Siêu bão Hải Yến sẽ đổ bộ miền Trung, gây mưa lớn đến Hà Nội

07/11/2013 14:20 GMT+7

(TNO) Đến 7 giờ sáng nay 7.11, siêu bão Hải Yến đã có gió mạnh cấp 17, cấp tối đa, tức là từ 202-221 km/giờ. Dự báo rạng sáng 9.11, siêu bão này sẽ đi vào biển Đông.


Bản đồ dự báo đường đi của siêu bão Hải Yến - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Sáng nay, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đã họp khẩn cấp bàn giải pháp đối phó với siêu bão Hải Yến, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, ông Cao Đức Phát.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đến 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão còn cách đảo Minladao, Philippines 730 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 17 tức là từ 202-221 km/giờ, giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão này di chuyển hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35 km. Đến sáng 9.11, siêu bão Hải Yến sẽ đi vào biển Đông.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ đêm 8.11, vùng biển phía đông biển Đông gió mạnh lên cấp 9 - 10, sau tăng lên cấp 12 - 13. Vùng gần tâm bão đi qua, gió mạnh cấp 14 - 15, giật trên cấp 17, biển động dữ dội.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết hiện tại siêu bão này đã mạnh hết cấp dự báo. Khi vào bờ, nếu bão tiếp tục đi lan ra theo hướng bắc ven biển miền Trung thì sẽ gây mưa lớn đến cả khu vực Hà Nội.

Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho rằng siêu bão này sẽ gây sóng lớn, đặc biệt nguy hiểm với tàu thuyền.

“Bằng mọi cách phải yêu cầu tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi tránh bão an toàn. Còn khi bão vào, tàu thuyền có gặp nạn nhưng sóng to gió lớn thì các tàu hải quân cũng không thể trụ nổi để đi ứng cứu”, ông Tỵ nói.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh siêu bão Hải Yến là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm gần đây. Bão đang ở cấp 17 và di chuyển rất nhanh. Dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung trong khoảng thời gian từ tối ngày 10 đến rạng sáng 11.11 với ở cấp 12 - 13, giật cấp 14 - 15.

Bắt đầu từ hôm nay, các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An sẵn sàng phương án phòng tránh bão, di dân vùng ven biển; tìm mọi cách thông báo, kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú.

Ông Phát lưu ý các công trình phục vụ người dân đến tránh bão phải có sức chịu đựng gió cấp 12 trở lên để đảm bảo an toàn.

Cũng theo ông Phát, bắt đầu từ sáng 10.11, các địa phương chủ động ra lệnh cấm biển. Trên khu vực đất liền, từ tối 10.11, ở vùng có gió cấp 10 trở lên, công an chủ động cấm đường, không để phương tiện lưu thông khi bão đổ bộ.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.