Thiếu trách nhiệm với rừng

12/11/2013 09:38 GMT+7

Khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có hiệu lực từ năm 2011, những người yêu quý rừng cảm thấy vui hơn vì sẽ huy động được nguồn lực xã hội cho việc phát triển lâm nghiệp. Các cơ sở sử dụng DVMTR sẽ đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng, từng bước cải thiện chất lượng rừng, phát triển diện tích rừng, cải thiện sinh kế cho người dân trong khu vực.

Đối tượng sử dụng DVMTR trước hết là thủy điện, nước sạch, du lịch được áp dụng thực hiện chính sách. Vì vậy, nếu các đơn vị sử dụng DVMTR này chậm nộp tiền DVMTR thì sẽ gây ảnh hưởng đến kế hoạch chi trả tiền DVMTR cho chủ rừng ở các địa phương. Thế mà nhiều nhà máy thủy điện, không chỉ chậm mà còn chây ỳ, thậm chí có dấu hiệu chiếm dụng không chịu nộp số tiền này...

Tại hội nghị Chính sách chi trả DVMTR khu vực Tây nguyên mở rộng do  Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức tại TP.Đà Lạt mới đây, Bộ NN-PTNT đưa ra con số: hiện các nhà máy thủy điện trong nước chưa nộp tiền DVMTR của các năm 2011, 2012 và các quý năm 2013 với tổng số tiền khoảng hơn 294 tỉ đồng. Một đại diện tỉnh Đắk Nông cho hay: các nhà máy thủy điện luôn viện dẫn nhiều lý do thoái thác và chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền DVMTR từ năm 2011 đến nay, đặc biệt 4 nhà máy thủy điện đóng chân trên địa bàn tỉnh Bình Phước có sử dụng lưu vực của Đắk Nông nhưng mấy năm qua chưa đóng đồng nào. Trong khi đó, ông Kiều Thanh Hà, Giám đốc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng Đắk Lắk, tỏ ra bức xúc khi kể câu chuyện chính ông đi “đòi nợ” tiền DVMTR của nhà máy thủy điện Krông Hnăng (thuộc chủ quản của Công ty CP Sông Ba – Phú Yên) và công ty vẫn chây ỳ không trả. “Tôi biết Tập đoàn điện lực Việt Nam đã chuyển tiền (mức chi trả 20đ/1kwh điện thương phẩm) cho công ty này rồi nhưng công ty không chịu trả nợ, tôi nói với họ như vậy là chiếm dụng tiền DVMTR thì lãnh đạo công ty nói sẵn sàng chịu xử phạt. Họ nợ đến hơn 9 tỉ đồng chứ ít đâu…”, ông Hà bức xúc kể. Trong khi đó, lãnh đạo Quỹ bảo vệ phát triển rừng Bình Phước cũng than thở: Quỹ đã nhiều lần liên hệ làm việc với lãnh đạo 2 nhà máy thủy điện ở địa phương để đàm phán, thương thảo ký hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR nhưng đều không nhận được sự hợp tác đầy đủ; lãnh đạo nhà máy né tránh không dự, chỉ cử cán bộ phụ trách sản xuất dự làm việc và đưa ra các lý do để thoái thác nghĩa vụ chi trả tiền DVMTR…  

Cũng theo ông Kiều Thanh Hà, nguyên nhân của việc chây ỳ này phần lớn là do nhiều nơi không đôn đốc quyết liệt, hơn nữa cũng chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể, rõ ràng về việc xử phạt nên các đơn vị “không sợ” và cứ thế ỳ ra không chịu nộp. Tại hội nghị trên, nhiều đại biểu đề xuất, cần nâng mức xử phạt đối với các nhà máy thủy điện nộp chậm, đang chiếm dụng tiền DVMTR theo lãi suất vay cơ bản tại thời điểm Ngân hàng nhà nước công bố. Đã đến lúc các ngành chức năng cần có kế hoạch và biện pháp sao cho đủ mạnh để buộc các nhà máy thủy điện sớm thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với rừng…

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.