Phòng chống tham nhũng: Mới bắt được 'sâu' nhỏ

07/11/2013 10:25 GMT+7

(TNO) Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến đã bày tỏ hàng loạt lo ngại xung quanh công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) ở hội trường sáng nay 7.11.

Khai mạc phiên tòa xét xử vụ tham nhũng lớn tại Công ty cho thuê tài chính II
Các bị cáo trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII). Đây là một trong những vụ án tham nhũng “khủng” nhất từ trước đến nay bị phát hiện, truy tố - Ảnh: L.N

Ông Tiến cho rằng công tác PCTN năm 2013 chưa đạt yêu cầu, tham nhũng chưa thực sự được đẩy lùi ngăn chặn dù luật PCTN đã được bổ sung, sửa đổi: “Cơ quan, lực lượng PCTN đã được tổ chức đồng bộ từ T.Ư đến địa phương, bày binh bố trận rầm rộ, khí thế hừng hực song tội phạm tham nhũng chưa sát thương là bao nhiêu”.

“Cử tri cho rằng nợ xấu tài chính tiền tệ cũng đáng lo ngại song lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong PCTN”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, tại kỳ họp này nhiều ĐB phấn khởi khi được nghe Chánh án TAND Tối cao thông báo chuẩn bị xét xử những vụ án tham nhũng gây thiệt hại lớn cho Nhà nước nhưng cũng còn không ít băn khoăn vì “việc xem xét xử lý mới dừng lại ở trách nhiệm các lãnh đạo của tổng công ty, tập đoàn nhà nước trong khi những người này không tự mình gây ra nếu như không có sự buông lỏng quản lý thậm chí tiếp sức đồng hành, đồng lõa của cơ quan quản lý nhà nước”.

 
Việc xem xét xử lý mới dừng lại ở trách nhiệm các lãnh đạo của tổng công ty, tập đoàn nhà nước trong khi những người này không tự mình gây ra nếu như không có sự buông lỏng quản lý thậm chí tiếp sức đồng hành, đồng lõa của cơ quan quản lý nhà nước
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến
“Dư luận cho rằng PCTN hiện nay mới chỉ bắt được sâu nhỏ đục khoét cành chưa bắt được sâu lớn đục khoét thân cây, gốc rễ. Đó mới là nguyên nhân chính gây suy kiệt nhựa sống của cơ thể xã hội”, ông Tiến cho biết.

Ông Tiến chỉ ra một thực tế lo ngại là gần đây người dân không mấy mặn mà về PCTN, vì khi họ cung cấp thông tin cho cơ quan PCTN thì không được quan tâm xử lý cũng không phản hồi. Bên cạnh đó, người chống tham nhũng đôi khi lại là nạn nhân của kẻ tham nhũng, vì kẻ tham nhũng có tiền có quyền lực, không từ thủ đoạn nào trả thù.

“Người tố cáo tham nhũng đơn thương độc mã, tạo nên tâm lý xã hội người ngay sợ kẻ gian, thờ ơ”, ông Tiến chỉ rõ.

Bên cạnh đó, ĐB này cũng chỉ rõ luật PCTN quy định trách nhiệm người đứng đầu song quy định này lại có tính hai mặt là do sợ trách nhiệm nên khi xảy ra hiện tượng tham nhũng thì người đứng đầu lợi dụng chức quyền để biến báo, phù phép các số liệu để chỉ xử lý ở mức hành chính.

“Có đại biểu tâm sự mỗi khi ra họp QH là được lãnh đạo địa phương căn dặn muốn phát biểu gì cũng được nhưng trừ tham nhũng ra vì sợ ảnh hưởng đến cơ chế xin cho, vạch áo cho người xem lưng. Như vậy, tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn của QH”, ông Lê Như Tiến nói.

Bên cạnh đó: “Chúng ta lên án hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài nhưng lại chưa nghiêm khắc với hành vi chuyển dịch tài sản cho người thân của những quan chức tham nhũng”.

Từ những bất cập trở ngại nói trên, Phó chủ nhiệm Lê Như Tiến kiến nghị cần thành lập cục điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN, cơ quan này có cơ chế đặc biệt có thể xử lý dứt điểm, hiệu quả cả tham nhũng trong cả bộ máy PCTN.

Thái Sơn

>> Ông Nguyễn Bá Thanh: Siết lại việc cho tội phạm tham nhũng hưởng án treo
>> Chậm xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế vì... thiếu tiền
>> Phải nghiêm khắc với tội phạm tham nhũng
>> Quốc hội cần lập cơ quan độc lập điều tra tội phạm tham nhũng
>> Nhiều án tham nhũng lớn “tắc” vì giám định tư pháp
>> Vụ tham nhũng tại ALC II: 10 hợp đồng khống giải ngân gần 800 tỉ đồng
>> Xét xử vụ án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.