Không xử lý được nhà máy gây ô nhiễm thì di dời... dân!

28/11/2013 03:05 GMT+7

Ngày 27.11, tại xã Vĩnh Phương, UBND TP.Nha Trang cùng các sở, ngành của tỉnh Khánh Hòa đã có buổi làm việc với hơn 60 hộ dân thôn Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương), thông báo kết quả quan trắc môi trường đối với hoạt động của Nhà máy chế biến tách cọng thuốc lá (Công ty thuốc lá nguyên liệu Khatoco).

Ngày 27.11, tại xã Vĩnh Phương, UBND TP.Nha Trang cùng các sở, ngành của tỉnh Khánh Hòa đã có buổi làm việc với hơn 60 hộ dân thôn Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương), thông báo kết quả quan trắc môi trường đối với hoạt động của Nhà máy chế biến tách cọng thuốc lá (Công ty thuốc lá nguyên liệu Khatoco).

 Không xử lý được nhà máy gây ô nhiễm thì di dời... dân !
Người dân nhiều lần tập trung tại Công ty thuốc lá nguyên liệu Khatoco yêu cầu khắc phục ô nhiễm - Ảnh: Nguyễn Chung

Như Thanh Niên đã thông tin, cuối năm 2012, nhà máy này chính thức hoạt động và đã bị người dân phản ứng vì gây ô nhiễm môi trường. Sau khi xác minh, chính quyền tỉnh đã yêu cầu nhà máy khẩn trương khắc phục tình trạng gây ô nhiễm và đơn vị này cũng đã thực hiện một số biện pháp như đưa hệ thống nồi hơi (là nơi phát ra tiếng ồn, có bụi than bay ra) cách xa nhà dân 100 m; xây dựng tường che chắn với khu dân cư; lắp đặt các máy khử mùi, khử bụi, hệ thống tiêu và cách âm. Tuy nhiên, người dân cho rằng việc xử lý ô nhiễm vẫn chưa triệt để. “Bụi và tiếng ồn có giảm nhưng mùi thuốc lá còn nhiều, khiến ai nấy đều bị đau đầu, khó thở”, bà Lê Thị Thiệt (53 tuổi) nói. Nhưng lý giải về điều này, lãnh đạo Công ty thuốc lá nguyên liệu Khatoco cho rằng nhà máy nằm sát khu dân cư nên việc giải quyết triệt để là rất khó.

Tại buổi làm việc hôm qua, ông Lê Huy Toàn, Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang thông báo đến người dân về việc UBND tỉnh đang xem xét di dời các hộ dân gần nhà máy để xây dựng vành đai an toàn. Dự kiến có 55 hộ với 259 khẩu ở khu vực này sẽ phải di dời. Trước thông tin này, nhiều người dân đã phản ứng. Ông Hồ Xuân Lâm bức xúc: “Sao trước khi xây dựng nhà máy lại xây cách khu dân cư chỉ 1 - 2 m? Bây giờ nhà máy gây ô nhiễm thì dân phải di dời, vậy nhà máy quan trọng hơn dân hay sao?”. Cụ Nguyễn Thị Gủi (92 tuổi) nói: “Người dân sinh sống ở đây đã hàng trăm năm, còn nhà máy thì mới có. Tôi sẽ không đi đâu cả”.

Theo ông Lê Huy Toàn, từ năm 2004, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp vừa và nhỏ Đắc Lộc. Theo đó, khu đất các hộ dân tiếp giáp với nhà máy là khu dự trữ phát triển của khu công nghiệp. Khu công nghiệp gần khu dân cư, có thể mùi, bụi trong giới hạn cho phép nhưng về lâu dài cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Do đó tỉnh đã đưa ra phương án di dời dân.

Dời dân đến nơi tốt hơn

 

Tại buổi đối thoại với người dân ngày 19.7 cũng liên quan đến việc nhà máy chế biến tách cọng thuốc lá gây ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng đã đề cập đến việc di dời dân khu vực này. “Tôi đến thôn Đắc Lộc và nhận thấy đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Mong muốn của tôi là di dời bà con đến một nơi khác. Đó phải là nơi tốt hơn cho dân về nhiều mặt, nếu không tốt hơn thì không làm”, ông Thắng nói.

 

Nguyễn Chung

>> Nghẹt cống gây ô nhiễm môi trường
>> Dân TP.HCM than phiền vì ô nhiễm môi trường
>> 2 công ty chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường
>> Nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
>> Doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.