Đến trường bằng xe ngựa

02/11/2013 03:00 GMT+7

Cảm giác đến trường trên chiếc xe ngựa , nghe tiếng vó ngựa khua lúc nhanh lúc chậm gõ lốc cốc trên đường quê thật thú vị.


Xe ngựa đón đưa học sinh ở Trường tiểu học thị trấn Tứ Kỳ - Ảnh: V.N.K 

Học sinh tiểu học đi học bằng xe ngựa đã trở nên quen thuộc với người dân thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương nhiều năm nay.

Ông Nguyễn Văn Lực (khu Tỉnh Nam, thị trấn Tứ Kỳ) đã có 7 năm làm nghề chạy xe ngựa đưa đón học sinh. Hằng ngày, vợ chồng ông dậy từ lúc 5 giờ để cho ngựa ăn và giúp đưa đón cho gần 90 gia đình có con học ở Trường tiểu học thị trấn Tứ Kỳ.

Ngày 4 lượt, ông Lực đưa đón học sinh tuyến đường vào chợ Yên còn vợ ông đảm nhiệm tuyến đi cầu Vạn dài khoảng 2 km. Những ngày đầu, ông Lực dùng chiếc xe ngựa kéo than để phục vụ 20 học sinh với giá là 100.000 đồng/ tháng/học sinh. Về sau nhiều phụ huynh có nhu cầu nên ông tăng thêm diện tích thùng xe, đầu tư thêm một xe ngựa nữa và nâng giá lên 150.000 đồng/tháng.

Mỗi chiếc xe chở được khoảng 40 học sinh. Các em ngồi đối diện trên 2 ghế dọc thành xe dài khoảng 3 mét, cặp sách để ở giá trên mui xe. Một chiếc quạt điện chạy bằng ắc quy được buộc vào đầu xe để chống nóng. Vừa chạy xe, ông Lực cho biết: “Các cháu được gia đình tôi đưa đi, đón về an toàn, không để sót cháu nào. Cũng chưa có sự cố nào, trừ vài lần thủng săm vì đinh. Trên xe cũng có sẵn săm lốp để thay bất cứ khi nào”.

Ngoài 2 xe ngựa của vợ chồng ông Lực, còn có một chiếc xe ngựa và một xe 3 bánh tự chế khác đưa đón học sinh, nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết dịch vụ này là kết quả của sự thỏa thuận giữa phụ huynh với chủ xe mà không liên quan tới nhà trường hay chính quyền địa phương. Theo đó, phụ huynh phải làm một đơn đăng ký, sau đó hai bên làm hợp đồng nêu rõ giá cả và các cam kết, nghĩa vụ khác.

Gặp chúng tôi ở cổng trường, em Trịnh Hoài Đức, lớp 2B, Trường tiểu học thị trấn Tứ  Kỳ, cho biết đã được đi học bằng xe ngựa từ năm lớp 1, Đức bảo: “Cháu thích đi học bằng xe ngựa vì có bạn cùng chơi trên xe, nhưng vào mùa hè thì hơi nóng, dù trên xe đã có quạt rồi”. Em Tiêu Thị Thúy Nga, học sinh lớp 3A, có mẹ bán hàng ở chợ Yên, cũng đi học bằng xe ngựa từ năm lớp 1. “Ngày nào cháu và các bạn cũng tập trung ở gần nhà để bác Lực đến đón, vui lắm”, Nga nói.

Cũng có con học ở trường này, nhưng ông Nguyễn Văn Hưởng, nhà ở khu cầu Vạn, không cho con đi xe ngựa vì không thực sự an toàn. “Nhiều người cũng lo lắng nhưng chưa có lựa chọn khác”, ông Hưởng nói.

Không thể phủ nhận sự tiện lợi của dịch vụ hiếm có này, nhưng chúng tôi cũng phân vân khi nhìn những chiếc xe ngựa chở đầy học sinh chạy trên đường. Nhất là khi những hành khách nhí khi lên xe thường nô đùa khiến chiếc xe chao lắc và kêu ken két. 

Dù lo lắng những bất trắc có thể xảy ra đối với học sinh khi đi học bằng xe ngựa, nhưng theo ông Nguyễn Văn Trong, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Tứ Kỳ, dịch vụ này xuất phát từ những khó khăn của nhiều bậc phụ huynh. Vì vậy, ông Trong cho rằng thay vì cấm đoán thì cơ quan chức năng nên có sự quản lý, giám sát tốt. “Địa phương chúng tôi còn nghèo, không có điều kiện xây nhà bán trú, mua xe ô tô đưa đón học sinh nên các em mới phải đi xe ngựa. Nhưng tôi nghĩ, nếu được quản lý chặt thì dịch vụ này sẽ ổn hơn, bớt nguy cơ hơn”, ông Trong nói. 

Bình luận

 

“Ước gì quay ngược lại tuổi thơ để được đến trường bằng xe ngựa. Rất muốn thử cảm giác này. Có lẽ chắc vui lắm. Có một sự ghen tị nhẹ với các em học sinh ở đây”. (Trần Ngọc Toàn, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Phan Đăng Lưu, TP.HCM).

 

“Việc đi học bằng xe ngựa như thế này rất lạ mắt và độc đáo. Mình nghĩ nó phù hợp và tiện dụng đối với học sinh ở những vùng khó khăn. Nhưng không phải là cách an toàn và lâu dài”. (Thanh Thảo, học sinh lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu).

 

“Thấy thương các học sinh ở những vùng nghèo này. Mình thấy hơi lo ngại về vấn đề an toàn. Hy vọng là phụ huynh có thể dành chút ít thời gian đưa con em đi học hoặc sắm một phương tiện an toàn hơn”. (Nguyễn Thị Phương Thảo, học sinh lớp 10A2, Trường THPT Ngô Quyền, Biên Hòa, Đồng  Nai)

Xuân Phương (ghi)

Khi người ta trẻ: Đừng bỏ qua những lời nhắc nhở

Mối tình đầu đến khi tôi 19 tuổi. Như chú cá tí hon lần đầu bơi ra biển lớn của cuộc đời, tôi vô cùng choáng ngợp, thấy cái gì cũng lung linh, hấp dẫn và đáng yêu như chính tình yêu đầu đời của mình vậy. Ba mẹ bắt đầu nhắc nhở, ông bà lo tôi mải mê yêu mà lơ là việc học. Mỗi tuần tôi chỉ được gặp người yêu vào thứ bảy, đi chơi phải về nhà trước 9 giờ tối... Bao quy định khắt khe được đặt ra để kiểm soát chuyện yêu đương, học hành của tôi khiến có lúc tôi thấy khó chịu, ngột ngạt. Tôi cho rằng ba mẹ không thương mình nên mới siết kỹ vậy. Thậm chí tôi từng có ý định bỏ nhà đi như một cách phản kháng (ý định ấy đến giờ vẫn làm tôi xấu hổ mỗi khi nhớ lại).


Minh họa: Văn Nguyễn

Nhưng tôi chưa kịp bỏ đi đâu cả thì người yêu đã bỏ tôi để tung tăng bên người khác. Sau thời gian đau khổ, tuyệt vọng đến mức có lúc chỉ muốn chết quách cho xong, tôi nhận ra rằng nếu tôi không biết yêu quý bản thân mà cứ hành hạ mình trong chuỗi suy nghĩ tiêu cực triền miên thì làm sao ai khác có thể yêu tôi? Và dẫu có la rầy, thậm chí cấm đoán tôi trong nhiều trường hợp thì ba mẹ, hơn ai hết, vẫn lo lắng và yêu thương tôi hơn bất kỳ ai khác trên thế gian này.

Nếu bạn còn trẻ, bạn có thể yêu theo cách của mình, có thể sống hết mình với tình yêu ấy nhưng đừng bỏ qua những lời nhắc nhở, khuyên răn của bố mẹ. Bởi còn trẻ nên bạn dễ sai lầm, vấp ngã, chứ bố mẹ thì rất ít khi sai!

Giao Lê

Vũ Ngọc Khánh

>> Dấu xưa xe ngựa
>> Dạo làng quê Nha Trang bằng xe ngựa
>> Đến Huế, du xuân trên xe ngựa
>> TP.HCM đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài
>> Đi học mà không được chạy nhảy !
>> Cha theo con đi học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.