Không ai đầu tư cho thiết kế

30/10/2013 03:15 GMT+7

Công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam còn non nớt. Một trong những biểu hiện là khủng hoảng thiếu nhà thiết kế.

Giấc mơ thương hiệu

 
Ngành công nghiệp thời trang Việt Nam thiếu nhà thiết kế giỏi lẫn công nghiệp phụ trợ - Ảnh: Đỗ Tuấn

Khi nhà thiết kế Ngô Thái Uyên được giải thưởng thời trang tại Singapore, cô đã vô cùng hào hứng với việc tạo dựng một hãng thời trang của riêng mình. Lúc đó là năm 1997, thời trang Việt có những chuyển mình khá rõ. Nhưng rồi, do chưa có công nghiệp phụ trợ, nên thương hiệu riêng của cô cũng đóng cửa. Còn tình hình chung, theo ông Đinh Công Đạt, giám đốc sáng tạo tại Việt Nam của một hãng đồ hiệu: “Cho tới giờ, những nhà thiết kế thực sự chứ không phải trang trí quần áo, ở Việt Nam còn quá ít, quá thiếu, dù các bộ sưu tập vẫn ra đều đều”.

Một lĩnh vực thiết kế khác cũng “khủng hoảng” là typography. Typography ghép từ typo và graphic để mô tả nghệ thuật sắp đặt và kỹ thuật ghép chữ trong in ấn. Nó giúp người xem dễ đọc, chuyển tải ý đồ của người thiết kế. Thiết kế chữ là điều không thể thiếu với mọi nhãn hàng, quảng cáo. Tuy nhiên, ở Việt Nam tính đến nay mới chỉ có 2 người được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành này.

Ông Đam Ca, một trong hai cá nhân đó, cho biết các mẫu phông chữ tiếng Việt phần lớn là sử dụng phông chữ nước ngoài rồi thêm dấu tiếng Việt vào. Do đó các mẫu chữ sẽ bị hạn chế. Chẳng hạn, khi có một dấu thứ hai của chữ, nó có thể rơi vào những vị trí không chuẩn. Dấu huyền theo thói quen của người Việt thường rơi lệch về bên  phải. Tuy nhiên, trong nhiều mẫu thiết kế nó lại rơi lệch về bên trái. Đây chính là do quan điểm khi xây dựng phông chữ tiếng Anh, các dấu hay lệch về bên trái. Những phông chữ chưa hoàn thiện như vậy sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng rất nhiều.

Trong chương trình Xưởng thời trang của VTV6, một nhà thiết kế thường được mời đến là bà Christina Yu. Bà chủ thương hiệu Ipa Nima này đã tự thiết kế túi, rồi đặt may chúng tại nhiều làng nghề Việt Nam. Nhà thiết kế Tôn Hiếu Anh, một biên tập viên của chương trình, cho biết những chiếc túi làm bằng tay duyên dáng đặc biệt này được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Nhưng ngay tại Việt Nam lại ít người biết vì công chúng của ta còn mải chạy theo các mác hàng “khủng” từ nước ngoài, chủ yếu do tâm lý đám đông. Lối ra cho nghề thủ công truyền thống đã bị chặn ngay tại Việt Nam, chỉ vì chúng ta thiếu nhà thiết kế có thể nhìn ra và vận hành chuỗi sáng tạo đó.

Trong khi đó, nếu được vận hành đúng, thậm chí đây còn là một ngành công nghiệp thu lợi lớn. “Tôi đã nghe kể những câu chuyện về quà tặng ngoại giao. Có những món quà được gói như nhiều cửa hàng lưu niệm cổng trường gói. Nghĩa là hộp bìa các tông đen. Bọc giấy đơn giản sơ sài bên ngoài. Nó không đủ độ sang trọng”, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cho biết. Ông Đạt cũng là người từng được mời thiết kế những món quà có vỏ hộp phải làm bằng tay đủ cầu kỳ, tinh tế cho khách sang. Tuy tiền thù lao xứng đáng, nhưng không nhiều người như ông Đạt có thể làm được như vậy.

 

Tôi thấy từ công nghiệp sáng tạo hơi xa vời. Chúng ta có coi trọng thiết kế đâu. Trong khi đó, không có thiết kế thì mãi mãi chúng ta chỉ trông đợi mẫu nước ngoài

Ông Vũ Hy Thiều, cố vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Cần một chiến lược quốc gia

Tại hội thảo quốc tế về công nghiệp sáng tạo hôm 28.10, ông Vũ Hy Thiều, cố vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nhận xét: “Tôi thấy từ công nghiệp sáng tạo hơi xa vời. Chúng ta có coi trọng thiết kế đâu. Trong khi đó, không có thiết kế thì mãi mãi chúng ta chỉ trông đợi mẫu nước ngoài. Tôi thấy nhiều doanh nghiệp liệt kê chi phí vào đi lại, tiếp khách nọ kia, mà không ai đầu tư một đồng nào cho thiết kế”.

Bà Nguyễn Mai Anh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại, Sở Công thương Hà Nội, cũng thừa nhận: “Ngành thiết kế hiện nay rất thiếu và yếu về thời trang, chế tạo, máy móc, thủ công... Trong khi thiết kế công nghiệp rất quan trọng và trở thành điểm sống còn của doanh nghiệp”.

Nhà thiết kế Ngô Thái Uyên giới thiệu một mô hình hỗ trợ nhà thiết kế đã được vận dụng tại Anh quốc. Mô hình có tên COCKPIT kết hợp nhiều chuyên gia từ các ngành khác nhau. Nhờ đó, một nhà thiết kế đồ họa có thể ngồi với một người thiết kế thời trang... COCKPIT cũng cho thuê văn phòng theo tháng hay theo diện tích. Mỗi tháng họ tổ chức triển lãm, trình diễn để nhà thiết kế có thể nói trực tiếp về kế hoạch sáng tạo của mình. “Họ có những gói dịch vụ nhỏ để hỗ trợ mọi nhu cầu, mọi vấn đề của nhà thiết kế từ nhỏ đến lớn. Mô hình này có thể áp dụng tốt ở Hà Nội và TP.HCM, giải quyết được các vấn đề cho nhà thiết kế”, bà Uyên nói.

Còn theo bà Mai Anh, tùy từng lĩnh vực mà nhà nước có thể hỗ trợ khác nhau. Chẳng hạn, nhà nước ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp thủ công, các doanh nghiệp xuất khẩu, vốn yếu về nghiên cứu mẫu mã. “Hà Nội mấy năm qua đã mời chuyên gia Thụy Điển, Hà Lan về hỗ trợ mảng này. Hiện tại mới chỉ là bắt đầu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy đây là một nỗ lực của nhà nước”, bà Mai Anh cho biết.

Về hình thành chính sách, dự kiến cuối năm nay, Bộ VH-TT-DL sẽ cho ra đời Chiến lược quốc gia để phát triển công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa. “Nếu chỉ dừng lại ở những nỗ lực mang tính chất cá nhân ở các doanh nghiệp thì rất khó phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam", ông Bùi Hoài Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, khẳng định.

Trinh Nguyễn

>> Show thời trang 'Cảm ơn Sài Gòn' của Công Trí
>> Lý Nhã Kỳ và Giám đốc Viện mẫu thời trang Pháp thăm xưởng may
>> NTK Công Trí làm liveshow thời trang cảm ơn... Sài Gòn
>> Triển lãm thời trang len
>> Diễn đàn thời trang quốc tế tổ chức tại Việt Nam
>> Diễn thời trang trong đêm nhạc 'Dấu ấn - Trần Mạnh Tuấn
>> Công nghệ 'chiếu tướng' hàng thời trang 'nhái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.