Hà Nội 'thừa' và 'thiếu' nhà vệ sinh

20/11/2013 08:38 GMT+7

Quyết định của UBND thành phố Hà Nội về việc xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép trị giá 15 tỉ đồng đã gây nhiều băn khoăn trong dư luận.

Quyết định của UBND thành phố Hà Nội về việc xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép trị giá 15 tỉ đồng đã gây nhiều băn khoăn trong dư luận.

Hà Nội “thừa” và “thiếu” nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh trước cổng Bến xe Mỹ Đình thành quầy bán nước - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Theo quyết định này, 14 nhà vệ sinh bằng thép gồm 10 'nhà' hai buồng, bốn 'nhà' bốn buồng sẽ được lắp đặt ở các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Đông Anh. Ban Quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội sẽ được giao làm chủ đầu tư.

Tổng đầu tư của dự án là 14,9 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng 1,1 tỉ đồng, chi phí thiết bị 11,3 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án 235 triệu đồng, tư vấn 485 triệu đồng, chi phí khác 874 triệu đồng và chi phí dự phòng 904 triệu đồng.

Trong khi đó, theo khảo sát của Thanh Niên, trên địa bàn Hà Nội hiện đã có nhiều nhà vệ sinh bằng thép nhưng đang vắng khách. Tại Bờ Hồ, cả bốn nhà vệ sinh quanh hồ luôn vắng vẻ. Anh Dũng, nhân viên trông coi một nhà vệ sinh ở đường Lê Thái Tổ cho biết: Mỗi ngày, có khoảng 80 - 100 lượt khách, những ngày mưa gió chỉ 20 - 30 khách.

Cách đó chừng 500 m, nhà vệ sinh trên phố Hàng Khay còn thưa người hơn, mỗi ngày không quá 50 lượt khách. Nằm lọt trong bãi đỗ xe gần cây xăng Bác Cổ, nhà vệ sinh trên đường Trần Khánh Dư rất khó nhìn thấy; khách chủ yếu là lái, phụ xe buýt dừng đỗ tại khu vực này, người dân thì dường như không có.

Tại đường Thanh Niên, hai nhà vệ sinh cách nhau chừng hơn 100 m ngay đường ven hồ cũng vắng khách, các nhân viên trông coi nhà vệ sinh không có việc làm nên chỉ ngồi hóng gió. Tại cổng chính Bến xe Mỹ Đình, một nhà vệ sinh bằng thép bốn buồng nhưng chỉ hai buồng hoạt động.

Nhân viên trông nhà vệ sinh này cho hay: Cả tuần chỉ có ngày thứ bảy đông khách còn rất vắng khách nên đóng bớt cho dễ quản lý, tiện thể ngồi bán nước. Theo quan sát của PV, một phần của nhà vệ sinh này cũng được trưng dụng thành nơi chứa đồ. Còn nhà vệ sinh ở đường Nguyễn Chí Thanh thì cửa khóa cả ngày.

Ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Truyền thông Công ty TNHH Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, tại bốn quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, có 310 nhà vệ sinh do công ty quản lý. Hầu hết các nhà vệ sinh này được xây dựng từ hơn chục năm nay, có vòi xịt nước, đèn điện… đảm bảo sạch sẽ, có nhân viên trông coi, hưởng lương hằng tháng. Tuy nhiên, về số lượng nhà vệ sinh đại diện công ty kể trên “chưa biết thế là nào là đủ hay chưa đủ”.

Tại cuộc giao ban của Thành ủy Hà Nội chiều 19.11, ông Hoàng Nam Sơn, Phó giám đốc Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội lý giải: Mức đầu tư cao lên đến gần 15 tỉ như vậy vì nhà vệ sinh mới sẽ có thiết bị khử mùi tự động, xử lý thông gió, điện, nước… hiện đại dù không khác biệt nhiều so với nhà vệ sinh thông thường. Các thiết bị được lắp đặt trong các nhà vệ sinh mới cũng do nhà sản xuất cung cấp đồng bộ theo đơn đặt hàng và phải đợi đấu thầu được rồi mới sản xuất chứ không sản xuất hàng loạt. Cụ thể, nhà vệ sinh bốn buồng có giá khoảng 900 triệu đồng, loại hai buồng khoảng 600 triệu đồng.

Hiện tại, Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội mới báo cáo UBND thành phố để chấp thuận về chủ trương đầu tư do dự án này cũng chưa được phê duyệt nên cũng chưa tổ chức đấu thầu. Ông Sơn cũng lý giải sở dĩ các nhà vệ sinh bằng thép vắng khách là do “ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường còn kém”.

Nguyễn Tuấn

>> Hà Nội chi 15 tỉ đồng làm 14 nhà vệ sinh công cộng
>> Khốn khổ vì nhà vệ sinh công cộng
>> Quá hiếm nhà vệ sinh công cộng
>> Đoạt Euréka nhờ... nhà vệ sinh công cộng!
>> Nhà vệ sinh công cộng cho... cún
>> Nhân viên bảo vệ chết trong nhà vệ sinh cộng cộng
>> Xây nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch
>> Nỗi ám ảnh nhà vệ sinh công cộng
>> “Đỏ mắt” tìm nhà vệ sinh công cộng ở Đà Lạt
>> Thái Lan lo ngại về nhà vệ sinh công cộng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.