Hai mặt của chế tài

18/11/2013 02:50 GMT+7

Ngoài việc áp đặt chế độ trách nhiệm cho người đứng đầu, giải pháp lập pháp được nhiều vị đại biểu ủng hộ trong các phiên thảo luận về các dự luật tại kỳ họp Quốc hội gần đây là tăng cường xử phạt .

Thái độ của các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn dễ hiểu, khi hầu hết các quan chức chịu trách nhiệm thi hành pháp luật đều nhất loạt cho rằng chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh. Từ tai nạn giao thông gia tăng, đến việc chặt phá rừng, việc làm ô nhiễm nguồn nước... đều được lý giải là do chế tài chưa đủ mạnh. 

Tất cả những điều trên đương nhiên tác động rất mạnh đến các nhà làm luật. Hậu quả là chúng ta đang có một hệ thống pháp luật nghiêm khắc không phải nước nào cũng theo kịp. Xin lấy lĩnh vực giao thông làm ví dụ, nếu việc tịch thu phương tiện giao thông ở các nước phải do quan tòa quyết định mới được, thì ở nước ta chỉ cần quan chức hành chính quyết định là xong. Các khoản phạt do vi phạm luật lệ giao thông ở các nước so với thu nhập của người vi phạm là rất nhỏ. Còn ở nước ta, các khoản này có thể chiếm đến từ 10-15% thu nhập, thậm chí cao hơn. Thế nhưng, số lượng các vụ vi phạm luật lệ giao thông ở nước ta lại vẫn cứ lớn hơn rất nhiều lần so với ở các nước. Mà như vậy thì chế tài mạnh hơn đã chẳng giúp giải quyết được tốt hơn vấn đề vi phạm luật lệ giao thông. Cũng giống như người ta không tìm thấy những chứng cứ khoa học cho thấy việc thi hành án tử hình có tác dụng ngăn chặn tội phạm tốt hơn so với việc áp dụng hình phạt chung thân.

Thực ra, tính răn đe của pháp luật đạt được nhờ sự hiệu năng, hơn là nhờ sự hà khắc. Bất cứ một mức phạt nào quá nặng đều thúc đẩy người vi phạm phải tìm cách mặc cả với những người thực thi công quyền để đạt được một mức chi tiền nộp phạt hợp lý hơn. Chỉ có điều số tiền nộp phạt hợp lý hơn này sẽ chui vào túi của các quan tham, chứ không phải được đóng vào cho ngân sách nhà nước. Mà như vậy, thì chế tài mạnh không chỉ không răn đe được hành vi vi phạm, mà còn có nguy cơ làm tha hóa cả bộ máy thực thi pháp luật.

Trở lại với các vi phạm hành chính, mức xử phạt được áp đặt phải hợp lý, chứ không nhất thiết cứ phải rất cao. Điều quan trọng là chế tài phải được áp đặt tức thì, khi vi phạm xảy ra. Nếu cứ phải nộp phạt liên tục mỗi ngày vài lần, thì việc tuân thủ luật lệ chắc chắn sẽ được áp đặt, ý thức chấp hành luật lệ giao thông chắc chắn sẽ được hình thành.

Cuối cùng, lợi ích chỉ là một trong rất nhiều yếu tố có khả năng điều chỉnh hành vi của con người. Chế tài chưa đủ mạnh hay đủ mạnh thì cũng chỉ là việc tác động vào lợi ích để điều chỉnh hành vi. Vì vậy, nếu lạm dụng chế tài thì chắc chắn không phải là giải pháp lập pháp hay nhất.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.