Đắng, ngọt với 'Đời Như Ý'

10/11/2013 03:01 GMT+7

Hơn một năm sau khi đoạt đến 5 giải thưởng tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc 2012, vở kịch Đời Như Ý (Nhà hát Thế Giới Trẻ, TP.HCM) vẫn đang rất ăn khách.

Đắng, ngọt với
Ngọc Trinh (vai Bé Ba), Quang Tuấn (vai Hai Đời), Puka (vai Như), La Thành (vai Ý) trong vở Đời Như Ý - Ảnh: H.K

Đạo diễn kiêm tác giả kịch bản chuyển thể Bùi Quốc Bảo đã tái hiện thành công không gian mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gửi gắm trong truyện ngắn cùng tên. Không chỉ là khung cảnh, sinh hoạt mà cả con người cũng đậm đà bản sắc miền Tây: thật thà, nhân hậu nhưng mạnh mẽ, quật cường. Nhất là tình yêu giữa hai con người bất hạnh Hai Đời (Quang Tuấn) và Bé Ba (Ngọc Trinh). Nó không phải đến từ những cuộc hẹn hò lãng mạn, những cảm xúc rung động giới tính mà đến từ cái nghĩa, từ lòng trắc ẩn, sự cảm thông, đùm bọc nhau trong những tháng ngày cơ cực. Mối dây liên kết giữa họ chỉ là những tháng ngày dắt díu nhau nơi đầu đường xó chợ, là những giai điệu buồn vang lên từ cây guitar phím lõm của Hai Đời hòa quyện với tiếng cười, với giọng hát ngây ngô của Bé Ba. Tình yêu đó bình dị, nhẹ nhàng, nhưng sâu đậm, lâu bền. Nó tiếp thêm sức mạnh để người ta có dũng khí sống tiếp trong nghiệt ngã của số phận, và cả dũng khí để tha thứ, hy sinh. Cho nên hai vợ chồng Bé Ba đặt tên cho con là Như và Ý cũng là gửi gắm một niềm tin rất mạnh mẽ vào cuộc đời.

Lâu lắm rồi Ngọc Trinh mới có một vai thật hay như thế. Cô Bé Ba khờ khạo nhưng thi thoảng rất thông minh, nhạy cảm, khiến Ngọc Trinh cứ như đi trên sợi dây mỏng manh, chỉ cần nghiêng qua bên nào một chút thì sẽ thấy quá lố ngay, thấy giả ngay. Cái tài của Ngọc Trinh là làm khán giả khóc vì số phận của cô, nhưng cũng làm khán giả cười tưng bừng vì nét trong trẻo dễ thương dí dỏm. Quang Tuấn thì đẹp hẳn lên trong một nhân vật hào hiệp trượng nghĩa của đất phương Nam, không cần sự hỗ trợ của trang phục hào nhoáng hoặc những mảng miếng câu khách. Làm nghề như vậy mới thỏa lòng, mới là thử thách cho người nghệ sĩ. Cả hai đều xứng đáng với huy chương vàng được trao.

Những nhân vật phụ như anh Tám thiến heo (Khương Ngọc), chú Sơn bán cá (Lê Anh), bà Sáu ăn xin (Hồng Trang)... làm thêm nét tươi tắn cho vở diễn. Ai cũng giỏi tung hứng mảng miếng hài, điểm thêm những tia sáng về một cộng đồng biết bảo bọc lẫn nhau để cùng sống tử tế hơn. Cho nên dù có đắng cay nhưng đoạn kết của vở diễn đã mang lại dư vị ngọt ngào đúng chất Nam bộ. Khi những nghệ sĩ bước ra sân khấu chào tạm biệt, trong tiếng vỗ tay có những giọt nước mắt mà khán giả chưa kịp lau khô.                                                                      

Hoàng Kim - Vũ Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.