Công nhân với nỗi lo trông con

23/11/2013 15:41 GMT+7

(TNO) Bậc làm cha mẹ ai cũng muốn con mình được phát triển trong môi trường tốt nhất. Thế nhưng, đối với những người công nhân xa xứ tại TP.HCM thì việc chăm sóc con tử tế là điều không dễ.

 Công nhân và muôn nỗi trông con 1
Xóm trọ công nhân luôn nhộn nhịp với cảnh bà cháu 

Thêm 1 miệng ăn, bớt 1 người làm

Ở phường Linh Xuân, quận Thủ  Đức, TP.HCM, tập trung rất nhiều dãy nhà trọ của công nhân. Ở đây, ban ngay vắng bóng công nhân nhưng tiếng trẻ thơ thì không bao giờ ngớt.

Chị Nông Thị Thu (quê Tuyên Quang) làm công nhân được 4 năm. Đầu năm nay chị sinh em bé nên buộc phải nghỉ làm ở nhà trông con.

 
Gửi con về quê tuy có thể rảnh tay đi làm nhưng đêm về nhớ con lắm. Hai vợ chồng đi từ Tết đến giờ chưa được gặp con, nhiều bữa đi làm về thấy trẻ con chơi mà nhớ con mình
Chị Đỗ Hải Hà

Bây giờ cả gia đình sống dựa vào lương của chồng nên cuộc sống trở nên khó khăn hơn.

Chị Thu tâm sự: “Sinh con ra là thêm một miệng ăn và bớt đi một người làm. Đời công nhân đã khổ lại càng khổ hơn. Giờ phải tiết kiệm từng tí phòng lúc con ốm đau”.

Nghỉ việc, sau này đi làm lại sẽ rất thiệt thòi, mất hết những quyền lợi trước đó. Nhưng với chị Thu thì không còn cách nào khác.

Chị cho biết: “Trừ khi có người ở quê vào giữ cháu chứ giờ mang đi nhỏ quá người ta không nhận. Nhiều nơi treo bảng nhận trẻ từ 1 tuổi nhưng tới phải 14-15 tháng người ta mới nhận. Không ai muốn nhận các cháu nào yếu quá vì con mình đi chưa vững”.

“Đời công nhân vất vả lắm nhất là khi sinh con ra mà không có ai trông để đi làm” chị Thu vừa nói, vừa nũng lên má của con mình.

Còn vợ chồng chị Đỗ Hải Hà (quê huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có con vừa cai sữa là anh chị quyết định gửi con về quê cho ông bà nuôi. 

Chị Hà tâm sự: “Gửi con về quê nhờ ông bà trông hộ tuy có thể rảnh tay đi làm nhưng đêm về nhớ con lắm. Hai vợ chồng đi từ tết đến giờ chưa được gặp con, nhiều bữa đi làm về thấy trẻ con chơi mà nhớ con mình”.

Công nhân và muôn nỗi trông con 3
Nhiều nữ công nhân phải nghỉ làm ở nhà trông con

Nhờ ông bà vào trông hộ

Nhiều công nhân xem giải pháp cuối cùng là “cầu cứu” ông bà ở quê vào trông cháu. Khi có ông bà trông họ có thể yên tâm đi làm, nhưng nhẹ đầu này lại nặng gánh đầu kia.

 

“Thương con thương cháu nên phải vào, không ai trông cháu bằng bà. Nhưng đi rồi để ông một mình ở quê với ruộng vườn cũng không yên. Đợt bão vừa rồi ở đây chơi với cháu mà bụng dạ bồn chồn không yên”, Bà Lê Thị Loan (61 tuổi, quê Hà Tĩnh)

Bà Lê Thị Loan (61 tuổi, xã Hương Lĩnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vào trông cháu nội, tâm sự: “Thương con, thương cháu nên phải vào, không ai trông cháu bằng bà. Nhưng đi rồi để ông một mình ở quê với ruộng vườn cũng không yên. Đợt bão vừa rồi ở đây chơi với cháu mà bụng dạ bồn chồn không yên”.

Anh Nguyễn Quang Thông (quê Quảng Bình, tạm trú 44/8, KP.6, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) nhờ bà vào trông cháu nhưng không nỡ để ông ở quê một mình nên đã rước cả hai ông bà vào giữ cháu.

Bây giờ, ngoài nuôi con, hai vợ chồng anh còn gồng gánh phụ thêm cho cả hai ông bà. Tất cả 5 người ở trong 1 căn nhà trọ công nhân chỉ vỏn vẹn 12 m2.

Anh Thông tâm sự: “Phải chấp nhận thôi biết sao bây giờ. Có ông bà cũng vui. Giờ đi gửi trẻ cũng tốn tiền ngang ngửa vậy à, lại mất công đưa đón lúc tăng ca mà không an tâm”.

Chính vì vậy dù có tăng ca về trễ thì xóm trọ công nhân vẫn luôn không ngớt tiếng chơi đùa của trẻ nhỏ và tiếng của bà hát ru cháu hằng ngày.

Bài, ảnh: Hữu Thành

>> Vụ bảo mẫu hành hạ bé 18 tháng tuổi chết thảm: Những câu hỏi 'mẹ đâu?' cứ vang vọng
>> Bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu hành hạ chết: Nỗi đau tột cùng của cha mẹ
>> Cháu bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu hành hạ chết thảm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.