Dân có được lấy ý kiến...

13/11/2013 03:00 GMT+7

Bác Hồ có tư tưởng lớn về sự nghiệp cách mạng là của toàn dân và mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân thực sự xúc động tiễn đưa cũng với tư tưởng quân đội nhân dân, chiến tranh nhân dân và quân đội vì nhân dân quên mình.

Ngay trong thời kỳ bao cấp, công tác dân vận của ta được đặt ra với khẩu hiệu khẳng định chuỗi giá trị “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây cũng là một tư tưởng lớn, thậm chí lớn hơn nhiều so với các cơ chế dân chủ mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị. Thực hiện được tư tưởng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là nguyên nhân của mọi thắng lợi của dân tộc.

Trong vài năm gần đây, luật của ta đã dễ dàng có nhiều quy định về công khai thông tin và lấy ý kiến của dân. Nhưng từ trang giấy của luật tới thực thi luật trên thực tế còn một khoảng cách khá xa. Có khi do quy định không đủ chi tiết nên khó thực hiện hoặc thực hiện linh hoạt. Ví dụ như luật Quy hoạch đô thị 2009 có quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch chung và giao cho đại diện cộng đồng dân cư đó tổng hợp ý kiến; trong khi không rõ cộng đồng dân cư nào và ai là đại diện, vậy thực hiện phải rất “linh hoạt” và tiếp thu cũng rất “linh hoạt”. Có khi luật có quy định chi tiết nhưng lại bất khả thi về thời gian. Ví dụ như luật Bảo vệ môi trường 2005 đã có quy định về tham vấn ý kiến người dân về đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, nhưng Nghị định số 29/2011/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện lại chỉ cho có 15 ngày để làm mọi việc từ làm tài liệu, họp dân, tổng hợp ý kiến... quả là khó quá. Cũng có khi luật có quy định đủ điều kiện để thực hiện nhưng thực tế vẫn không thực hiện. Ví dụ như luật Đất đai 2003 có quy định việc lấy ý kiến của dân về quy hoạch sử dụng đất cấp xã và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP có một điều thể hiện rất chi tiết, nhưng đi hỏi nhiều xã thì biết là không thực hiện được do “không đủ kinh phí”. Có quy định của luật pháp nhưng ít khi người dân được nói thực lòng mình.

Khi lấy ý kiến của dân về Hiến pháp sửa đổi và luật Đất đai sửa đổi, công việc được tiến hành dựa chủ yếu vào chính quyền cấp xã, cách làm như vậy cũng không rộng đường cho dân có ý kiến, nhất là những người thuộc nhóm yếu thế. Như các nước khác họ làm, cần cho phép tất cả các tổ chức ngoài nhà nước được tham gia trợ giúp và chuyển tải ý kiến thực của dân.

Muốn “dân biết” thì phải công khai thông tin với dân, muốn “dân bàn” thì phải trợ giúp tạo diễn đàn để lấy ý kiến thực của dân, muốn “dân làm” thì phải trao quyền cho dân, và muốn “dân kiểm tra” thì phải tạo cơ chế cho dân thực hiện quyền giám sát. Tiếc rằng, nhìn ra những việc cần làm thì dễ nhưng làm được những việc cần làm mới khó, khó ngay từ khi xây dựng và thực thi pháp luật. Làm thực tâm được những việc này thì cán bộ phải rũ bỏ được tư lợi, luôn mong cho nhân dân sống thanh bình và không mất thời gian đi khiếu kiện.

GS-TSKh Đặng Hùng Võ

>> Lấy ý kiến người dân về dự luật Đất đai
>> Lấy ý kiến định hướng phát triển nông nghiệp ĐBSCL
>> Sẽ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.