Hâm nóng thị trường bình ổn giá

13/11/2013 10:27 GMT+7

Với việc phê duyệt phương án thực hiện chương trình bình ổn giá, tỉnh Quảng Nam đang “hâm nóng” thị trường vào dịp cuối năm sau một thời gian dài triển khai theo kiểu đối phó.

Hâm nóng thị trường bình ổn giá
Một chương trình bình ổn giá triển khai tại huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) trong năm 2013 - Ảnh: P.V

Xóa “bình ổn” bao cấp

Khởi động hỗ trợ lãi suất từ 25.9 âm lịch hằng năm và kéo dài 3 tháng (đến 25.12 âm lịch), chương trình bình ổn thị trường giá cả trên địa bàn Quảng Nam dành cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vừa được UBND tỉnh phê duyệt. Dù trễ nửa tháng khi áp dụng cho năm 2013, nhưng chương trình đã tạo cú hích mới. “Trước đây, cứ đến gần tết lại triển khai và gói gọn trong vòng 2 tháng, nên thường mang tính đối phó. Lúc đó, cơ quan tham mưu lại xin chủ trương hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp (DN) tham gia, rất nặng tính bao cấp”, ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Quảng Nam) nói. Chia sẻ với PV Thanh Niên hôm qua 12.11, ông Lâm cho hay kiểu bình ổn nặng tính bao cấp lâu nay, giờ đã được xóa bỏ.

Theo dõi chương trình bình ổn giá nhiều năm và trực tiếp tham gia soạn thảo phương án, ông Lâm hiểu rõ lý do vì sao lâu nay DN không mặn mà tham gia. Trước hết, việc triển khai cứ cấp tập vào cuối năm và ngắn hạn (2 tháng), thời điểm các mặt hàng đã rục rịch tăng giá. Hơn nữa, khâu thủ tục thanh quyết toán dù áp dụng theo qui định hiện hành nhưng lại gây khó cho DN, nhất là ở vùng cao. Trước khi trình UBND tỉnh thông qua phương án, Sở Công thương đã gặp gỡ DN và lại nghe than phiền về khâu thủ tục thanh quyết toán. “Với những đơn vị chuyên bán lẻ như Co.op Mart, mọi chuyện rất suôn sẻ. Nhưng tại các địa bàn miền núi, DN lại rất khó kiếm đầy đủ hóa đơn đầu vào cho dù họ dễ dàng huy động nguồn hàng”, ông Lâm phân tích.

Chủ động từ đầu năm

Với yêu cầu đảm bảo đầy đủ, thường xuyên hàng hóa thiết yếu, sớm lập mạng lưới phân phối bán lẻ đều khắp, đặc biệt là chính sách ưu đãi rõ ràng (hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn để dự trữ hàng hóa phục vụ khu vực miền núi và xã đảo, 50% lãi suất ở đồng bằng), các DN hoàn toàn chủ động ngay từ đầu năm. Sớm đăng ký mặt hàng tham gia và kế hoạch dự trữ, họ có thể gom hàng với giá rẻ. Ngay các địa phương cũng chủ động, vì các DN phải gửi đăng ký trước ngày 1.8, sau đó các huyện, thành phố tổng hợp, nắm bắt nhu cầu thực tế rồi đăng ký với Sở Công thương trước ngày 1.9 hằng năm. Việc điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu bình ổn các mặt hàng cũng trở nên dễ dàng hơn so với danh mục nhóm hàng mà UBND tỉnh đã xác định (gạo, muối, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, bánh, mứt, kẹo, hạt dưa). Ngược lại, cơ quan quản lý cũng sớm ”lọc” ra những đơn vị uy tín, kinh doanh mặt hàng bình ổn giá với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt từ các đối tượng đăng ký tham gia (hộ sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã, DN), để đảm bảo chương trình không gặp trục trặc vào giờ chót.

Hâm nóng thị trường và được hỗ trợ lãi suất vay dự trữ hàng hóa, tổ chức sản xuất, lại ưu tiên bố trí và miễn giảm tiền thuê mặt bằng bán hàng..., đây là cơ hội không thể tốt hơn để DN quảng bá thương hiệu.

Xử lý nạn đầu cơ

Theo phương án bình ổn thị trường, DN không thực hiện theo quy định về giá sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp sử dụng không đúng mục đích vốn được tạm ứng, không đúng cam kết về lượng hàng bình ổn..., DN phải hoàn trả và sẽ chịu lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cơ bản. Việc kiểm tra tập trung vào 2 đối tượng: nơi phát nguồn hàng và kênh phân phối hàng hóa.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.