Thiệt hại nặng vì chủ quan với bão Hải Yến

12/11/2013 09:46 GMT+7

16 giờ chiều 11.11, bếp lửa đã nhen nhóm cuối các con thuyền trên cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, thế nhưng những ánh mắt đỏ hoe của người dân vẫn đọng lại nỗi xót xa số tài sản đã bị cuốn theo cơn bão Hải Yến.

16 giờ chiều 11.11, bếp lửa đã nhen nhóm cuối các con thuyền trên cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, thế nhưng những ánh mắt đỏ hoe của người dân vẫn đọng lại nỗi xót xa số tài sản đã bị cuốn theo cơn bão Hải Yến.


 Ngư dân Vân Đồn thẫn thờ trước số cá chết vớt lên từ bè cá nhà mình - Ảnh Thúy Hằng

Chị Ngà, 39 tuổi, cùng chồng là anh Hùng nặng nhọc kéo tấm lưới lên khỏi con thuyền đã chìm sâu dưới nước 1/3. Cả nhà anh chị trông chờ vào con thuyền trị giá 120 triệu, mới đóng được 3 năm này.

Thế nhưng, chỉ trong một đêm, siêu bão Hải Yến đã khiến con thuyền bị thủng nhiều chỗ dẫn đến đắm. “Tiếc cả hơn 1 triệu tiền cá còn trên thuyền, định để dành để sáng hôm sau đi chợ, ai ngờ bão đến”, anh Hùng ngẩn ngơ.

Câu “ai ngờ” được nhắc đến nhiều nhất tại Cái Rồng trong ngày hôm qua, sau cơn bão Hải Yến. Người dân Vân Đồn vẫn bàng hoàng vì đến 21 giờ đêm trước, khi những chiếc ca nô của Ban quản lý cảng Cái Rồng đi lại khắp cảng bắt buộc những người dân cuối cùng phải lên bờ, nhiều người vẫn tặc lưỡi: “Quảng Ninh chỉ ảnh hưởng mưa thôi”.

Hậu quả, ở Vân Đồn có tới hơn 30 tàu bị trôi dạt và đắm, 2 tàu có người vẫn đang mất liên lạc, trên 55 nhà bè nuôi hải sản mất trắng, 600 nhà dân bị tốc mái, đường điện hư hỏng nặng, mất điện toàn thị trấn từ 21 giờ đêm 10.11 do siêu bão Hải Yến.

“Chúng tôi chỉ lên bờ, nhưng bè mảng thì chủ quan không gia cố lại, thế là trắng tay”, anh Sinh, chủ một nhà bè bưng mặt khóc.

Ông Dương Văn Ninh, Phó chủ tịch UBND xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Trưởng ban phòng chống lụt bão xã cho hay, rất có thể sau lệnh di dời toàn bộ ngư dân lên bờ tránh trú bão, có người vẫn lén về tàu vì cho rằng bão nhẹ.

Chính ông Ninh, 22 giờ 30 phút đêm 10.11 đã phải đội mưa, dùng phương án “cưỡng chế” để một cụ già 70 tuổi, một phụ nữ và con gái 2 tháng tuổi lên bờ, nếu không, không biết hậu quả sẽ ra sao khi gió giật ở Vân Đồn cấp 11- 12 trong ròng rã 6 giờ đồng hồ.

Ông Lê Quang Thạch, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn lý giải: Người dân thấy bão chuyển hướng liên tục thì không để ý. Rất may, nước biển đêm 10, rạng sáng 11.11 xuống thấp, sóng đánh vào các bè mảng đã giảm đi đáng kể...

Phải mất một thời gian để những ngư dân tại Vân Đồn quên đi những mất mát lớn, trở lại nhịp sống ngày thường. Hải Yến đi qua, bài học cảnh giác với thiên tai không bao giờ là cũ.

Thúy Hằng

>> Quảng Ninh: Trục vớt tàu đắm hậu siêu bão Hải Yến
>> Báo Thanh Niên hỗ trợ gia đình có người tử vong vì siêu bão Hải Yến
>> Siêu bão Hải Yến: Thắt lòng trước sự ra đi của nữ phóng viên trẻ
>> Siêu bão Hải Yến suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
>> Siêu bão Hải Yến làm nhiều cây cổ thụ của Hà Nội bật gốc
>> Siêu bão Hải Yến: Trên 30 tàu thuyền bị đắm, trôi dạt tại Vân Đồn
>> Sau bão Hải Yến: Thái Bình, Nam Định thiệt hại nặng về hoa màu
>> Philippines chưa sẵn sàng ứng phó siêu bão Hải Yến
>> Quảng Ninh: Trục vớt tàu đắm hậu siêu bão Hải Yến  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.