Bộ Công thương: Kinh doanh xăng dầu không còn độc quyền

28/10/2013 16:36 GMT+7

(TNO) Bộ Công thương vừa báo cáo tới các đại biểu Quốc hội kết quả triển khai thực hiện lời hứa chất vấn tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5 của Quốc hội khóa 13.

(TNO) Bộ Công thương vừa báo cáo tới các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kết quả triển khai thực hiện lời hứa chất vấn tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5 của QH khóa 13.

>> Nội dung chất vấn phải hài hòa giữa kinh tế và xã hội
>> Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: "Doanh nghiệp sẽ được hoàn toàn chủ động giá xăng

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng ký nêu rõ thực hiện các Nghị quyết số 30, 52 của QH về chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ Công thương đã tích cực triển khai các nội dung đã hứa trước QH và cử tri toàn quốc.

Theo đó, về lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng, dầu, than, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ đã và đang xây dựng và phát triển thị trường điện các cấp độ với mục tiêu đảm bảo an ninh cung cấp điện, thu hút vốn đầu tư vào ngành điện, từng bước xóa bỏ bao cấp độc quyền trong ngành điện, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để phát triển ngành điện bền vững.

Theo Bộ trưởng, quá trình từng bước giảm tính độc quyền kinh doanh điện, tái cấu trúc ngành điện đã đạt được một số bước tiến quan trọng: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia được thành lập năm 2008 do Nhà nước sở hữu 100% vốn; 5 Tổng công ty Điện lực được thành lập năm 2010 sẽ độc lập trong giai đoạn bán buôn cạnh tranh (dự kiến năm 2015); 3 Tổng công ty phát điện (GENCOs) được thành lập năm 2012, hoạt động hạch toán độc lập, trong thời gian tới sẽ tách độc lập hoàn toàn và được cổ phần hóa theo yêu cầu của Chính phủ.

Đối với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trong giai đoạn tiến tới vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, Trung tâm này sẽ được chuyển đổi theo hướng thành đơn vị hạch toán độc lập 100% vốn Nhà nước, với chức năng vận hành hệ thống điện và thị trường điện, qua đó đảm bảo tính độc lập không trùng lợi ích với các đơn vị bán điện và mua điện.

Bộ trưởng cho hay, thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức của các đơn vị trong thị trường điện và lộ trình tái cơ cấu ngành điện từng bước vững chắc, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành điện.

Đối với ngành xăng dầu, Nghị định số 84/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã cho phép doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được tham gia vào kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu (thay vì quy định chỉ doanh nghiệp nhà nước mới được thực hiện như trong Nghị định số 55/2007). Đến hết năm 2012, trên thị trường đã có 13 thương nhân đầu mối tham gia xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (có 1 thương nhân đầu mối chỉ kinh doanh nhiên liệu bay), trong đó, có cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

“Trong 9 tháng đầu năm 2013, đã cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho 6 thương nhân mới; thu hồi và ngừng cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 2 thương nhân đầu mối. Mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, những doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định số 84 đều có thể tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, vì vậy, việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc xây dựng một nghị định mới thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng cho hay Bộ Công thương đã hoàn thành việc xây dựng Dự thảo, đã trình Thủ tướng vào ngày 18.9.2013.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.