'Luật gia' nông dân

24/11/2013 03:20 GMT+7

Từ nhiều năm qua, căn nhà của ông Nguyễn Phú Khai (nằm trên QL 80, đoạn khóm Phú Hòa, thị trấn Cái Tàu Hạ, H.Châu Thành, Đồng Tháp) ngày nào cũng có đông người từ các tỉnh lân cận đến nhờ ông viết đơn, tư vấn pháp luật giúp...

Căn nhà của ông Khai thường xuyên có người đến nhờ tư vấn pháp luật d
Căn nhà của ông Khai thường xuyên có người đến nhờ tư vấn pháp luật 

Ở cái tuổi gần 60, mái đầu điểm bạc, nhưng trông ông rất khỏe mạnh, giọng nói dõng dạc, đọc vanh vách các điều luật về đất đai, khiếu nại tố cáo…  

Từ cãi quyết định 'ngang xương'...

Chuyện bắt đầu năm 2004, khi UBND H.Châu Thành (Đồng Tháp) công bố quy hoạch 9,6 công đất xây dựng trụ sở công an huyện, trong đó có gần 3 công đất vườn, nhà ở của ông cùng 7 hộ dân bên cạnh. Tháng 8.2004, sau khi khảo sát, kiểm kê, áp giá bồi hoàn, UBND huyện ra quyết định thu hồi đất với 3 công đất trồng nhãn. Đang sống yên ổn, bất ngờ cho ông và bà con nơi đây nhận quyết định nêu trong vòng 10 ngày phải tháo dỡ nhà cửa và giao đất cho đơn vị thi công, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Lúc đó ông chưa hiểu biết gì về luật lệ (thời trẻ ông học trung cấp về thể dục thể thao trước khi về làm vườn) chỉ cảm thấy quyết định “ngang xương” như vậy khó cho dân quá. Ông và bà con chưa ai nhận tiền, chưa có chỗ ở mới mà phải giao đất thì hơn 30 người của 8 hộ sẽ đi đâu, ở đâu?


Hơn 5 năm trời đi đòi công lý, mảnh đất và căn nhà tưởng chừng bị mất đi nay cũng đã thuộc
về mình - Ảnh: Thanh Đức

Năm lần bảy lượt gửi đơn khiếu kiện đi hết huyện rồi tới tỉnh, không nghe thấy hồi âm. Ông lân la hỏi thăm mấy anh cán bộ, mới biết mình làm đơn lòng vòng quá, người ta đọc hoài mà không biết mình nói cái gì, căn cứ quy định nào nên không biết hướng giải quyết. Rồi ông tự mua các văn bản pháp luật về đất đai, về luật Khiếu nại - tố cáo, quyết chí nghiên cứu để bắt đầu hành trình đi kiện.

Không nản chí, ông bỏ ra cả năm trời tìm hiểu, đọc hết tài liệu liên quan tới đất đai, quy hoạch, đền bù, giải tỏa; mua máy tính nhờ con trai đang học lớp 12 dạy cách gõ văn bản, lên mạng truy cập thông tin. Ông mày mò tự viết đơn, gọt giũa câu cú gọn ghẽ, lấy văn bản, quy định đưa vào tờ tường trình, đơn khiếu nại. Lần lượt, ông chứng minh cho UBND tỉnh Đồng Tháp thấy những chỗ huyện làm sai. Như việc UBND huyện ra quyết định thu hồi đất khi chưa có công khai quy hoạch. Rồi đầu năm 2003 nói là quy hoạch xây dựng bệnh viện huyện, cuối năm lại thông báo xây dựng trụ sở công an huyện. Đến chuyện không giải quyết bố trí tái định cư, giá đất bồi hoàn sai với khung điều chỉnh năm 2004 là quá thiệt thòi cho dân. Ông còn phát hiện huyện thu hồi đất sai so với vị trí phương án được phê duyệt. Bằng sự khéo léo của mình, ông tìm được quyết định phê duyệt phương án xây dựng trụ sở làm việc của công an huyện tại ấp Phú Mỹ chứ không phải ấp Phú Hòa như thông báo.

Cầm những tài liệu đó, ông kiên trì đến phòng tiếp dân đăng ký xin gặp lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Ông nhớ như in: “Mãi tới ngày 16.8.2005, tôi mới được gặp ông Trương Ngọc Hân, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp lúc bấy giờ. Nghe tôi đại diện trình bày việc khiếu nại xong, ông Hân đã chỉ đạo thanh tra tỉnh phúc tra và báo cáo trong thời hạn 30 ngày. Nhưng vào những ngày chờ gặp lãnh đạo tỉnh, UBND H.Châu Thành đã cử lực lượng cưỡng chế gần 80 người, đưa máy cưa tới đốn cây, buộc dân phải giao đất”.

Gặp chủ tịch tỉnh trở về

thì vườn nhà ông và bà con đã tan hoang xơ xác. Thế là ông phải bỏ ra nhiều tháng trời nghiên cứu thêm tài liệu. Đầu năm 2006, ông khăn gói lên đường ra Hà Nội, xách theo đủ hồ sơ tài liệu, chứng cứ liên quan.

Một ngày đầu năm 2008, đích thân ông Lê Minh Hoan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (nay là Chủ tịch) đến tận nhà bắt tay ông Khai và làm việc với 7 hộ dân khiếu nại. Ông Hoan ghi nhận hết nguyện vọng của dân và đề nghị thay đổi quy hoạch theo hướng chừa lại phần đất giáp quốc lộ cho dân, chỉ lấy phần đất phía trong để tiếp tục xây dựng trụ sở Công an H.Châu Thành. Ngày 29.6.2009, UBND tỉnh Đồng Tháp ra quyết định trả lại đất cho dân, xác định lại ranh giới xây dựng trụ sở Công an huyện, xác định thiệt hại của dân để tính bồi thường, trả tiền bồi thường nâng cấp cải tạo quốc lộ 80. Phần đất nào bị quy hoạch thì bồi thường theo thời điểm có khung giá mới. Cầm quyết định trong tay, ông Khai và bà con ôm nhau mừng muốn khóc. Hơn 5 năm trời kiên trì khiếu nại được đền bù xứng đáng.

... đến tư vấn luật miễn phí

Lần nào đến nhà ông Khai, chúng tôi cũng thấy có người đến tìm nhờ ông tư vấn pháp luật. Đang ngồi trò chuyện bên tách trà nóng, phía ngoài cửa có người đến. Một ông già tuổi đã ngoài 70, kè kè bên mình một cái cặp nặng trĩu. Ông Khai vui vẻ mời vào, với giọng nói cởi mở, phút chốc, ông Nguyễn Ngọc Diệp (74 tuổi, ngụ P.Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc) tay run run lấy ra từ trong cặp mớ hồ sơ dày cộm khiếu nại về việc UBND thị xã Sa Đéc lấy đất làm bến tàu vận chuyển hoa kiểng bồi hoàn giá quá thấp, gây thiệt hại cho ông. Qua lời trình bày, ông Khai đã hiểu ngay được vấn đề và tư vấn cho ông Diệp cách viết đơn thư khiếu nại, trình tự thủ tục… Viết đơn phải ngắn gọn và phải chỉ ra được cái chưa hợp lý từ các điều luật để cơ quan chức năng xem xét mà giải quyết thấu tình đạt lý. Hiểu ra vấn đề, ông Diệp cám ơn rối rít…

Vừa tư vấn cho ông Diệp xong, phía bên kia có người ngồi chờ đến lượt. Lần này là một người dân ở tỉnh Vĩnh Long đến nhờ ông Khai tư vấn việc giải tỏa áp giá bồi hoàn thấp thì khiếu nại ở đâu, cơ quan nào thụ lý. Chỉ nghe vài lời trình bày, ông Khai đã hiểu được vấn đề. “Nếu muốn thu hồi đất của người dân, trước hết UBND tỉnh phải có quyết định thu hồi tổng thể, sau đó UBND huyện ra quyết định thu hồi từng hộ vì nơi nào cấp thì nơi đó thu hồi mới đúng trình tự thủ tục. Chủ trương  của nhà nước là tạo điều kiện cho người dân vùng giải tỏa có chỗ ở mới bằng hoặc hơn. Nếu thấy có gì bất hợp lý thì mình đi tìm lời giải đáp từ các cơ quan chức năng...”, ông Khai giải thích.

Trong lúc tư vấn cho người dân tại nhà, thỉnh thoảng có chuông điện thoại reo lên. Ông Khai lại vui vẻ tư vấn qua điện thoại cũng với những lời khuyên phải làm đúng trình tự thủ tục và áp dụng đúng các điều khoản trong luật. Nếu có vấn đề gì rắc rối, ông hẹn đến nhà hoặc ông đi đến tận nơi để tìm hiểu vấn đề. Tất nhiên, tất cả mọi việc ông đều…miễn phí. 

Giúp đỡ gần 200 người

Tính đến nay, gần 10 năm tự mày mò nghiên cứu tài liệu, văn bản pháp luật, ông Khai đã giúp đỡ cho gần 200 người ở nhiều tỉnh miền Tây và miền Đông. “Miễn phí hết. Mình từng là người trong cuộc nên hiểu rõ nỗi khổ của người đi kiện. Oan ức, tức giận, lo lắng, hoang mang... đủ thứ. Có người bế tắc nhưng khi gặp mình chia sẻ, họ nhẹ nhõm, thấy có lối ra và không còn muốn chết nữa. Cái đó quý hơn tiền bạc nhiều”, ông Khai bộc bạch.

Thanh Đức

>> Hội nghị luật gia quốc tế
>> Tư vấn luật cho phạm nhân sắp hòa nhập cộng đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.