Cơ chế không đổi, sang năm báo cáo tham nhũng vẫn thế

28/10/2013 09:00 GMT+7

Ông Lê Nam, Phó trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Thanh Hóa, cho biết cử tri rất hoài nghi về kết quả phòng chống tham nhũng . Bản thân ông thấy rằng có quá ít “sản phẩm” bởi cách cơ cấu, hoạt động của lực lượng chuyên trách.

Cơ chế không đổi, sang năm báo cáo tham nhũng vẫn thế
Ông Lê Nam - Ảnh: Thái Sơn

Từ vụ việc gần nhất là thẩm mỹ viện Cát Tường ở Hà Nội hoạt động sai phép, quảng bá rầm rộ suốt 6 tháng trời nhưng không cơ quan thanh tra nào biết, tới vụ việc ở Vinashin, Vinalines “lọt” hàng loạt cuộc kiểm toán, thanh tra trước khi bị khởi tố, ông đánh giá thế nào về công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng hiện nay?

Có rất nhiều vấn đề, trong đó có cả câu chuyện nghiệp vụ lẫn điều kiện để cho họ làm. Công tác tổ chức, thiết chế cũng đang chi phối đến hiệu lực, hiệu quả của thanh tra, phòng chống tham nhũng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã nói tới việc có tiêu cực ngay trong chính lực lượng chống tham nhũng. Theo ông, đối với những vụ việc đã “lọt lưới” thanh tra, kiểm toán mà sau đó phát hiện thì có nên xem xét xử lý các lực lượng này?

Tài sản của nhiều cán bộ bất minh đấy, dấu hiệu tham nhũng cũng nhiều đấy, nhân dân cũng chả lạ gì những quan tham nhưng ai là người đứng ra kiểm tra, “xử” việc ấy vì quyền hạn quy định hiện nay chưa chỉ rõ, cho phép

Ông Lê Nam

Luật có quy định cả rồi nhưng nhìn nhận, đánh giá lại như thế nào là của cơ quan chức năng. Cơ quan thanh tra qua thanh tra không phát hiện ra tội phạm thì cơ quan công an khi đánh giá lại vụ án đó sẽ phải nhìn nhận xem tại sao cơ quan thanh tra lại không phát hiện ra. Nếu có vấn đề tội phạm thì cơ quan công an, thanh tra kiểm soát phải làm. Thậm chí ngay cả cấp trên của cơ quan thanh tra cũng phải nhìn nhận, đánh giá lại xem tại sao thanh tra rồi mà việc sai phạm ở đó không phát hiện ra. Rồi thì các tổ chức Đảng, cơ quan công luận, báo chí cũng cần xem xét, phản ánh câu chuyện thanh tra “lọt” sai phạm.

 Như ông nói thì trong câu chuyện Vinalines, Vinashin nên xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán vào cuộc trước đó nhưng không phát hiện sai phạm?

Có chuyện thanh tra nhưng thanh tra như thế nào, thanh tra về kinh tế và thanh tra toàn diện sẽ khác với nội dung thanh tra phạm vi hẹp, không đủ sức để phát hiện ra. Những cuộc thanh tra lớn liên quan đến tiêu cực ấy mà anh không phát hiện ra thì vẫn phải đặt lại vấn đề trách nhiệm.

 Các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng theo đánh giá là khá đầy đủ, lực lượng cũng không thiếu, vậy theo ông nguyên nhân vì sao?

Pháp luật rõ ràng nhưng làm thế nào mới là điều quan trọng. Lực lượng phòng chống tham nhũng đang có vấn đề nên cần phải tính toán về mặt thiết chế và tổ chức. Khi thảo luận về Hiến pháp và luật Phòng chống tham nhũng, tôi vẫn tha thiết đề nghị với QH cần có một cơ quan phòng chống tham nhũng đủ mạnh, còn thiết chế của chúng ta hiện nay rất khó làm. Chúng ta có nhiều cơ quan chống tham nhũng nhưng mối quan hệ của các cơ quan ấy rất rời rạc và chưa đủ mạnh. Chúng ta luôn nói tăng cường chỉ đạo mà những chỉ đạo, định hướng chỉ về mặt chủ trương thôi chứ không phải làm trực tiếp. Các cơ quan phòng chống tham nhũng của chúng ta hiện nay ở Bộ Công an chỉ có một cục, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ có một cục và như vậy tựu trung lại trên một đất nước rộng mênh mông với bao nhiêu ngành, bao nhiêu đầu mối… như thế này thì chỉ trông vào lực lượng nòng cốt như vậy không ổn. Trưởng ban Nội chính T.Ư trước khi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ đã trăn trở về trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng, đáp ứng được mong muốn của người dân, muốn “hốt liền” các sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng… nhưng bây giờ chúng ta thấy rất khó, bởi đơn cử như Ban Chỉ đạo T.Ư là cơ quan lãnh đạo, cơ quan chỉ đạo không thể làm được. Theo luật pháp phải là các điều tra viên, kiểm sát viên, những người được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, phải là cơ quan đủ quyền, tướng lĩnh có thanh bảo kiếm. Chúng ta cứ làm thế này, nói mãi mà không làm, không ai làm nổi.

 Ông sẽ có kiến nghị gì?

Trong phiên họp vừa rồi Ủy ban TVQH cũng đã bàn nhiều về các hiện tượng tại sao nhiều án treo, thanh tra không phát hiện sai phạm, điều tra các vụ án sao lại chậm chạp, sao lại chuyển đổi tội danh… như thế. Những vấn đề này tôi nghĩ là phải bàn ở QH tìm biện pháp. Cá nhân tôi đề nghị phải thay đổi cơ chế để khắc phục những vấn đề trên, nếu không thì sang năm báo cáo vẫn thế, không có gì thay đổi đâu.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Phải tăng cường tổ chức bộ máy là chuyện đương nhiên rồi nhưng các cơ quan phòng chống tham nhũng của chúng ta hiện nay không chỉ hoạt động rời rạc mà còn yếu ớt. Ban Nội chính T.Ư hay Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng là cơ quan của Đảng, chỉ chỉ đạo thôi chứ không làm thay việc của cơ quan nhà nước được. Tài sản của nhiều cán bộ bất minh đấy, dấu hiệu tham nhũng cũng nhiều đấy, nhân dân cũng chả lạ gì những quan tham nhưng ai là người đứng ra kiểm tra, “xử” việc ấy vì quyền hạn quy định hiện nay chưa chỉ rõ, cho phép. Phải có một cơ quan có thẩm quyền làm được những việc đó. Chúng tôi đã từng đề xuất phải có một cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập, có thể thuộc QH hoặc theo ngành dọc thuộc Chính phủ, do Bộ Công an tổ chức chịu trách nhiệm trước QH thì mới có người làm. Cơ quan ấy được trao quyền năng có thể kiểm tra, xử lý ngay những cán bộ tham nhũng. Họ phải được trao “thanh bảo kiếm” thực sự, chứ không phải bị tách biệt, hoặc chỉ được chỉ đạo hoặc chỉ được thực hiện xử lý nhưng quyền lại bị giới hạn như nhiều cơ quan hiện nay, năm này qua năm khác vẫn chỉ xử lý được như vậy.

Tiến độ tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm đều chậm

Đó là đánh giá của Chính phủ trong báo cáo vừa gửi tới các ĐBQH về tình hình triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Theo báo cáo, tỷ trọng đầu tư từ khu vực nhà nước trong tổng đầu tư xã hội đã giảm tương đối nhanh, từ 38,7% thời kỳ 2005 - 2010, và xuống còn 37,4% thời kỳ 2011 - 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 đã giảm xuống còn 37,1%. Tương ứng, chi đầu tư phát triển từ ngân sách cũng đã giảm đáng kể, năm 2010 chiếm 8,5% GDP nhưng đến năm 2012 chỉ còn 6% GDP và đến 9 tháng đầu năm 2013 giảm xuống còn 4,71% GDP.

Đánh giá chung về tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ cho rằng, tiến độ tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm (doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và ngân hàng) tương đối chậm so với yêu cầu. Sự sụt giảm tỷ trọng đầu tư nhà nước chưa đi cùng với gia tăng tương xứng đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. “Điều này một mặt là hệ quả của nhiều năm bất ổn kinh tế vĩ mô, nhưng mặt khác là hệ quả của những rào cản thể chế, của môi trường kinh doanh chưa bình đẳng và công bằng. Chưa có thay đổi nhanh chóng, kịp thời và phù hợp về thể chế để huy động vốn đầu tư tư nhân (gồm cả tư nhân nước ngoài) tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư công phải đình hoãn do không bố trí được vốn. Vì vậy, có hàng trăm dự án sắp hoàn thành đã phải đình hoãn, gây lãng phí nguồn lực”, Chính phủ nhìn nhận.

Bảo Cầm

“Cử tri nói xử tham nhũng nhẹ hơn trước đây”

Ông Lê Nam cho rằng: “Báo cáo về công tác PCTN đặt ra cho chúng ta rất nhiều câu hỏi: Tại sao tham nhũng lại nhiều như vậy, trong khi rất ít lãnh đạo bị xử lý trách nhiệm, khởi tố? Tại sao xử án treo, chỉ đề nghị xử lý hành chính... trong khi lẽ ra phải đề nghị truy tố, xử lý hình sự? Tiếp xúc cử tri chúng tôi biết người dân rất hoài nghi về công tác PCTN. Số liệu đánh giá của chúng ta như vậy nhưng trong dư luận nhân dân thì tham nhũng vẫn đang rất nghiêm trọng, phức tạp lắm. Người dân đang rất sốt ruột với cách chúng ta xử lý tham nhũng, đặc biệt là với những quan chức. Rất nhiều cử tri nói rằng chúng ta đang xử lý tham nhũng nhẹ hơn trước đây rất nhiều dù trước đây đâu có hô hào khẩu hiệu nhiều như hiện nay”.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp cho biết, từ tháng 10.2010 đến tháng 4.2013, các cơ quan thanh tra tỉnh Hải Dương thực hiện 806 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm về kinh tế 82 tỉ đồng, 11.910 m2 đất, kiến nghị xử lý kỷ luật 9 người nhưng không phát hiện được trường hợp nào có dấu hiệu phạm tội về tham nhũng. Thanh tra tỉnh Quảng Bình thực hiện 373 cuộc thanh tra và 1.346 đợt kiểm tra, phát hiện sai phạm gần 19 tỉ đồng nhưng không kiến nghị xử lý hình sự trường hợp nào. Thanh tra tỉnh Ninh Bình đã thực hiện 524 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm hơn 47 tỉ đồng nhưng  kiến nghị xử lý hành chính 2 tập thể và 13 cá nhân; chuyển hồ sơ 1 vụ sang cơ quan điều tra...

Số liệu của Viện KSND tối cao cho biết đã khởi tố 69 vụ án với 82 bị can phạm tội về tham nhũng trong hoạt động tư pháp, chiếm khoảng 10% tổng số các vụ án tham nhũng trên toàn quốc.

Thái Sơn - Thế Văn
(Thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.