Thủy điện giết sông - Kỳ 3: Chủ đầu tư chỉ tính toán qua loa

20/11/2013 03:05 GMT+7

Đập thủy điện cắm dày đặc trên cùng một dòng sông, thay đổi dòng chảy, không trả nước về sông mẹ... đã biến nhiều nhánh sông thành sông chết, giao thông thủy bị chia cắt, tăng xói lở cho vùng hạ lưu.

 Thủy điện Sông Ba Hạ
Thủy điện Sông Ba Hạ làm thay đổi dòng chảy khiến đất sản xuất của người dân khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, H.Sơn Hòa, Phú Yên bị xói lở và sông Ba trơ đáy vào mùa khô - Ảnh: Đ.Huy

Theo PGS-TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, đa số chủ đầu tư các thủy điện vừa và nhỏ chỉ chú ý đến lợi ích phát điện, chứ không chú ý đến lợi ích tổng hợp công trình và các lợi ích khác. Ông Huỳnh cho rằng, để nâng cao hiệu quả phát điện, chủ đầu tư thường xây dựng công trình kiểu đường dẫn (sử dụng đường ống áp lực hoặc đường hầm dẫn nước từ trên cao cắt tắt qua một đoạn sông để chuyển đến một vị trí khác, ở thấp hơn để tạo đầu nước lớn phát điện). Tình trạng này phổ biến trong các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên các sông suối nhỏ ở miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên khiến dòng sông tự nhiên bị cắt từng khúc nhỏ, tạo ra các đoạn sông “chết” sau các đập.

“Chỉ đối phó quy định”

Ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), nhận định các đập thủy điện thường không tuân thủ hoặc chỉ đối phó quy định dòng chảy môi trường tối thiểu. Kết quả xem xét của Viện CODE đối với thủy điện thượng Kon Tum (chưa tích nước vận hành) cho thấy, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư chỉ tính dòng chảy tối thiểu là 0,5 m3/giây. Với lưu lượng như vậy, 20 km sông phía sau đập sẽ là dòng sông chết. UBND Kon Tum đã nhận ra và yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh điều chỉnh lại dòng chảy tối thiểu lên hơn 20 m3/giây, cao gấp hơn 40 lần.

“Với các thủy điện chuyển dòng, quan trọng nhất là xác định dòng chảy tối thiểu vào mùa kiệt, dung lượng tối thiểu bắt buộc các công ty thủy điện phải xả nước. Nhưng thời gian qua các chủ đầu tư chỉ tính toán qua loa, xu hướng là xả càng ít càng tốt để tích nước phát điện. Trong khi cơ quan quản lý xác định dòng chảy môi trường còn thiếu tính toán khoa học, kết quả thẩm định chưa cao, không chính xác”, ông Tú nhận định và nhấn mạnh khi cấp phép xây dựng đập thủy điện cần đặc biệt hạn chế sử dụng biện pháp chuyển dòng, phá hệ sinh thái của khúc sông ngay sau đập. “Việc chuyển dòng nếu có chỉ được thực hiện khi có nghiên cứu đầy đủ ảnh hưởng tác động đến môi trường sinh thái, đánh giá tính toán dòng chảy môi trường tối thiểu, hỗ trợ sinh kế tích cực cho người dân sau khúc sông chuyển dòng. Từ trước đến nay trong hỗ trợ tái định cư chỉ đền bù cho người ở thượng nguồn của đập bị thu hồi đất, chưa quan tâm đến những người sống dưới hạ lưu, đặc biệt là sau đập chuyển dòng, đó là những người bị ảnh hưởng rất lớn”, ông Tú nói.

Ở khía cạnh khác, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên và thích nghi biến đổi khí hậu - Viện Quy hoạch thủy lợi, cho rằng các công trình thủy điện vừa và nhỏ đang làm thay đổi lượng phù sa tự nhiên khiến phù sa ở các đồng bằng hạ lưu đang nghèo kiệt đi, đất đai không còn màu mỡ. Đã vậy, vùng hạ lưu còn bị xói lở rất mạnh do các đập xả lũ, dòng chảy thay đổi đột ngột khiến tốc độ phá bờ diễn ra mạnh hơn.

Giao thông bị chia cắt

Tình trạng nhiều đập thủy điện không thiết kế âu tàu (bể chứa tàu để nâng hạ phương tiện để tàu thuyền có thể đi qua các đập thủy điện), theo ông Nguyễn Văn Thọ, Cục phó Cục Đường thủy nội địa - Bộ GTVT, đã tạo thành “nhát cắt” chia tách dòng sông thành nhiều đoạn tuyến. “Đơn cử như đập thủy điện Hòa Bình, giao thông thủy trên sông Đà hoạt động thành hai đoạn riêng biệt, không tạo được hệ thống thông suốt từ thượng lưu xuống hạ lưu sông. Nếu có âu tàu sẽ tạo được tính liên tục và thông suốt trong vận chuyển hàng hóa trên các dòng sông, tăng hiệu quả kinh tế xã hội”, ông Thọ nói.

Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa cho biết các tuyến sông đang khai thác vận tải thủy nội địa trên cả nước dài trên 17.000 km. Trừ một số sông ở khu vực miền Trung có địa hình ngắn, dốc, không thuận lợi cho giao thông đường thủy, các sông tại miền Bắc và miền Nam đều có tiềm năng rất lớn trong việc vận chuyển, kết nối liên vùng, nhưng vẫn chưa thể khai thác tốt do nhiều yếu tố. Ngoài việc đầu tư cho giao thông thủy nội địa còn hạn chế (mới đáp ứng được 60 - 70% nhu cầu), việc nhiều dòng sông lớn bị “băm nát” bởi thủy điện, nhiều đoạn tuyến bị bồi lắng, cạn kiệt… đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác đường thủy. “Khi xây đập thủy điện thời gian tới, cần xây dựng hệ thống âu tàu nâng hạ phương tiện, để tạo tính liên hoàn, kết nối giữa thượng lưu và hạ lưu trên một dòng chảy, cũng như tính liên thông, liên vùng giữa các dòng sông”, ông Thọ khuyến nghị.

Mai Hà - Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.