) cho rằng, nói cứu lấy sông Sài Gòn chỉ là cứu phần ngọn, còn phần gốc là cả lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Với sông Sài Gòn, ông đề nghị ưu tiên cứu nguồn nước tại khu vực các điểm lấy nước của các nhà máy cấp nước cho TP.HCM và tỉnh Bình Dương, đồng thời cứu lấy cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông, hiện đang bị tình trạng lấn chiếm và xả rác. Để cứu nguồn nước, nên đan dày các trạm quan trắc và tăng cường lượng xả từ các hồ chứa từ thượng nguồn xuống để đẩy ô nhiễm và đẩy mặn thâm nhập.

Ông Phan Minh Tân cũng đề xuất xây dựng hệ thống quan trắc tự động dọc theo lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, mỗi địa phương có ít nhất 2 - 3 trạm, như thế số liệu sẽ được cập nhật 24/24, biết chỗ nào "sổ mũi, nhức đầu" để có cách chữa.

Mai Vọng

>> Phát hiện một công ty xả nhớt thải ra sông Sài Gòn
>> Dời ô nhiễm từ kênh ra sông Sài Gòn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.