Trung Quốc đón gió cải cách

10/11/2013 03:10 GMT+7

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng trước nhiều thách thức lớn lao trong nỗ lực cải cách Trung Quốc.

 Trung Quốc đón gió cải cách
Một du khách ngắm chân dung Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và những người tiền nhiệm tại một bảo tàng ở Thiên Tân - Ảnh: AFP

Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 khai mạc ngày 9.11 ở Bắc Kinh là một dấu mốc quan trọng trong thời kỳ lãnh đạo của ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường cũng như tương lai phát triển của Trung Quốc trong nhiều năm tới. Tân Hoa xã đưa tin hội nghị khai mạc vào hôm qua sẽ bàn “những vấn đề liên quan đến cải cách sâu rộng”. 

Trọng tâm cải cách kinh tế

Các chuyên gia nhận định, trên mặt trận kinh tế, trọng tâm của hội nghị kéo dài 4 ngày là thúc đẩy tiêu thụ nội địa để làm bệ đỡ cho tăng trưởng, và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ mô hình hướng đến xuất khẩu và phụ thuộc đầu tư, vốn chựng lại sau 3 thập niên tăng trưởng nhanh chóng. Theo đó, lĩnh vực tài chính được mong đợi sẽ có những thay đổi đáng kể như: tự do hóa lãi suất tiền gửi nhằm tạo cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng; thả lỏng biến thiên tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD để quốc tế hóa đồng tiền này; nới lỏng kiểm soát vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước; cho phép doanh nghiệp và tổ chức phát triển nhiều kênh thu hút tài chính như phát hành cổ phiếu, trái phiếu... Tuy vậy, một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ vào triển vọng cải cách ở những khu vực có tính nhạy cảm như doanh nghiệp nhà nước hay những ngành nhà nước độc quyền. Việc Thủ tướng Lý Khắc Cường vắng mặt tại lễ khánh thành khu thương mại tự do Thượng Hải mới đây và sự phản đối của nhiều nhóm trước các đề xuất cải cách doanh nghiệp nhà nước là lý do của sự hồ nghi này.

Trên mặt trận xã hội, chế độ hộ khẩu ràng buộc sự di chuyển của 250 triệu lao động nhập cư từ địa phương này đến địa phương khác; hệ thống an sinh xã hội yếu kém và phân mảng trước gánh nặng 437 triệu công dân trên 60 tuổi vào năm 2050; khoảng cách thu nhập ngày càng lớn; chính sách quản lý đất đai bất cập gây bức xúc cho hàng chục triệu hộ dân... là những thách thức to lớn mà hội nghị lần này được mong đợi sẽ có những đột phá. “Đừng kỳ vọng một cú nổ lớn trong vấn đề cải cách xã hội”, báo Straits Times trích lời các nhà phân tích cho rằng sẽ có xoay chuyển, nhưng không phải thay đổi triệt để, từ hội nghị này. 

Cải cách và ổn định

Hội nghị lần 3 đánh dấu tròn một năm nhậm chức Tổng bí thư của ông Tập Cận Bình. Khác với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào phải chờ thêm hai năm để tiếp quản trọn vẹn ba chức vụ Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước, ông Tập nắm giữ ba vị trí này ngay từ năm đầu tiên. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nhờ thế mà trở thành nhân vật số 2, thay vì số 3 như người tiền nhiệm Ôn Gia Bảo trong hai năm đầu nắm quyền. “Việc chuyển giao quyền lực lần này là tương đối toàn diện và rạch ròi, vì vậy khi nhậm chức, ông Tập và ông Lý có quyền kiểm soát mọi thứ cao hơn”, chuyên gia Vương Tranh Tử (Wang Zhengxu) ở Đại học Nottingham nhận định.

Một vấn đề được thế giới đặc biệt quan tâm là đường hướng chính trị của bộ đôi lãnh đạo Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Cả hai được kỳ vọng sẽ nối tiếp con đường cải cách của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cách đây 35 năm. Tuy nhiên, ngay trước thềm hội nghị, Nhân dân nhật báo ngày 8.11 bất ngờ đăng lại phát biểu của ông Tập hồi tháng 1.2013 rằng không nên sử dụng những cải cách và mở cửa bắt đầu từ năm 1978 để “phủ định” sự phát triển của Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông. Theo báo The Straits Times, bài báo được viết bởi Ban Nghiên cứu lịch sử Trung ương Đảng có ý cảnh báo việc chỉ trích những sai lầm của Chủ tịch Mao trong Cách mạng Văn hóa có thể “dẫn tới sự suy sụp của Đảng Cộng sản”. Các nhà phân tích nhận định đây là thông điệp mà ông Tập muốn trấn an những nhóm phản đối cải cách vốn tin rằng các vấn nạn xã hội ngày nay là hậu quả của việc tăng trưởng kinh tế quá nóng, trước khi đưa ra chương trình cải cách tại hội nghị. Qua đó, ông Tập cũng muốn khẳng định ông kế thừa cả tư tưởng của Chủ tịch Mao và Đặng Tiểu Bình. “Không có quá nhiều kỳ vọng về bản kế hoạch cải cách kinh tế tại hội nghị này. Bởi Chủ tịch Tập luôn nhấn mạnh giá trị của sự ổn định và thay đổi dần dần”, chuyên gia chính trị Trung Quốc Lâm Hòa Lập (Willy Lam) từ Đại học Trung Hoa ở Hồng Kông phát biểu.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Trung Quốc bắt đầu họp cải cách kinh tế “chưa từng có tiền lệ”
>> Trung Quốc lên giọng trước hội đàm với Mỹ
>> Kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức
>> Kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ trước năm 2030 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.