Quy hoạch 1/2.000 tại TP.HCM: Lời hứa và cách làm mới

28/10/2013 03:00 GMT+7

Mạnh mẽ đưa ra lời hứa và đã thực hiện được việc phủ kín đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 trên địa bàn trong bối cảnh tồn đọng gần 300 đồ án, các quy hoạch chồng chéo, thủ tục hành chính nhiêu khê trong vòng 1 năm, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên về những áp lực, phương pháp và những kết quả đầu tiên khi đồ án quan trọng này được hoàn thành.

Mạnh mẽ đưa ra lời hứa và đã thực hiện được việc phủ kín đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 trên địa bàn trong bối cảnh tồn đọng gần 300 đồ án, các quy hoạch chồng chéo, thủ tục hành chính nhiêu khê trong vòng 1 năm, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên về những áp lực, phương pháp và những kết quả đầu tiên khi đồ án quan trọng này được hoàn thành.

Quy hoạch 1/2.000 tại TP.HCM: Lời hứa và cách làm mới
Nhiều dự án đã được xóa "treo" - Ảnh: Đình Sơn

Để phủ kín đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 trên địa bàn TP, khối lượng công việc phải giải quyết là quá lớn, điều gì buộc ông phải hứa ?    

Quy hoạch chi tiết 1/2.000 là một trong những tiêu chí để cấp phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất cho người dân và cũng là cơ sở để phát triển đô thị một cách bền vững, đồng bộ... Là người phụ trách trực tiếp về quy hoạch phân khu, tôi thấy mình phải có trách nhiệm nên đã hứa với lãnh đạo TP, sẽ thực hiện xong nhiệm vụ này trước ngày 30.9 như mọi người đã biết.

Trước khi hứa, ông có chuẩn bị gì cho việc này chưa ?

Thực ra việc này là một trong những chương trình hành động nằm trong kế hoạch của tôi. Từ giữa năm 2012, tôi đã chuẩn bị lộ trình, cách làm và cũng đã báo cáo TP về giải pháp thực hiện.

Quy hoạch 1/2.000 tại TP.HCM: Lời hứa và cách làm mới
Ông Nguyễn Thanh Toàn

Trước ông, một số người cũng đưa ra lời hứa tương tự nhưng bao năm qua vẫn không thể "dứt điểm" được, ông đã làm thế nào để hoàn thành việc này ?

Cải cách thủ tục hành chính và phối hợp trực tiếp giữa các bên liên quan, đó là hai yếu tố quyết định. Tôi ví dụ, cách làm cũ là tư vấn lập quy hoạch, chuyển cho quận, quận chuyển cho Sở thẩm định, Sở đối chiếu các điểm A,B,C... căn cứ trên quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển chung... Nếu thấy không phù hợp thì ra văn bản hướng dẫn, yêu cầu sửa. Cách này không sai nhưng không có sự đeo bám. Văn bản đi đâu, nằm ở đó bao lâu, khi nào quay lại không ai kiểm soát, không ai đôn đốc. Có nội dung tư vấn không hiểu ý của Sở nhưng cũng làm đại cho có, rồi làm không đạt yêu cầu, thậm chí không làm. Nên khi nộp lên, Sở gửi lại sửa, cứ như vậy mất rất nhiều thời gian mà hiệu quả thì không có. Để khắc phục việc này, phải khống chế được tiến độ thời gian. Muốn như vậy, phải đeo bám, phải nhắc nhở liên tục. Đó là cách làm của tôi. Thay vì gửi văn bản, tôi yêu cầu trực tiếp 3 bên ngồi lại với nhau. Ai cần gì, vướng chỗ nào, giải quyết ra sao đều thực hiện tại chỗ. Cái gì tư vấn lúng túng, tôi sẽ mời các bên liên quan lại gỡ cho tư vấn. Tư vấn làm xong gửi cho quận ký. Quận ký trong vòng mấy ngày, phải có cam kết cụ thể. Sở cũng vậy, chừng nào trình ủy ban phải có thời hạn rõ ràng và sòng phẳng với nhau. Làm như vậy mới khống chế được tiến độ thời gian.

Nhưng chỉ cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng cũng rất khó để giải quyết nhanh mọi việc, thưa ông ?

Đúng thế. Cải cách thủ tục hành chính là yếu tố tối quan trọng giúp tôi hoàn thành lời hứa của mình. Đơn cử, theo quy định của luật Quy hoạch đô thị, một đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500... đều phải trải qua hai bước: nhiệm vụ và đồ án. Mỗi bước đều phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vòng 30 ngày trong khi cái người dân quan tâm nằm hết trong bước "đồ án". Vì vậy, tôi đã rút ngắn bằng cách, lập "nhiệm vụ" song song với lập "đồ án". Tư vấn khi đã có góp ý của quận, huyện, thông qua Sở rồi mới lấy ý kiến dân, rút ngắn được 30 ngày. Sắp tới tôi sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng áp dụng cách này để khỏi chờ qua chờ lại.

Một cái nữa là các đồ án khi trình ký phê duyệt là phải 17 bộ bản vẽ (trước Bộ Xây dựng quy định 20 bộ nhưng chúng tôi tinh gọn lại 17 bộ). Khi tư vấn in ra 17 bộ, chỉ việc đi đóng dấu - ký tên, nhanh cũng phải hằng tháng trời mới xong. Nhưng chưa hết, khi trình ủy ban đồng ý thì không sao. Nếu không đạt, trả về thì 17 bộ bản vẽ sẽ được đem đi cân ký. Vừa lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức. Để tránh chuyện này, tôi cho làm bản nháp. Sau khi quận - tư vấn - Sở thống nhất về nội dụng sẽ photo ra 3 bộ rồi ký trên bản nháp đó. Nếu ủy ban phê duyệt mới in ra 17 bộ. Làm thế này vừa đỡ lãng phí, vừa rút ngắn quy trình, tiết kiệm thời gian.

Cải cách thủ tục hành chính là yếu tố tối quan trọng giúp tôi hoàn thành lời hứa của mình

Ngay sau khi đồ án quy hoạch chi tiết được công bố, đã có dự án xin điều chỉnh khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu áp lực lời hứa có khiến nhiều nơi đã bị làm qua loa hay không ?  

Đúng là có hiện tượng này nhưng số dự án xin điều chỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay trong tổng số 283 dự án mà chúng tôi đã giải quyết. Lý do là khi thực hiện chúng tôi đã "chốt" các đồ án nhưng giữa chừng chủ đầu tư muốn điều chỉnh (do lỗi thời so với quy hoạch chung) mà các quận - huyện chưa cập nhật chứ không phải chúng tôi làm nhanh, làm ẩu.

Những kết quả đầu tiên có thể nhìn thấy được kể từ khi đồ án được hoàn thành?  

Trong 283 đồ án hoàn thành thì có 101 đồ án điều chỉnh và 182 đồ án làm mới. Rất nhiều quận - huyện đã công bố công khai những đồ án này nên người dân rất mừng. Họ biết được nơi mình ở phát triển thế nào, nhà của mình - đất của mình sẽ là cái gì. Nhưng cái quan trọng nhất là giải tỏa được vướng mắc của người dân về các quy hoạch treo lâu năm. Bởi trước khi thực hiện đồ án, chúng tôi đã tổng rà soát lại các dự án. Cái nào cần xóa thì xóa, cái nào cần điều chỉnh, điều chỉnh ngay. Ví dụ dự án quy hoạch 250 ha đất tại hai phường Thạnh Xuân và Thới An (quận 12) để làm công viên cây xanh từ năm 1998 đến nay vẫn còn nằm trên giấy do không kêu gọi được vốn đầu tư. Chúng tôi đã điều chỉnh lại còn 150 ha, vẫn đảm bảo có công viên cây xanh nhưng cũng khả thi trong thực hiện. Hay khu công nghiệp ở Hiệp Thành treo từ 1998 tới giờ, cũng đã giải quyết. Những dự án lốm đốm da beo, không kết nối hạ tầng chúng tôi đã kết nối lại hết, có hạ tầng xã hội.

Quy hoạch chi tiết 1/2.000 đã có nhưng triển khai chậm trễ đã trở thành căn bệnh của chúng ta, làm thế nào để khắc phục căn bệnh này, thưa ông ?

Phòng Quản lý sau quy hoạch mà chúng tôi chuẩn bị thành lập (dự kiến cuối năm nay xong) sẽ thực hiện việc này. Phòng này sẽ xác định các khu vực ưu tiên phát triển. Ngay sau khi công bố đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000, chúng tôi cũng bắt tay vào tổ chức cắm mốc giới, phân loại những loại công trình ưu tiên thực hiện.

Ông có dự định hứa thêm gì nữa sau khi hoàn thành lời hứa về đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 ?

Với vai trò phụ trách phân khu quy hoạch, tôi sẽ củng cố công tác tổ chức thực hiện quy hoạch và sau quy hoạch sao cho đồng bộ, nền nếp. Hạn chế điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch. Sau quy hoạch rồi thì phải có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc theo đề án phê duyệt. Kiểm soát cho được, phát hiện ngay từ đầu thì xử lý rất đơn giản. Còn để triển khai rồi thì rất phức tạp, rất kẹt. Đó là việc mà tôi dự định sẽ làm trong thời gian tới.

Yêu cầu các quận, huyện công khai minh bạch cho dân biết

Giữa năm 2013, UBND TP.HCM đã quyết định xóa “treo” cho hơn 100 dự án. Nhưng đã mấy tháng trôi qua, người dân ở hầu hết các dự án treo này vẫn không hay biết gì.

Trong khi đó, quyết định của UBND TP về công bố xóa quy hoạch “treo” quy định các địa phương có dự án được xóa “treo” phải công bố, công khai quyết định tại UBND xã, phường, treo bảng công bố tại khu vực có dự án để người dân biết. Người dân có đất trong khu vực dự án vừa xóa “treo” sẽ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được xây, sửa nhà cửa. Việc tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong những dự án vừa được xóa “treo” cũng sẽ được khôi phục. Đặc biệt, nhà đất của người dân trong các khu vực này sẽ được cấp giấy chủ quyền để họ thực hiện các quyền cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng. Khi nào nhà nước thực hiện quy hoạch, người dân sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thu hồi đất.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết Sở sẽ rà soát lại và yêu cầu các quận, huyện công khai minh bạch cho dân biết.

Đình Sơn

Nguyên Hằng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.