Có tỉnh chỉ có một thanh tra nông nghiệp

19/11/2013 18:00 GMT+7

(TNO) Trong phiên chất vấn Quốc hội chiều 19.11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: 'Có tỉnh chỉ có một thanh tra nông nghiệp'.

(TNO) Trong phiên chất vấn của Quốc hội chiều 19.11, liên quan đến tình trạng vật tư nông nghiệp giả tràn lan gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN - PTNT) Cao Đức Phát cho hay đây là vấn đề nhức nhối trong ngành nông nghiệp và bộ đang có giải pháp để khắc phục tình trạng yếu kém này.

 
Đại biểu Trương Văn Vở chất vấn tại hội trường chiều 19.11 - Ảnh: Ngọc Thắng

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ NN - PTNT cũng thừa nhận dù biết rõ thực trạng trên, nhưng do lực lượng thanh tra trong ngành nông nghiệp còn quá mỏng, nên chưa thể đẩy lùi ngay tình trạng vật tư nông nghiệp giả.

“Có tỉnh chỉ có một thanh tra trong ngành nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang mới có hai người.  Hiện nay cả nước có khoảng 1.900 thanh tra trong ngành nông nghiệp nhưng vẫn còn ít so với khối lượng công việc khổng lồ mà ngành đang triển khai”, Bộ trưởng Phát nói.

Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Văn Vở (Đồng Nai) về tình trạng phá rừng trồng cây cao su, trách nhiệm của bộ trưởng và địa phương đến đâu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay những năm trước, Chính phủ cho phép sử dụng những rừng nghèo để trồng cao su nhằm tạo công ăn việc làm cho công nhân.

Đến nay đã có 60.000 ha diện tích đất sử dụng trồng cao su, chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện có những trường hợp lạm dụng diện tích rừng để trồng cao su. Do đó Bộ NN - PTNT đã đề xuất Chính phủ đình chỉ những dự án lạm dụng, mà chỉ thực hiện những dự án được phê duyệt và tuân thủ theo quy hoạch.

“Đương nhiên để xảy ra tình trạng như vậy thì trách nhiệm thuộc về bộ trưởng bộ nông nghiệp. Tuy nhiên, các địa phương cũng phải có trách nhiệm liên đới. Bộ trưởng không thể đến từng cánh đồng để xem từng dự án trồng cao su đó có đúng quy hoạch hay không mà dự án đó phải được sự cho phép của địa phương mới được làm”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Tạm trữ lúa gạo chỉ là giải pháp tình thế

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay chỉ khi nào giá lúa gạo xuống thấp, nông dân không  lãi được 30% theo chủ trương của Chính phủ, thì mới sử dụng giải pháp tạm trữ nhằm ngăn chặn lúa gạo giảm giá.

ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) hỏi quan điểm của bộ trưởng về việc đường trong nước đang dư thừa, doanh nghiệp đường đang gặp khó khăn, nhưng Bộ Công thương lại đồng ý chủ trương cho tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 30.000 tấn đường thô từ Lào về tinh chế? 

ĐB Chi khẳng định điều này là không công bằng cho các doanh nghiệp mía đường khác.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay sẽ phối hợp với Bộ Công thương xem xét cẩn thẩn việc cho phép tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 30.000 tấn đường thô từ Lào về Việt Nam.

“Tinh thần là đường trong nước đang dư thừa, bộ ngành đang phải hỗ trợ giữ giá mía thì những gì làm khó khăn thêm cho ngành đường, chúng ta phải cân nhắc. Đây là một trường hợp cụ thể, cần phải xem xét  cụ thể, tôi chưa thể trả lời ngay bay giờ được”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Đình Quân

>> Cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 20% tổng dư nợ
>> TP.HCM sẽ điều chỉnh giá đất phi nông nghiệp
>> Họp Quốc hội: Suy thoái trong ngành nông nghiệp đáng lo ngại
>> Mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
>> Nên cho dân xây nhà ở trên đất nông nghiệp
>> Tái cơ cấu nông nghiệp: Tránh rập khuôn, phong trào
>> Tái cơ cấu nông nghiệp: Chưa chuyển từ ‘thô’ sang ‘tinh’
>> Sao chổi khởi đầu cho nền văn minh nông nghiệp?
>> Đề án tái cơ cấu nông nghiệp: Cần hợp tác sản xuất với quy mô lớn
>> Đề án tái cơ cấu nông nghiệp: Nông dân chưa được 'tái' thu nhập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.