Vụ Dân bắt giữ 3 công nhân, gây tắc nghẽn QL1A: Triển khai ngay 3 việc cấp bách

29/10/2013 03:00 GMT+7

Sáng 28.10, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đến hiện trường thị sát tình trạng sạt lở cửa Đại và dòng sông Phú Thọ bị cát bồi lấp, đồng thời đối thoại với người dân xã Nghĩa An (H.Tư Nghĩa).

Sáng 28.10, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đến hiện trường thị sát tình trạng sạt lở cửa Đại và dòng sông Phú Thọ bị cát bồi lấp, đồng thời đối thoại với người dân xã Nghĩa An (H.Tư Nghĩa).

 Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng (trái) trao đổi ý kiến với người dân Nghĩa An - Ảnh: Hiển Cừ

Như Thanh Niên phản ánh, ngày 27.10, do bức xúc việc nạo vét gây sạt lở cửa Đại và sông Phú Thọ bị bồi lấp nên người dân xã Nghĩa An kéo lên QL1A tụ tập, phản đối, gây tắc nghẽn giao thông. Sau khi lãnh đạo tỉnh trực tiếp gặp gỡ, giải thích, người dân đã giải tán trở về nhà, 3 công nhân mà người dân bắt giữ trái pháp luật cũng được giải thoát.

Sau khi thị sát hiện trường, lãnh đạo tỉnh đã có buổi đối thoại, giải đáp những ý kiến bức xúc, lo lắng của người dân, đồng thời đưa ra phương án khắc phục. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhấn mạnh: “Có 3 vấn đề cấp bách nhất cần phải làm ngay. Thứ nhất là phải kè chống sạt lở cửa Đại. Thứ hai nạo vét, thông luồng sông Phú Thọ cho tàu bè ra vào. Thứ ba là triển khai hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho bà con. Bắt đầu từ hôm nay, mọi công việc trên phải được tiến hành”.

Theo ông Thưởng, để khắc phục sạt lở khu vực cửa Đại, trước đây Sở NN-PTNT đề xuất phương án đóng kè bằng cọc tre kết hợp với bao cát chắn, nhưng làm được một đêm đã bị sóng cuốn phăng. “Nghe ý kiến các chuyên gia thì thấy trước mắt xử lý vấn đề sạt lở là dùng loại cừ sắt dài 12 - 14 m, rộng 0,4 m. Đó là cái trước mắt, nhưng về mặt lâu dài cần phải có nghiên cứu dòng chảy, thủy văn, độ sâu để có giải pháp phòng, chống sạt lở bền vững”, ông Thưởng nói.

Cũng theo ông Thưởng, vấn đề cấp thiết nữa là làm sao thông luồng để tàu thuyền của ngư dân nhanh chóng ra khơi. Ông Thưởng đưa ra 2 phương án, đó là khu vực này hiện có một dòng chảy khoảng 5 - 6 m từ sông Phú Thọ ra cửa Đại, cần nạo vét rộng thêm 20 m để tàu cá ra vô được; hoặc phương án khơi thông luồng sông Phú Thọ bị cát bồi lấp. “Phương án nào cũng có ưu và nhược điểm, đặc biệt là làm kè và thông luồng. Do vậy, chính quyền phải tính toán làm sao cho hiệu quả nhất, nhanh nhất và được sự đồng thuận từ phía người dân”, ông Thưởng chỉ đạo.

Đối với việc tàu thuyền không ra khơi được ảnh hưởng đến đời sống của người dân, ông Thưởng cho biết tỉnh sẽ có phương án hỗ trợ. Cụ thể, tàu cá công suất trên 200 CV hỗ trợ 20 triệu đồng, tàu cá từ 90 - 200 CV hỗ trợ 15 triệu đồng và dưới 90 CV hỗ trợ 10 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo H.Tư Nghĩa và xã Nghĩa An thống kê thiệt hại từ hồ tôm, vườn nhà bị sạt lở để bồi thường cho dân.

Tại cuộc đối thoại, ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh, cũng nhất trí cho rằng cần phải làm ngay công tác khắc phục sạt lở cửa Đại và thông luồng sông Phú Thọ. Riêng việc hỗ trợ cho người dân, ông Khoa nói tỉnh còn tính đến phương án hỗ trợ an sinh cho những người không đi lao động được (những ngư dân đi bạn trên các tàu cá nhưng tàu cá không ra khơi được - PV), đồng thời kêu gọi người dân cần có sự thông cảm chia sẻ trước những khó khăn chung để thống nhất mức hỗ trợ.

Hiển Cừ

 >> Dân bắt giữ 3 công nhân, gây tắc nghẽn QL1A
>> Vụ dân bắt giữ 3 công nhân: Khẩn trương khắc phục sạt lở cửa biển, thông luồng lòng sông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.