Quy định cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ: NSND cũng phải làm đơn!

11/11/2013 03:00 GMT+7

Dự kiến thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu bắt đầu áp dụng từ tháng 4.2014. Và sau hai năm thí điểm, từ năm 2016, tất cả các nghệ sĩ hoạt động biểu diễn nghệ thuật đều phải có thẻ hành nghề.

Dự kiến thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu bắt đầu áp dụng từ tháng 4.2014. Và sau hai năm thí điểm, từ năm 2016, tất cả các nghệ sĩ hoạt động biểu diễn nghệ thuật đều phải có thẻ hành nghề.

Làm sao biết ai “hát lần đầu” ?


Dự kiến từ năm 2016 tất cả nghệ sĩ phải có thẻ hành nghề mới được biểu diễn - Ảnh: Độc Lập 

Dù đối tượng được cấp thẻ không bị hạn chế, nhưng những điều kiện để cấp thẻ, hay chế tài quản lý vẫn còn nhiều kẽ hở.

Hai đối tượng chính là nghệ sĩ nhà nước và nghệ sĩ tự do. Với những nghệ sĩ không theo học tại cơ sở đào tạo về nghệ thuật, họ cần có ý kiến đánh giá khả năng chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết sẽ không cần phải có hội đồng thẩm định, mà sẽ được cơ quan quản lý thẩm định chương trình trước khi cấp phép. Những người biểu diễn lần đầu tiên không cần thiết phải có thẻ hành nghề. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, ai mà biết được đây là lần biểu diễn thứ bao nhiêu của nghệ sĩ?

Bên cạnh đó, chỉ cần đoạt giải tại các cuộc thi nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước (ngay cả các chương trình truyền hình thực tế cũng được coi là các cuộc thi) và quốc tế là được cấp thẻ hành nghề. Trong khi đó, trên thực tế có không ít cuộc thi không có uy tín, xảy ra những lùm xùm, nghi án mua giải (như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam toàn cầu…). Ngoài ra, những gương mặt nhí (ca hát, nhảy múa…) đang bắt đầu xuất hiện trên thị trường giải trí hiện nay cũng chưa được tính đến. Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý thì lý giải rằng các em khi đi biểu diễn đều cần có sự giám hộ của cha mẹ, người lớn.

Không chỉ “hở”, dự thảo cũng đưa ra nhiều điều kiện khá cứng nhắc như các nghệ sĩ đoạt danh hiệu rồi vẫn cần phải làm đơn để được cấp thẻ. Chẳng hạn, nếu NSND Trần Hiếu được mời biểu diễn trên sân khấu với tư cách ca sĩ, ông cũng phải có thẻ hành nghề mới được phép biểu diễn. Theo ông Chương, dù có danh hiệu, ngay cả với NSND cũng phải làm đơn xin cấp thẻ vì “tự cấp, có khi nghệ sĩ lại không cần tới”.

Một trong những sai phạm dẫn đến thu hồi thẻ hành nghề là hát “nhép”, ngay cả với chương trình truyền hình. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn, bởi trong một số chương trình thu hình, hay được truyền hình trực tiếp kỷ niệm sự kiện lớn, mang tính chất ngoại giao, hát “nhép” vẫn được chấp nhận, và có khi là bắt buộc.

Lãng phí lớn

“Thẻ hành nghề không phải là giấy chứng nhận chuyên môn, mà là “công cụ” quản lý của cơ quan nhà nước”, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh. Thẻ hành nghề không hạn chế “đầu vào” nhưng sẽ dùng để siết chặt “đầu ra”. Ông Chương thì cho rằng thẻ hành nghề giúp cơ quan quản lý ở các địa phương nắm rõ được số lượng, nhân thân nghệ sĩ bấy lâu nay bị bỏ qua, bên cạnh đó để phù hợp với thị trường giải trí mở cửa. Hiện nay, có tới gần 2.000 công ty biểu diễn hoạt động, trong khi không có biện pháp chế tài để giám sát, nên để quản lý nổi là “hết sức đau đầu”. Nhưng câu hỏi đặt ra là, sau khi có thẻ hành nghề, việc hậu kiểm sẽ được tiến hành ra sao? Chính Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn cũng phải thừa nhận công tác này bị buông lỏng từ lâu.

Để hoàn thiện đề án cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu, cơ quan quản lý tỏ ra khá cầu thị khi lấy ý kiến của rất nhiều đối tượng liên quan như các đơn vị tổ chức nghệ thuật, nghệ sĩ, và cả giới truyền thông báo chí vào chiều 8.11 tại Hà Nội. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số lượng ca sĩ, người mẫu đang hoạt động, và dự kiến đến năm 2016, hơn 10.000 nghệ sĩ sẽ được cấp thẻ, thì đề án phải tiêu tốn nguồn kinh phí lên tới con số “khủng”, hoàn toàn do nhà nước chi trả.

Tranh luận về tổ chức biểu diễn

Nếu như các lần tổ chức trước đây liên quan đến hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật (trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu, lưu hành kinh doanh bản ghi âm...) nhận được nhiều ý kiến phản hồi trong các hội nghị thì tại Hội nghị triển khai Nghị định 79/2012/NĐ-CP diễn ra tại TP.HCM  hôm 8.11, không có quá nhiều lời phát biểu cùng  những kiến nghị như những lần trước.

Rất có thể những điều đã và đang nêu ra trước đây về việc cấp thẻ hành nghề, băng đĩa lậu, nạn sao chép, vi phạm bản quyền... đã được nói nhiều nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp cuối cùng nên các đơn vị không còn mặn mà. Ông Huỳnh Tiết (Giám đốc Bến Thành A&V) phát biểu: “Đến giờ trong các văn bản vẫn không thấy đề cập đến việc quá nhiều nhà mạng vi phạm khi đưa tác phẩm lên internet mà không xin phép đơn vị sản xuất băng đĩa, hoặc ca sĩ”. Về điều này, đại diện Sở VH-TT-DL TP.HCM cho biết đã đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết luận.

Dạ Ly

Minh Ngọc

>> Thẻ hành nghề cho nghệ sĩ: Quá nhiều bất cập
>> Thẻ hành nghề bất khả thi
>> Thẻ hành nghề: Có hạn chế biểu diễn dân gian ?
>> Chuẩn nào để cấp thẻ hành nghề ?
>> “Thẻ hành nghề” của nghệ sĩ chính là khán giả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.