Biến lục bình thành gas

13/11/2013 03:15 GMT+7

Cứ khoảng 100 kg lục bình tươi đưa vào hầm biogas thì người dân có thể sử dụng gas trong khoảng 3 ngày. Đó là giải pháp mới giúp xử lý tình trạng lục bình tràn ngập trên sông Vàm Cỏ Đông tại Tây Ninh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Cứ khoảng 100 kg lục bình tươi đưa vào hầm biogas thì người dân có thể sử dụng gas trong khoảng 3 ngày. Đó là giải pháp mới giúp xử lý tình trạng lục bình tràn ngập trên sông Vàm Cỏ Đông tại Tây Ninh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

 Biến lục bình thành gas
Mỗi tháng gia đình ông Huẩn tiết kiệm hơn 500.000 đồng tiền mua gas - Ảnh: Giang Phương 

Ông Trần Hoài n, Trưởng phòng Quản lý khoa học công nghệ (KH-CN), Sở KH-CN Tây Ninh cho biết, tháng 11.2010, UBND tỉnh Tây Ninh cho triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ biogas trong xử lý lục bình ở Tây Ninh” do Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN thực hiện. Đến nay, đề tài đã triển khai thí điểm ở 20 hộ sống ven lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, rạch trên địa bàn 4 huyện Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và Trảng Bàng. Theo đó, hầm biogas được thiết kế thành 10 hầm ủ thể tích 4 m3/hầm và 10 hầm ủ thể tích 8 m3/hầm. Trong đó, 10 hầm ủ sử dụng 100% lục bình làm nguyên liệu nạp, 10 hầm ủ còn lại kết hợp 50% lục bình và 50% phân chuồng. Kinh phí xây dựng khoảng 6-8 triệu đồng/hầm biogas, tùy kích cỡ. Ở giai đoạn thí điểm, các hộ dân được ngân sách hỗ trợ 100%, tổng kinh phí thực hiện khoảng 1 tỉ đồng.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, mô hình này đã thu được những hiệu quả kinh tế tích cực.  Ông Cái Văn Huẩn (ngụ ấp B, xã Tiên Thuận, H.Bến Cầu) đang kết hợp việc sử dụng nguồn lục bình và phân chuồng cho hầm biogas thể tích 4 m3, mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 500.000 - 700.000 đồng tiền gas. Ông Huẩn chia sẻ: “Cứ khoảng 100 kg lục bình tươi kết hợp thì sinh ra lượng gas đủ xài trong 3 ngày. Nguồn lục bình thì luôn có sẵn trên sông, bã lục bình thải ra còn được sử dụng làm thức ăn cho cá”. Ông Huẩn chia sẻ, lục bình được vớt lên cắt bỏ rễ, băm nhỏ và phơi héo, sau đó đưa vào hầm ủ cùng với nước theo tỷ lệ quy định. Với mỗi hầm 4 m3, một hộ dân sẽ thu được lượng gas đủ sử dụng để sinh hoạt. Nếu hầm có quy mô thể tích lớn hơn thì lượng khí gas sinh ra càng nhiều, có thể sử dụng cho nhiều nhu cầu khác. 

Dự kiến tháng 12.2013, Sở KH-CN Tây Ninh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này. Trước mắt, Sở sẽ hỗ trợ về kỹ thuật và một phần kinh phí ban đầu để người dân có thể thực hiện.

Giang Phương

>> Nổ ở cửa hàng gas, một người bỏng nặng
>> Biến lục bình thành giấy
>> Gas giảm giá
>> Thị trường gas VN lộn xộn nhất khu vực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.