Những ‘người lính’ không quân hàm miền biên ải - Kỳ 2: Khúc vĩ thanh nơi biên giới

21/11/2013 08:35 GMT+7

(TNO) Dọc biên cương phía Bắc bây giờ có rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ, bia tưởng niệm khắc những cái tên con gái, hy sinh từ năm 1979. Rất nhiều trong những số đó là các cô giáo, đã ngã xuống trong khi đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tấn công, xâm nhập đất đai Tổ quốc, tay vẫn còn vương phấn trắng.

>> Gian nan Thàng Tín
>> Chót vót Sì Lờ Lầu
>> Những ‘người lính’ không quân hàm miền biên ải

Cô giáo Thúy và đầy đủ học sinh lớp Mầm non Tả Ló San
Cô giáo Thúy và đầy đủ học sinh lớp Mầm non Tả Ló San

Thèm nghe... tiếng người

Bản Tả Ló San (Sen Thượng, Mường Nhé, Điện Biên) nằm kề đường biên, giáp giới đất Trung Quốc, chỉ vẻn vẹn 14 hộ/69 nhân khẩu người Hà Nhì với 13 đứa trẻ học mầm non, tiểu học .

 

Sáng dậy nấu một bữa cơm, ăn cho cả ngày, dè sẻn từ giọt nước mắm, hạt mì chính bởi mưa lũ là không đi nổi. Ngày có nắng, lại lọ mọ vào rừng kiếm củi, chất ngoài hiên để dành; 3 ngày một lần, dắt nhau đi về 6 km lên đỉnh cao có sóng điện thoại, nhắn tin, gọi điện cho người thân, bạn bè...

Cô giáo Bùi Dung

Từ trung tâm xã Sen Thượng lên bản, phải vừa cuốc bộ vừa đi xe máy đúng 30 km đường xuyên qua rừng già âm u, dốc núi dốc ngược và tình hình khu vực rất phức tạp, bất thường.

Bộ đội Biên phòng Đồn 319 - Sen Thượng lên công tác tuyến này, ai cũng phải mang theo súng, đi theo đội hình, cảnh giác từ mọi tiếng động lạ...

Ấy thế mà bao năm nay, những cô giáo dạy hai điểm trường trong bản, cứ đều đặn mỗi tuần hai lần lùi lũi ra xã, vào bản, mặc trời nắng mưa, lũ lụt, đất lở, núi sập và cả những việc “phức tạp bất thường”.

Hôm rồi vào Tả Ló San, tôi đã gặp hai “người lính không đeo quân hàm” ấy. Đó là cô giáo Bùi Dung (24 tuổi, quê ở Tân Lạc, Hòa Bình), dạy 7 học sinh lớp ghép (4 học sinh lớp 2 và 3 mới học lớp 1) và Nguyễn Thị Thúy (23 tuổi, quê ở TP.Điện Biên Phủ), dạy vẻn vẹn 6 học sinh mầm non.

Hai điểm trường ở cùng bản, cách nhau chừng 300m, nhưng hai cô ở chung trong chái nhà của lớp mầm non rộng chừng 4 m2, kê đủ một cái giường tre và khoảnh treo quần áo, kê hòm đồ, chất sách vở.


Toàn bộ thực phẩm và bếp ăn của hai cô giáo Thúy, Dung tại điểm Trường Tả Ló San

Bản Tả Ló San có 14 hộ thì 11 hộ thuộc diện đói nghèo, 3 hộ còn lại thuộc diện cận nghèo nên cảnh sống của các cô giáo, chả khác gì người dân trong bản: mái lợp tôn, vách tre, chân tường tre mủn hở trống hoác, may nhờ mấy cây cột gỗ níu lại cho nhà khỏi đổ. Giữa ban trưa, gió hun hút lùa vào, lạnh như băng.

Tò mò hỏi chuyện, cô Thúy khoe: "Mỗi tuần tụi em ra xã một lần mua gạo, thực phẩm và để nghe... tiếng người". Tôi băn khoăn: "Đi lại nhiều làm gì cho vất vả?". Thế nhưng, có đi cùng các cô vào bản, mới thấy cái chặng đường ra vào cuối tuần, có khi lại là động lực để những nữ giáo viên vùng xa bám giữ niềm tin vào sự lần hồi kiếm đồng lương và mong manh giữ tuổi trẻ, chờ sự đổi thay công tác sau 3 năm dằng dặc bám bản, giữ trường...

Lo bữa ăn
Các cô giáo cắm bản ngoài chuyện dạy học còn lo bữa ăn cho các bé

Không điện, không sóng điện thoại, không tivi, không cả sóng phát thanh nói tiếng Việt; tiếng Kinh phổ thông thì chỉ hãn hữu lắm mới gặp trong bản khi có bộ đội Biên phòng ghé qua...

Cô giáo Dung lẩn mẩn: "Sáng dậy nấu một bữa cơm, ăn cho cả ngày, dè sẻn từ giọt nước mắm, hạt mì chính bởi mưa lũ là không đi nổi. Ngày có nắng, lại lọ mọ vào rừng kiếm củi, chất ngoài hiên để dành; 3 ngày một lần, dắt nhau đi về 6 km lên đỉnh cao có sóng điện thoại, nhắn tin, gọi điện cho người thân, bạn bè...".

 
Ở đây, không điện sáng, không sóng điện thoại, không tivi, không cả sóng phát thanh nói tiếng Việt; tiếng Kinh phổ thông thì chỉ hãn hữu lắm mới gặp trong bản, khi có bộ đội Biên phòng ghé qua... Mỗi tuần tụi em ra xã 1 lần mua gạo, thực phẩm và để nghe... tiếng người!
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy

Vất vả là vậy, nhưng vẫn hồn nhiên và vô tư lắm lắm. Chả thế mà trước chai nhà các cô ở, vàng rực bụi hoa cúc bướm ríu rít gọi ong về, rủ rỉ chuyện suốt đêm thâu.

Cô giáo Dung bảo: “Em cắm bản ở đây gần 3 năm rồi, sắp được chuyển chỗ khác, chỉ lo Thúy mới vào”. Còn Thúy thì trầm tư: “Dù sao nhà em vẫn ở ngay Điện Biên, gần hơn nhiều nhà chị”. 

Trung tá Bùi Văn Hồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 319 - Sen Thượng đi cùng tôi bùi ngùi: “Nhiều hôm cuối tuần, trời sắp tối mà vẫn thấy cô giáo đi vào bản. Anh em giữ ở lại đồn nghỉ không được, lại phải cắt cử vài đồng chí đi cùng, bảo vệ cô giáo”…

Vĩ thanh

Dọc biên cương phía Bắc bây giờ có rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ, bia tưởng niệm khắc những cái tên con gái, hy sinh từ năm 1979. Rất nhiều trong số đó là các cô giáo, đã ngã xuống trong khi đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tấn công, xâm nhập đất đai Tổ quốc, tay vẫn còn vương phấn trắng.

Dọc biên cương bây giờ và mãi về sau, vẫn sẽ còn hàng nghìn, hàng vạn những con người trẻ tuổi, chấp nhận vất vả, vượt mọi khó khăn, gắng đi qua những thiệt thòi thường nhật để sống, cống hiến.

Sự nghiệp “gieo chữ” ở những nơi “rừng thiêng nước độc”, không lung linh huyền ảo như lời thơ câu hát xa xưa “Vách đá cheo leo chân em không mỏi. Kìa đàn chim xinh hót vang dẫn đường…” (lời bài hát “Cô giáo bản em”), nhưng đó thực sự là những ngọn lửa thầm lặng thắp sáng núi rừng Tổ quốc, kiên nhẫn đẩy lùi bóng tối đói nghèo khỏi mỗi mái nhà trong bản.

Giờ ngủ trưa của học sinh Mầm non miền núi Tây Bắc
Giờ ngủ trưa của học sinh Mầm non miền núi Tây Bắc

Và bản thân mỗi người trẻ “gieo chữ” khẳng định được chân lý: “Sống một lần, sao cho có ích” - điều mà không phải tất cả mọi người đều thấu hiểu, sẻ chia.

Bài, ảnh: Mai Thanh Hải

>> Tri ân thầy cô bằng nhạc rap
>> Vị thế người thầy có giá trị bất biến
>> Hội sách tri ân thầy cô - bạn đọc
>> Thầy cô dạy tiểu học đi... thi
>> Thầy cô là tấm gương
>> Phụ huynh tự gây áp lực ngày thầy cô
>> Tri ân thầy cô theo cách mới
>> Thi viết những kỷ niệm đẹp về thầy cô
>> Thầy cô không phải lúc nào cũng đúng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.